Vai trò và hệ quả xã hội của kỳ thi Gaokao
Gaokao, kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia Trung Quốc, là công cụ then chốt trong quá trình tuyển chọn sinh viên vào các cơ sở giáo dục đại học trên toàn quốc. Được tổ chức hàng năm, Gaokao không chỉ quyết định con đường học tập và nghề nghiệp của hàng triệu học sinh mà còn được coi là biểu tượng của công bằng xã hội trong nền giáo dục Trung Quốc (Yang & Leung, 2017; Fu, 2024). Đặc biệt đối với học sinh ở các vùng nông thôn, miền núi, kỳ thi này được xem là cơ hội hiếm hoi để nâng cao vị thế xã hội và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Tuy nhiên, cùng với vai trò trọng yếu đó là áp lực tâm lý nặng nề mà học sinh phải đối mặt (Yang & Leung, 2017). Văn hóa đề cao thành tích học tập, kỳ vọng cao từ gia đình và xã hội đã tạo nên môi trường thi cử khốc liệt, nơi học sinh phải dốc toàn bộ thời gian và sức lực để ôn luyện. Quá trình này kéo dài nhiều năm, từ bậc trung học cơ sở đến trung học phổ thông, khiến không ít học sinh rơi vào trạng thái căng thẳng kéo dài, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần.
Ảnh hưởng của áp lực thi cử đến sức khỏe tâm thần học sinh
Theo khảo sát của Fu (2024), tỷ lệ học sinh gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần trong quá trình chuẩn bị cho kỳ thi Gaokao là rất đáng báo động. Cụ thể, khoảng 65% học sinh bị lo âu, 45% có biểu hiện trầm cảm, 55% gặp rối loạn giấc ngủ, 50% trải qua tình trạng kiệt sức và 60% chịu các triệu chứng thể chất như đau đầu, rối loạn tiêu hóa. Các yếu tố gây áp lực có thể kể đến khối lượng kiến thức khổng lồ cần ghi nhớ, thời gian học tập kéo dài, sự cạnh tranh gay gắt giữa các thí sinh và kỳ vọng rất cao từ phía gia đình. Đặc biệt, học sinh nông thôn phải đối mặt với những thách thức lớn hơn do sự thiếu hụt về cơ sở vật chất, nguồn tài liệu học tập cũng như dịch vụ hỗ trợ tâm lý học đường, dẫn đến mức độ căng thẳng cao hơn so với học sinh thành thị.
Cơ chế ứng phó và tác động lâu dài của căng thẳng
Để đối phó với áp lực từ kỳ thi, học sinh áp dụng nhiều chiến lược khác nhau như tái cấu trúc nhận thức, thiền định, quản lý thời gian hiệu quả, tham gia hoạt động thể chất và tìm kiếm sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè, thầy cô (Fu, 2024). Trong số đó, quản lý thời gian và lập kế hoạch học tập được đánh giá là các biện pháp hiệu quả nhất. Mối liên hệ giữa căng thẳng và kết quả học tập là một vấn đề phức tạp. Một mức độ căng thẳng vừa phải có thể giúp tăng cường sự tập trung và động lực học tập, nhưng khi vượt quá ngưỡng chịu đựng của học sinh, căng thẳng sẽ tác động tiêu cực đến khả năng nhận thức, trí nhớ và giải quyết vấn đề, từ đó làm giảm thành tích học tập (Fu, 2024). Về lâu dài, căng thẳng mãn tính có thể dẫn đến rối loạn lo âu, trầm cảm và các bệnh lý thể chất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của học sinh.
Kinh nghiệm cho Việt Nam
Thực tiễn từ kỳ thi Gaokao của Trung Quốc mang lại nhiều kinh nghiệm giá trị cho Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và tuyển sinh đại học hiện nay vẫn mang tính cạnh tranh cao. Mặc dù những cải cách gần đây đã giúp giảm bớt áp lực thi cử, song nhiều học sinh Việt Nam vẫn phải đối mặt với tình trạng lo âu, kiệt sức trong quá trình ôn tập, nhất là tại các khu vực nông thôn, miền núi, nơi dịch vụ hỗ trợ tâm lý học đường còn hạn chế.
Ngoài ra, tình trạng phổ biến của các lớp luyện thi cấp tốc và sự chú trọng quá mức vào kết quả thi cũng đang làm gia tăng áp lực không cần thiết, hạn chế sự phát triển toàn diện của học sinh. Để khắc phục, Việt Nam có thể xem xét triển khai đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, cần tăng cường dịch vụ tham vấn học đường, lồng ghép giáo dục kỹ năng quản lý cảm xúc và stress vào chương trình giáo dục phổ thông. Đồng thời, tổ chức tập huấn cho giáo viên nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu căng thẳng ở học sinh và xây dựng môi trường học tập thân thiện, hỗ trợ tâm lý.
Thứ hai, đa dạng hóa các hình thức đánh giá học sinh bên cạnh kỳ thi tập trung, khuyến khích các phương thức đánh giá quá trình như hồ sơ học tập cá nhân, bài tập dự án, giúp giảm bớt tâm lý “một kỳ thi quyết định tất cả”.
Thứ ba, cần chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục tại các khu vực khó khăn, nhằm thu hẹp khoảng cách tiếp cận giữa các vùng miền, đảm bảo mọi học sinh đều có cơ hội học tập công bằng và lành mạnh.
Gaokao là một ví dụ điển hình cho thấy áp lực thi cử quá mức có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần học sinh, từ đó tác động đến kết quả học tập và sự phát triển toàn diện. Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy, bên cạnh cải cách nội dung và hình thức thi cử, cần chú trọng đồng bộ đến các yếu tố hỗ trợ tâm lý và xây dựng môi trường học đường thân thiện. Đối với Việt Nam, việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế và xây dựng chính sách giáo dục nhân văn, lấy học sinh làm trung tâm là hướng đi tất yếu để đảm bảo sự phát triển bền vững của nền giáo dục trong thời đại mới.
Vân An
Tài liệu tham khảo
Fu, Y. (2024). The Impact of Gaokao High-Stakes Testing on Student Mental Health in China: An Analysis of Stress Levels and Coping Mechanisms Among Senior High School Students. Research and Advances in Education, 3(5), 23–32. https://doi.org/10.56397/RAE.2024.05.03
Yang, X., & Leung, F. K. S. (2017). The effect of high-stakes testing on the students’experiences and perceptions of learning: A comparison of China’s Gaokao and Hong Kong’s DSE. Asia Pacific Education Review, 18(3), 331-345.