Ảnh: Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác
Do dòng tộc vốn có truyền thống khoa bảng nên ngay từ nhỏ, Lê Hữu Trác đã sớm chăm chỉ đèn sách để kế nghiệp cha (ông Lê Hữu Mưu - Đệ tam giáp Tiến sĩ) và ông nội. Năm Kỷ Mùi 1739, khi đang giữ chức Ngự Sử tước Bá trong triều đình, cha Lê Hữu Trác qua đời. Lúc này, ông phải rời kinh thành để về quê nhà vừa chăm nom gia đình vừa đèn sách mong nối nghiệp cha, tiến thân bằng con đường quan lộ. Nổi tiếng thông minh, được theo cha học từ sớm nên Lê Hữu Trác uyên bác ở nhiều lĩnh vực. Nhưng thế kỷ XVIII là giai đoạn xã hội vô cùng rối ren khi các cuộc khởi nghĩa nổ ra khắp nơi. Một năm sau khi cha mất, Lãn Ông nghiên cứu binh thư, võ nghệ nhằm tòng quân. Ít lâu sau, Lê Hữu Trác nhận ra chiến tranh chỉ khiến con người thêm đau khổ, ông chán nản xuất ngũ trở về Hương Sơn với lý do chăm sóc mẹ già và cháu nhỏ và học nghề thuốc. Trong suốt sự nghiệp chữa bệnh cứu người, Lê Hữu Trác luôn tận tụy, hết lòng vì người bệnh, không quản ngại nắng mưa. Vì vậy ông rất được nhân dân yêu quý, người đời kính trọng.
Kế thừa những thành tựu y học cổ truyền đã đạt được bấy giờ, kết hợp với những nghiên cứu và kinh nghiệm chữa bệnh của bản thân, Ông đã biên soạn bộ sách “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” gồm 28 tập, 66 quyển, đề cập tới hầu hết các lĩnh vực và vấn đề của y học cổ truyền, có giá trị khoa học và thực tiễn hết sức to lớn, được coi là bộ bách khoa thư y học đầu tiên của nền Y học Việt Nam. Sâu sắc về y lý, giỏi về y thuật, Hải Thượng Lãn Ông không chỉ để lại những kiến thức y học cổ truyền vô cùng quý báu, mà Ông còn để lại tấm gương sáng ngời về y đức. Những giá trị trường tồn mà Hải Thượng Lãn Ông để lại đang tiếp tục được các thế hệ thầy thuốc ngày nay nghiên cứu, vận dụng; là phương châm chỉ đạo cho các thầy thuốc học tập, noi theo.
Hải Thượng Lãn Ông là thầy thuốc có tinh thần học tập suốt đời. Ông đã tiếp thu, chắt lọc những tư tưởng, tinh hoa y học cổ truyền của các y gia trong và ngoài nước trước đó, đúc kết kinh nghiệm từ thực tiễn để phát triển chuyên môn. Ông là người hết lòng thương yêu người bệnh, một nhân cách cao thượng đã có nhiều đóng góp về y thuật, y lý cho nền y học nước nhà, là tấm gương sáng ngời về y đức cho các thế hệ thầy thuốc Việt Nam sau này. Qua từng tác phẩm để lại, mới thấy ở con người ông có sự nhất quán về y đức trong suy nghĩ, lời nói và việc làm, thể hiện được phẩm chất cao đẹp, tấm lòng nhân hậu của người thầy thuốc hết lòng vì người bệnh. Chính vì vậy, tư tưởng về y đức, y lý, y thuật của Hải Thượng Lãn Ông đến nay vẫn là những giá trị trường tồn và là phương châm chỉ đạo cho các thầy thuốc noi theo. Y đức của Hải Thượng chính là “đức nhân” theo quan điểm “nghề y là một nhân thuật”. “Nhân” là đức tính cơ bản của người làm nghề y, điều kiện tiên quyết để vào nghề y. Theo ông, người thầy thuốc chân chính cần có 8 chữ răn mình: Nhân - Minh - Đức - Trí - Thành - Lượng - Khiêm - Cần (tức là lòng yêu thương, sự sáng suốt, đức độ lòng tốt thiện, hiểu biết, thành thực rộng lượng, khiêm tốn, cần cù). Bản thân ông có sự thấm đẫm và dung hợp giữa triết lý nhân sinh của Nho, Lão, Phật giáo và truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam.
Thông qua quá trình tôi luyện nghề nghiệp mà từ đó, hình thành ở ông một nhân cách lớn, tư tưởng nhân sinh quan mới có sự chọn lọc, mang tính hệ thống và sâu sắc về y đức. Tư tưởng đạo đức nhân sinh của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là tư tưởng phục vụ con người, phục vụ Nhân dân. Đây là một trong những giá trị quan trọng, cốt lõi, xuyên suốt sự nghiệp của ông, phản ánh giá trị nhân bản sâu sắc là phục vụ cả phương diện thể chất và tinh thần con người. Tư tưởng đạo đức nhân sinh Hải Thượng Lãn Ông thể hiện lòng yêu nước, thương dân và tài năng y thuật xuất chúng.
Đối với Hải Thượng Lãn Ông, ngoài việc học tập để có khả năng thành một thầy thuốc, còn phải trau dồi đạo đức cho thật đầy đủ. Do vậy, thái độ và tư cách của người thầy thuốc là rất quan trọng. Tinh thần phục vụ vô tư và trong sáng của ông rất rõ ràng: Được mời đi thăm bệnh, nên tùy bệnh cần kíp hay không mà sắp đặt đi thăm trước hay sau. Chớ nên vì giàu sang hoặc nghèo hèn mà nơi đến trước, chỗ tới sau, hoặc bốc thuốc lại phân biệt hơn kém khi lòng mình có chỗ không thành thật, thì khó mong thu được kết quả. (Y huấn cách ngôn). Ông nói: Khi tôi trẻ tuổi, bỏ nghiệp nho theo nghề thuốc, mười năm đèn sách, nghiên cứu đêm ngày dùi mài nghề nghiệp, chăm chăm chỉ nghĩ một lòng làm phúc giúp người. Quan điểm làm phúc giúp người thể hiện ông là người giàu lòng nhân ái, yêu thương con người.
Hải Thượng Lãn Ông là tấm gương hết lòng vì người bệnh, không phân biệt sang hèn. Tính nhân văn của ông là quan tâm đến người nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn, yêu thương người bệnh. Đời sống của người dân thời kì đó còn nhiều khó khăn; cái ăn, cái mặc thiếu thốn, còn nghĩ gì đến chuyện thuốc men điều trị. Từ tấm lòng người thầy thuốc, hiểu rõ hoàn cảnh người bệnh, ông nhắc nhở: Khi đến xem bệnh ở những nhà nghèo túng hoặc những người mồ côi, góa bụa, hiếm hoi, càng nên chăm sóc đặc biệt. Vì những người giàu sang không lo không có người chữa, còn người nghèo hèn thì không đủ sức đón được thầy giỏi. Vậy, ta để tâm một chút, họ sẽ được sống một đời. Còn như những người con thảo, vợ hiền, nghèo mà mắc bệnh, ngoài việc cho thuốc, lại còn tùy sức mình chu cấp cho họ nữa. Vì có thuốc mà không có ăn thì cũng vẫn đi đến chỗ chết. Cần phải cho họ được sống toàn diện mới đáng gọi là nhân thuật. (Y huấn cách ngôn). Đây là một quan điểm thực tế, thể hiện được tình thương xuất phát từ tấm lòng nhân hậu của người thầy thuốc. Một câu chuyện đến nay còn được nhiều người truyền tụng: Lãn Ông chữa bệnh cho một em bé con nhà thuyền chài nghèo khổ. Em bé mắc bệnh đậu mùa nặng, săn sóc hơn một tháng trời, không ngày nào bỏ vắng. Ông cứu chữa được em khỏi bệnh hoàn toàn. Ông không lấy tiền thuốc mà còn giúp đỡ gia đình em cả gạo, củi, dầu đèn. (Y dương án). Nếu xét đến hoàn cảnh xuất thân của Lãn Ông và thành kiến của xã hội đương thời, chúng ta mới thấy hết ý nghĩa cao quý trong việc làm này của ông. Gặp người bệnh hiểm nghèo, Lãn Ông không ngại khó khăn, tránh tiếng, hết lòng cứu chữa. Đôi lúc ông còn băn khoăn: E rằng y lý mênh mông không tránh khỏi thiếu sót, hoặc giả bệnh nặng thuốc nhẹ chưa đủ sức chăng? (Y âm án). Tấm lòng nhân ái của ông chính là thái độ khi tiếp xúc với người bệnh, thể hiện sự nghiêm túc, kính trọng và nhân ái đối với người bệnh. Không phân biệt đối xử với bất kể tầng lớp nào và đối với phụ nữ phải nghiêm túc triệt để.
Hải Thượng Lãn Ông là đại danh y của nền y học dân tộc, ông là niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam. Tuy đã sống cách đây gần 3 thế kỷ nhưng những tư tưởng, quan điểm chữa bệnh tiến bộ của ông vẫn là kim chỉ nam cho các thầy thuốc thế hệ sau, là tấm gương sáng cho chúng ta học tập noi theo.
Nguyễn Minh
Tham khảo:
- Tạp chí Y học cổ truyền
- Viện Y học cổ truyền Quân Đội