Kỳ họp Quốc hội có khối lượng nội dung về công tác lập pháp nhiều nhất

Diễn ra trong 27,5 ngày, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV là kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập pháp nhiều nhất tại một Kỳ họp, kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Quốc hội đã thông qua 11 luật, 21 nghị quyết, cho ý kiến lần đầu đối với 11 dự án luật khác; xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền, các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”; xem xét báo cáo về tổng hợp kiến nghị của cử tri và Nhân dân, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, cùng một số nội dung quan trọng khác. Trong đó, có thể thấy rõ, một số dự án luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua, cho ý kiến đã bám sát thực tiễn của đất nước, có ý nghĩa quan trọng trong công tác lập pháp và đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15; Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Nghị quyết về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW trong khu vực công theo lộ trình; điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%) từ ngày 01/7/2024 và tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ quy định tại điểm a mục 1.1 khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội,... nhằm thể chế hóa kịp thời các chủ trương, nghị quyết của Đảng đi vào thực tiễn, cuộc sống, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được ban hành nhằm bảo đảm an sinh xã hội; khắc phục căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và Nghị quyết số 93/2015/QH132; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và bảo đảm yếu tố bình đẳng giới; mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn để thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội; đồng thời, bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động đang làm việc và người hưởng lương hưu; hoàn thiện cơ chế quản lý và hệ thống tổ chức thực hiện chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, công khai, minh bạch.

Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng, Pháp lệnh Động viên công nghiệp, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, phòng thủ và bảo vệ Tổ quốc.

Luật Đường bộ được ban hành để khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Giao thông đường bộ, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ về hoạt động giao thông vận tải đường bộ, thúc đẩy sự phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ và bảo đảm tốt hơn quyền tự do đi lại của công dân.

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được ban hành nhằm khắc phục những bật cập, hạn chế sau 15 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, chặt chẽ để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Luật Lưu trữ (sửa đổi) được ban hành nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về lưu trữ, đổi mới hoạt động quản lý và thực hiện các nghiệp vụ về lưu trữ, khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn công tác lưu trữ hiện nay, đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, toàn diện và hội nhập quốc tế.

Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) được Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại 01 kỳ họp; nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật sử dụng các loại vũ khí tự chế, dao, kiếm, mã tấu và nhiều loại công cụ nguy hiểm khác; đồng thời sửa đổi các quy định về trình tự, thủ tục quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Luật Thủ đô (sửa đổi) thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) thể chế hóa các yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp về cải cách tư pháp trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và các nghị quyết, văn kiện của Đảng; khắc phục những khó khăn, bất cập của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ được Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại 01 kỳ họp; nhằm cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về cảnh vệ; bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận; bảo đảm hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với tiến trình hội nhập, mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế; góp phần xây dựng lực lượng Cảnh vệ đáp ứng yêu cầu phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản tiếp tục thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển dịch vụ đấu giá tài sản theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 được Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và xem xét, thông qua theo quy trình, thủ tục rút gọn tại 01 kỳ họp. Luật gồm 05 điều, quy định theo hướng cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024 (riêng khoản 10 Điều 255 và khoản 4 Điều 260 của Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 01/01/2025), qua đó góp phần sớm đưa các nội dung đổi mới của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản vào thực tiễn, khơi thông nguồn lực đất đai, kịp thời giải quyết, xử lý dứt điểm các tồn tại, bất cập đã chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành 03 luật và phát huy những ưu việt của chính sách, quy định tiến bộ trong các luật nêu trên; tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp và người dân trong việc thực hiện quyền của người sử dụng đất, bảo vệ quyền lợi cho người có đất bị thu hồi, thúc đẩy sự tham gia hoạt động kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở...

Quốc hội đề nghị Chính phủ bảo đảm và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thi hành các luật từ ngày 01/8/2024; chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành, địa phương ban hành kịp thời các văn bản để hướng dẫn, quy định chi tiết thi hành các luật bảo đảm chất lượng, tiến độ, không để xảy ra vướng mắc do thiếu văn bản cụ thể hóa.

Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng được ban hành nhằm tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá về phát triển kinh tế - xã hội cho thành phố Đà Nẵng.

Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An được ban hành, tiếp tục bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý đầu tư, quản lý đô thị, tài nguyên; tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương, bảo đảm phù hợp với đặc điểm và tình hình thực tế của tỉnh Nghệ An, nhằm phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển tỉnh Nghệ An nhanh và bền vững, trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước

Ngoài ra, Quốc hội đã thảo luận, thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; trong đó, điều chỉnh Chương trình năm 2024 để bổ sung 09 dự án luật, 02 dự án pháp lệnh, 01 dự thảo nghị quyết của Quốc hội; quy định Chương trình năm 2025 gồm 22 dự án luật, 01 dự thảo nghị quyết của Quốc hội; đồng thời, giao trách nhiệm cụ thể cho Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai thực hiện Chương trình. Đồng thời, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội cũng cho ý kiến về nhiều dự thảo luật:

Dự án Luật Công chứng (sửa đổi) được xây dựng nhằm góp phần thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong hoạt động công chứng; khắc phục các hạn chế, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn trong thực tiễn thi hành Luật Công chứng; bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các luật mới được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới có liên quan; tạo điều kiện để phát triển hoạt động công chứng theo định hướng xã hội hóa, ổn định, bền vững, phù hợp với thông lệ quốc tế. Quốc hội đã tập trung thảo luận những nội dung về: công chứng bản dịch; mô hình tổ chức của Văn phòng công chứng; công chứng điện tử, trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các tổ chức hành nghề công chứng; đào tạo, tập sự hành nghề công chứng, bổ nhiệm công chứng viên, độ tuổi hành nghề của công chứng viên; tổ chức và hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng; địa điểm công chứng; cơ sở dữ liệu công chứng...

Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) được xây dựng để bảo đảm sự tương thích với các tiêu chuẩn lao động quốc tế, cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và thể chế chính trị của Việt Nam; bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với Hiến pháp và hệ thống pháp luật; bảo đảm cho Công đoàn Việt Nam - tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và người lao động ngày càng lớn mạnh, thu hút mạnh mẽ người lao động và các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tham gia Công đoàn Việt Nam. Quốc hội đã tập trung thảo luận về phạm vi sửa đổi; bố cục của dự thảo Luật; địa vị pháp lý của Công đoàn Việt Nam; quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn; hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam; trách nhiệm và quyền hạn của công đoàn cơ sở; thanh tra, kiểm tra, giám sát và phân biện xã hội của Công đoàn Việt Nam; phát triển đoàn viên công đoàn, công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở; bảo đảm về tổ chức, cán bộ; bảo đảm điều kiện hoạt động công đoàn; bảo đảm cho cán bộ công đoàn; vấn đề quản lý, sử dụng tài chính công đoàn; kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát tài chính công đoàn...

Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được xây dựng nhằm thể chế chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về văn hóa và di sản văn hóa phù hợp với thực tiễn công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá hiện nay, đẩy mạnh thu hút nguồn lực xã hội hóa, hợp tác công tư, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu bảo tồn và phát triển bền vững, toàn diện và hội nhập quốc tế. Quốc hội đã tập trung thảo luận các nội dung về tên gọi, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; sở hữu di sản văn hóa; chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa; nguyên tắc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; các hành vi bị nghiêm cấm; các quy định về di sản văn hóa phi vật thể; chính sách về quản lý, bảo vệ di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, di tích lịch sử văn hóa tôn giáo; biện pháp bảo vệ và phát triển tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Việt Nam; các quy định về di tích; thăm dò, khai quật khảo cổ; giám định, điều kiện thực hiện giám định di vật, cổ vật và đăng ký di vật, cổ vật; quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và xử lý di vật, cổ vật được phát hiện, giao nộp; chuyển nhượng di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; các tiêu chí xếp hạng di tích; mua và đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước; các quy định về bảo tàng; phát huy giá trị di sản văn hóa; nguồn tài chính để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa; Quỹ bảo tồn di sản văn hóa...

Dự án Luật Địa chất và khoáng sản được xây dựng nhằm thể chế hóa quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng, khắc phục những bất cập của Luật Khoáng sản hiện hành, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật và hội nhập quốc tế. Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về nhiều nội dung, trong đó tập trung vào một số nội dung như: việc quy định phân nhóm khoáng sản để có biện pháp quản lý phù hợp từ khâu quy hoạch đến cấp phép thăm dò, khai thác, thu hồi khoáng sản, đóng cửa mỏ; về quy hoạch khoáng sản và trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản; về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; về yêu cầu hoàn thiện quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, cắt giảm thủ tục hành chính đối với khoáng sản làm vật liệu san lấp; hoàn thiện cơ chế quản lý theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm định hướng tài nguyên địa chất, khoáng sản vừa là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vừa là nguồn dự trữ lâu dài của quốc gia cần phải được quy hoạch, điều tra, thăm dò đầy đủ, được quản lý tập trung, thống nhất, khai thác, sử dụng bền vững, hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, chống tiêu cực, lãng phí tài nguyên khoáng sản, tăng nguồn thu cho ngân sách...

Dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) được xây dựng nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tương thích với điều ước quốc tế; phát huy vai trò phòng, chống mua bán người từ cơ sở và giải quyết những tồn tại, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người hiện hành. Tại Kỳ họp, Quốc hội đã phân tích, đánh giá những tồn tại, vướng mắc trong thực tiễn và đề xuất phương án chỉnh lý, hoàn thiện nhiều nội dung trong dự thảo Luật về các hành vi mua bán người; chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người; quy định miễn trách nhiệm hình sự và xử lý hành chính đối với nạn nhân bị ép buộc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; đối tượng và chế độ hỗ trợ, trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn cho nạn nhân; các biện pháp bảo vệ và thẩm quyền áp dụng; thông tin tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người...; đồng thời, đề nghị nghiên cứu bổ sung một số quy định liên quan đến hành vi mua bán thai nhi trong bụng mẹ; nghiêm cấm cố tình báo tin, tố giác, tố cáo hay khai báo sai sự thật về phòng, chống mua bán người; quy định cụ thể về việc thành lập, quản lý, vận hành những cơ sở tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân trên cơ sở đáp ứng nhu cầu giới, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ; quy định giao trách nhiệm cho cơ quan nơi nạn nhân về cư trú trong việc theo dõi, hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập, hỗ trợ hiệu quả nhất cho nạn nhân đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, người chưa thành niên; trách nhiệm của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong việc phòng, chống mua bán người...

Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được xây dựng nhằm tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; khắc phục hạn chế, vướng mắc, bất cập của pháp luật hiện hành; đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác bảo đảm an ninh, trật tự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân; tạo môi trường an toàn phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và hội nhập quốc tế. Quốc hội tập trung thảo luận, cho ý kiến về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; nguyên tắc phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến giáo dục, huấn luyện nghiệp vụ, việc huy động lực lượng, phương tiện, tài sản tham gia phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; giải pháp và biện pháp phòng cháy; trách nhiệm chữa cháy; quyền, trách nhiệm của người chỉ huy cứu nạn, cứu hộ; nhiệm vụ của lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, chuyên ngành; thẩm tra, thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy...; đồng thời, góp ý về bố cục dự thảo Luật; đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về các nhiệm vụ đã được xác định tại Kết luận số 02-KL/TW ngày 18/5/2021 của Ban Bí thư; các chính sách cụ thể nhằm ưu tiên và tạo điều kiện xây dựng lực lượng và trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; làm rõ hơn điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh...

Dự án Luật Phòng không nhân dân được xây dựng nhằm thể chế quan điểm của Đảng, Nhà nước về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trong tình hình mới, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để chủ động phòng ngừa, xử lý có hiệu quả các tình huống về quốc phòng, an ninh trên không; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện, quản lý thống nhất, tập trung đối với tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ bảo đảm an ninh, an toàn hàng không và ngăn chặn nguy cơ đe dọa đến quốc phòng, an ninh. Quốc hội đã tập trung thảo luận về một số nội dung như: giải thích từ ngữ về: “phòng không nhân dân”, “tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ"; quy định về trọng điểm phòng không nhân dân; lực lượng phòng không nhân dân; quản lý, đăng ký, khai thác, sử dụng, cấp phép, tạm giữ, thu giữ, chế áp tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ...

Dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn được xây dựng nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho công tác quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; khắc phục những bất cập, hạn chế của các quy định hiện hành, nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với kiểm soát, giám sát việc thực hiện, bảo đảm quản lý thống nhất từ Trung ương tới địa phương; bảo đảm minh bạch, khả thi, tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hoá, quản lý và phát triển đô thị bền vững. Quốc hội đã tập trung thảo luận các nội dung liên quan đến: tên gọi, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; các quy định về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn; các quy định về lập, thẩm định, phê duyệt, rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn; các quy định về lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch, nguồn kinh phí và các quy định có liên quan khác nhằm nâng cao chất lượng, tính khả thi của quy hoạch đô thị và nông thôn; quyền được tiếp cận, cung cấp thông tin về quy hoạch đô thị và nông thôn...

Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên được xây dựng để thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; xây dựng các quy định phù hợp với đặc thù lứa tuổi, tâm lý của người chưa thành niên, khắc phục những hạn chế của hệ thống pháp luật hiện hành; phù hợp với xu hướng chung và thông lệ của nhiều quốc gia trên thế giới. Quốc hội đã tập trung thảo luận về các nội dung: tên gọi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo Luật; quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật; giải thích từ ngữ; nguyên tắc cơ bản; xác định tuổi của người chưa thành niên; xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội; các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; việc áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên; người làm công tác xã hội trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên; việc thành lập Quỹ hỗ trợ hoạt động tư pháp người chưa thành niên; tách vụ án hình sự có người chưa thành niên phạm tội; thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng; thi hành án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng...

Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) được xây dựng nhằm bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện Luật, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế; cải cách thủ tục quản lý thuế theo hướng đơn giản, rõ ràng, thống nhất, ổn định chính sách, thực hiện quản lý thuế điện tử, bảo vệ quyền lợi người nộp thuế, tạo môi trường thuận lợi cho người nộp thuế tuân thủ pháp luật về thuế; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các pháp luật; phù hợp với xu hướng cải cách thuế của quốc tế. Quốc hội đã tập trung thảo luận về nhiều nội dung quan trọng như: thuế suất đối với mặt hàng phân bón, tàu khai thác thủy sản tại vùng khơi, vùng biển, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp; nội dung đối tượng không chịu thuế; vấn đề khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào; các trường hợp hoàn thuế giá trị gia tăng...

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược được xây dựng để tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm thực hiện cải cách hành chính, phân cấp quản lý, tạo chính sách đột phá trong phát triển công nghiệp dược, bảo đảm tính thống nhất với các quy định pháp luật mới được ban hành và phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật trong hoạt động quản lý thuốc; trong đó có việc bảo đảm thuốc cho phòng, chống dịch bệnh và các trường hợp cấp bách phát sinh trong thực tiễn, bảo đảm người dân được tiếp cận thuốc chất lượng, kịp thời, giá cả hợp lý. Quốc hội đã tập trung thảo luận về một số nội dung, như: chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư; các hình thức, phương thức kinh doanh dược mới (kinh doanh chuỗi nhà thuốc; kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử); quyền và trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dược có vốn đầu tư nước ngoài; quy định về quản lý oxy y tế; phát triển công nghiệp dược; kiểm soát hoạt động mua bán tại các quầy thuốc, nhà thuốc; việc chuyển từ cơ chế “tiền kiểm” sang cơ chế “hậu kiểm” đối với các hoạt động thông tin và quảng cáo thuốc; vấn đề sản xuất, kinh doanh thuốc hiếm; chính sách phát triển dược liệu, y học cổ truyền; Chứng chỉ hành nghề dược; quản lý giá thuốc; kê khai giá thuốc; thủ tục đăng ký lưu hành thuốc; rà soát, bổ sung thuốc vào danh mục được bảo hiểm y tế chi trả; bổ sung quy định về quản lý các chế phẩm máu...

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, đặc biệt công tác lập pháp, góp phần hoàn chỉnh hệ thống xây dựng pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đất nước; Quốc hội đã phát huy tinh thần dân chủ, sáng tạo, trách nhiệm, các đại biểu Quốc hội tập trung đánh giá sâu sắc, phân tích thấu đáo, khách quan về những kết quả kinh tế - xã hội trong thời gian qua, từ đó chỉ ra những tồn tại, yếu kém, đưa ra các giải pháp kịp thời, hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho những năm tới./.

Nguyễn Minh

Bạn đang đọc bài viết Kỳ họp Quốc hội có khối lượng nội dung về công tác lập pháp nhiều nhất tại chuyên mục Tin tức, sự kiện của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19