Tìm hiểu việc triển khai phương pháp mô hình hoá toán học của giáo sinh: tiếp cận từ lý thuyết ra quyết định (decision theory)

Nghiên cứu của Ragnhild Hansen hướng đến giải thích lựa chọn được các nhóm giáo sinh khác nhau lựa chọn nhằm triển khai các nhiệm vụ học tập dựa trên phương pháp mô hình hoá toán học tại các trường tiểu học.

Phương pháp mô hình hoá toán học miêu tả quá trình đưa một tình huống thực tế vào toán học và giải thích cách giải bài toán đó theo cách có thể ứng dụng được ngoài đời thực. Hiện tại, có sự thống nhất cao giữa các nhà nghiên cứu, nhà giáo dục rằng phương pháp mô hình hoá đóng vai trò quan trọng trong giáo dục toán học cả ở bậc phổ thông và đại học. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng, việc đặt ra những bài toán sát bối cảnh thực tế và có sự hướng dẫn đầy đủ từ giáo viên sẽ giúp học sinh tiểu học làm quen và thực hiện tốt các bài tập có ứng dụng phương pháp mô phỏng. Tuy nhiên, đối với giáo viên, quá trình áp dụng của mỗi học sinh khác nhau khiến giáo viên rất khó đưa ra quyết định có can thiệp hỗ trợ các em hay không và nếu có thì khi nào.

Tại Na Uy, phương pháp mô hình hoá toán học được tích hợp vào chương trình giảng dạy Toán bắt buộc tại các trường phổ thông từ năm 2020 với tư cách một trong những yếu tố then chốt. Tuy nhiên, các giáo sinh thực tập bậc tiểu học (dạy cho học sinh từ lớp 1-7) vẫn chưa quen với khái niệm phương pháp mô hình hoá toán học và cách thức triển khai. Nghiên cứu chỉ ra rằng sự thành công của phương pháp này nằm ở việc lập kế hoạch một cách chi tiết lớp học với sự tham gia của nhiều thành phần, từ học sinh, giáo viên, giáo sinh thực tập và cả các nhà nghiên cứu. Do đó, qua việc tìm hiểu quá trình các giáo sinh thực tập triển khai các bài tập thực hành dựa trên phương pháp mô hình toán học tại các lớp học tiểu học giúp các nhà giáo dục nâng cao hiểu biết của mình về cách thức phát triển năng lực dạy học của các giáo sinh thực tập trên khía cạnh này. Do đó, nhóm nghiên cứu quyết định tìm hiểu lựa chọn mà các giáo sinh thực tập tại các trường tiểu học có xu hướng sử dụng trong quá trình lập kế hoạch và giám sát việc thực hành các bài tập toán dựa trên phương pháp mô phỏng của học sinh.

Nghiên cứu sử dụng dữ liệu từ một khoá đào tạo giáo sinh thực tập tiểu học diễn ra tại trường đại học của nhóm nghiên cứu trong kỳ học mùa thu năm 2020. Trong đó, các giáo viên thực tập được giao một bài tập trong đó yêu cầu họ triển khai (lập kế hoạch và thực hiện) một hoạt động học tập dựa trên phương pháp mô phỏng trong thời gian 3 tuần thực tập tại các trường tiểu học.

Kết quả nghiên cứu cho thấy các giáo viên thực tập thường xuyên đưa các tình huống thực tế vào bài tập cho học sinh và điều này được giải thích bằng việc các giáo viên thực tập quan niệm rằng phương pháp mô hình hoá cần phải tạo ra các hoạt động sát với đời thực nhất có thể. Cụ thể, các nhóm giáo viên thực tập thường ưu tiên hai cách tiếp cận khác nhau trong quá trình cho học sinh tham gia hoạt động học tập: (1) đề nghị học sinh tham gia trực tiếp vào các tình huống mà cộng đồng dân cư nơi các em sinh sống thường thực hiện (chẳng hạn như nhặt rác), và (2) thông qua các bài toán thực tiễn đã được lên kịch bản từ trước mà học sinh có thể dễ dàng nhận biết (chẳng hạn, ước tính số lượng hạt cây có trong các hộp không có tính quy luật). Nhóm nghiên cứu phát hiện rằng các giáo viên thực tập thường có xu hướng ít hướng dẫn cụ thể các đáp án khả dĩ về mặt toán học đối với các bài toán thực tế này trong quá trình giảng dạy cho học sinh. Điều này có thể giải thích bởi các giáo viên thực tập chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc tìm ra một lời giải chính xác nhất, hoặc vì các giáo viên thực tập dành quá nhiều thời gian cho việc quan sát chiến lược tìm lời giải của các em.

Vân An lược dịch

Nguồn:

Hansen, R. (2022). Using decision theory to understand preservice teachers’ implementations of mathematical modelling. Mathematics Education Research Journal. https://doi.org/10.1007/s13394-022-00433-x

Ghi chú: Các quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19