Nghiên cứu về thực trạng lo âu toán học của học sinh tại năm quốc gia khu vực châu Á – Thái Bình Dương

Nghiên cứu của nhóm tác giả Zhenguo Yuan và cộng sự sử dụng cơ sở dữ liệu giáo dục quốc tế PISA 2012 để so sánh thực trạng lo âu toàn học và mối quan hệ với các vấn đề giáo dục khác tại năm quốc gia thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương (Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Trung Quốc (thành phố Thượng Hải) và Singapore.

Lo âu toán học là thuật ngữ đề cập đến cấu trúc tâm lý đa chiều liên quan đến một loạt các yếu tố phức tạp, chẳng hạn như cảm giác áp lực, không đạt hiệu suất và lo lắng về các bài kiểm tra, gây trở ngại cho việc thao tác với các con số và giải quyết các vấn đề toán học ở nhiều dạng thức khác nhau trong cuộc sống bình thường và các tình huống học tập. Đặc trưng phổ biến của lo âu toán học là cảm giác sợ hãi và căng thẳng liên quan đến việc giải quyết các con số và hoàn thành các bài toán trong các bối cảnh khác nhau. Một số nhà nghiên cứu đã đưa ra 5 thành tố của tình trạng này, gồm: sự lo âu đối với việc kiểm tra – đánh giá, tính chất thời điểm, sự hiểu biết về các vấn đề toán học, các con số và phép toán, và các tình huống toán học trong cuộc sống thực.

Tác động của thực trạng lo âu toán học đối với việc học của học sinh là khá tiêu cực. Như hầu hết các nghiên cứu đi trước đã kết luận, điểm các bài kiểm tra toán học và thực trạng lo âu này có mối quan hệ ở mức trung bình đến tiêu cực. Đặc biệt, lo âu toán học là một yếu tố dự báo mạnh mẽ đối với thành tích thấp ở môn toán. Những sinh viên có chỉ số lo âu toán học cao thường sẽ né tránh các tình huống cần thực hiện các phép tính toán học. Trong khi đó, các nghiên cứu trong lĩnh vực này thường đưa ra các kết quả khác nhau hoặc không rõ ràng về mức độ lo âu toán học giữa các nhóm nhân khẩu học khác nhau. Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu tìm hiểu về đề tài này, nhưng vẫn cần nhiều công trình hơn nữa để có thể hiểu đầy đủ sự khác biệt giữa các quốc gia khác nhau và ảnh hưởng của tình trạng lo âu toán học đối với thành tích học tập của học sinh.

Trong nghiên cứu này, lo âu toán học được định nghĩa bằng sáu yếu tố về thái độ của học sinh đối với việc học toán, thay vì 10 yếu tố như trong nghiên cứu đánh giá PISA 2012. Nghiên cứu này sử dụng các phương pháp mô tả, số liệu, tương quan từng phần, hồi quy bội và phân tích nhân tố. Biến số chính của nghiên cứu là sự lo âu toán học, được thiết lập dựa trên từ 6/10 yếu tố xoay quanh sự lo lắng, căng thẳng, hồi hộp hoặc bất lực của học sinh trước những khó khăn toán học, bao gồm bài tập về nhà, những bài toán hóc búa hoặc điểm kém. Những phát hiện mới của nghiên cứu này đã chỉ ra quan điểm về sự lo âu toán học của học sinh và tác động của nó đối với các nền kinh tế dựa trên ba mô hình khác nhau: sự lo âu toán học có mối tương quan âm khá mạnh mẽ với yếu tố điểm thi, sở thích và kiến thức toán học của học sinh ở tất cả các nền kinh tế; quan hệ nghịch với các yếu tố năng lực, tầm quan trọng, sự tự quy kết của học sinh trong nền kinh tế phát triển cao và thấp; và có mối tương quan yếu với các yếu tố phương pháp giảng dạy, ảnh hưởng của cha mẹ hoặc thành tích của bạn bè. Nghiên cứu này cũng thảo luận về một loạt các câu hỏi để nghiên cứu sâu hơn trong lĩnh vực dạy học toán.

Vân An lược dịch

Nguồn:

Yuan, Z., Tan, J., & Ye, R. (2022). A Cross-national Study of Mathematics Anxiety. The Asia-Pacific Education Researcher, 32(3), 295–306. https://doi.org/10.1007/s40299-022-00652-7

Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Nghiên cứu về thực trạng lo âu toán học của học sinh tại năm quốc gia khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19