Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam: Trung tâm đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp hàng đầu của cả nước

Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam được thành lập năm 1956, tiền thân là Trường Âm nhạc Việt Nam. Năm 1982, đổi tên thành Nhạc viện Hà Nội. Năm 2008 được Chính phủ đổi tên thành Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Học viện là cơ sở đào tạo, nghiên cứu và biểu diễn âm nhạc chuyên nghiệp hàng đầu của cả nước; góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với sứ mệnh trở thành trung tâm đào tạo âm nhạc có uy tín trong khu vực, đủ năng lực để hội nhập quốc tế.

Ảnh 1. Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam tại số 77 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội

Trải qua 68 năm xây dựng và phát triển, Học viện đã đào tạo gần 10.000 cán bộ âm nhạc cho hệ thống các nhạc viện, các trường và các đơn vị nghệ thuật ở Việt Nam. Bên cạnh đó, Học viện còn đào tạo hàng trăm cán bộ âm nhạc cho các nước bạn Lào và Campuchia; mở lớp dạy nhạc cụ cổ truyền và nhạc cụ phương Tây cho một số học sinh nước ngoài như: Pháp, Đức, Thụy Điển, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đan Mạch… Nhiều giảng viên, học sinh và sinh viên đã giành được huy chương Vàng và giải thưởng cao tại các cuộc thi âm nhạc quốc gia và quốc tế, đặc biệt GS.NSND. Đặng Thái Sơn đoạt giải Nhất cuộc thi Piano quốc tế mang tên Fréderick Chopin tại Vácxava, Ba Lan năm 1980.

Ảnh 2. Các nghệ sĩ trẻ khoa Âm nhạc truyền thống

Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam có quy mô đào tạo chuyên nghiệp theo đặc thù của ngành âm nhạc, có chương trình, giáo trình đào tạo theo hướng chuẩn quốc tế, đảm bảo chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu và nhu cầu của xã hội. Hiện nay, Học viện có gần 1700 học sinh, sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh đang theo học ở các cấp học khác nhau như: Trung cấp dài hạn (6, 7, 9 năm), Trung cấp ngắn hạn (4 năm), Đại học chính quy (4 năm), Đại học vừa làm vừa học (4, 5 năm), Thạc sĩ (2 năm) và Tiến sĩ (3 năm). Số lượng giảng viên, học sinh, sinh viên của Học viện đoạt giải thưởng tại các cuộc thi tài năng âm nhạc quốc gia, quốc tế luôn đứng đầu trong các trường thuộc khối ngành âm nhạc của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

Ảnh 3. Dàn nhạc dân tộc Học viện Âm nhạc

Học viện đã hoàn thành nhiều công trình nghiên cứu cấp khu vực, các đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp cơ sở và tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế. Viện Âm nhạc - đơn vị trực thuộc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam - là một trong những trung tâm nghiên cứu âm nhạc hàng đầu của Việt Nam, có uy tín trong khu vực và quốc tế. Kết quả nghiên cứu của Viện đã đóng góp tích cực vào công tác giảng dạy, biểu diễn và bảo tồn, phát triển nền âm nhạc Việt Nam. Các thế hệ cán bộ của Viện Âm nhạc trong những năm qua đã sưu tầm thu thanh, ghi hình, nghiên cứu, lưu trữ vốn âm nhạc dân gian của 54 dân tộc Việt Nam. Đặc biệt những năm gần đây, Viện Âm nhạc đã xây dựng thành công Hồ sơ quốc gia về Ca trù, Hát Xoan, Đờn ca Tài tử được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.

Ảnh 4. Dàn nhạc giao hưởng trẻ Học viện Âm nhạc

Hoạt động biểu diễn đóng vai trò quan trọng vừa là thực hành đào tạo vừa là thước đo đánh giá về chất lượng đào tạo, phương pháp giảng dạy, đồng thời là thế mạnh của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam vì đây là nơi hội tụ nhiều Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú và nhiều giảng viên, nghệ sĩ trẻ tài năng trong các lĩnh vực Thanh nhạc, biểu diễn nhạc cụ phương Tây,biểu diễn nhạc cụ dân tộc. Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội, Dàn nhạc Dân tộc Việt Nam, dàn Dây, các nhóm nhạc thính phòng, các nghệ sĩ độc tấu của Học viện đã thực hiện thành công hàng trăm buổi biểu diễn, giới thiệu nền âm nhạc Việt Nam tới khán giả trong nước và quốc tế và góp phần đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của công chúng yêu âm nhạc Việt Nam.

Ảnh 5. Hoà nhạc học sinh sinh viên khoa Dây

Hàng năm, nhiều giáo sư, nghệ sĩ, nhạc trưởng nổi tiếng của nhiều quốc gia đã sang giảng dạy và biểu diễn tại Học viện. Nhiều nghệ sĩ, giảng viên, sinh viên của Học viện đã được mời đi biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới. Học viện thường xuyên cử học sinh, sinh viên tham gia biểu diễn cùng các dàn nhạc giao hưởng nước ngoài như: Dàn nhạc Giao hưởng châu Á, Dàn nhạc Trẻ châu Á, Dàn nhạc Trẻ Đông Nam Á... Học viện duy trì quan hệ cộng tác với nhiều nhạc viện có tên tuổi trên thế giới tại như Nhạc viện Tchaikovsky (LB Nga), Nhạc viện Paris (CH Pháp), Học viện Âm nhạc Bắc Kinh, Nhạc viện Thượng Hải (Trung Quốc), Trường Âm nhạc thuộc Đại học tổng hợp Queensland (Úc), Học viện Âm nhạc Malmo (Thụy Điển), Học viện Nghệ thuật biểu diễn Hồng Kông; Dàn nhạc trẻ châu Á, Dàn nhạc trẻ Đông Nam Á, Dàn nhạc Nagoya (Nhật Bản); tổ chức âm nhạc của các nước như: Nhật Bản, Áo, Đức, Canada, Thái Lan, Singapore...

Ảnh 6. Hoà nhạc thính phòng và hợp xướng tại Học viện

Với những đóng góp của nhiều thế hệ giảng viên, cán bộ trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền âm nhạc nước nhà, cùng những thành tựu đạt được trong giai đoạn đổi mới, hội nhập của đất nước, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng I, hạng II, hạng III; 2 Huân chương Độc lập hạng I, hạng II, hạng III và Huân chương Hồ Chí Minh.

Ngày nay, quá trình hội nhập quốc tế đang diễn ra ở quy mô toàn cầu, tạo cơ hội thuận lợi để Học viện tiếp cận với các xu thế mới, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài để phát triển. Những thành tựu âm nhạc của Học viện thông qua các giải thưởng âm nhạc quốc tế của các giảng viên, học sinh, sinh viên và quá trình quảng bá âm nhạc Việt Nam trên trường quốc tế đã hướng sự quan tâm của nhiều quốc gia có nền âm nhạc phát triển trên thế giới tới nền âm nhạc Việt Nam và Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Các hoạt động biểu diễn, đào tạo, hợp tác quốc tế ngày càng mở rộng, có chất lượng và hiệu quả đã góp phần khẳng định vai trò thúc đẩy, là cầu nối và động lực giúp Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam phát triển mạnh mẽ, tiếp thu tinh hoa văn hoá của nhân loại đồng thời quảng bá nền âm nhạc truyền thống Việt Nam tới quốc tế.

Với định hướng tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có chiến lược và kế hoạch phát triển cụ thể cho từng giai đoạn, gửi cán bộ, sinh viên đi thực tập, tu nghiệp, biểu diễn tại các nhạc viện, viện nghiên cứu trên thế giới, đổi mới công tác tuyển sinh, công tác giảng dạy và đào tạo, công tác quản trị đại học chính là con đường hướng tới mục đích không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, góp phần đưa Học viện vươn xa, trở thành một trong những trung tâm đào tạo, biểu diễn, nghiên cứu âm nhạc hàng đầu khu vực và có uy tín quốc tế.

Nguyễn Huy Hồng - Tạp chí Giáo dục

Bạn đang đọc bài viết Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam: Trung tâm đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp hàng đầu của cả nước tại chuyên mục Thông tin tuyên truyền của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn