Vai trò của yếu tố văn hoá và ngôn ngữ trong hình thành thói quen phản hồi: Góc nhìn của giảng viên đại học quốc tế

Các nghiên cứu đi trước về quốc tế hoá giáo dục đại học thường chú ý đến góc nhìn của sinh viên, trong đó năng lực liên văn hoá thường được coi là yếu tố then chốt. Tuy nhiên, góc nhìn và năng lực liên văn hoá của giảng viên cũng đóng vai trò quan trọng và cần được xem xét kĩ lưỡng. Một khía cạnh quan trọng của thực hành giáo dục là kĩ năng phản hồi, chịu ảnh hưởng nhiều bởi trải nghiệm văn hoá và ngôn ngữ của cả giảng viên và sinh viên.

Các nghiên cứu về quốc tế hoá giáo dục đại học đã ngày càng mở rộng trong nhiều thập kỷ qua, trong đó phần lớn các nguồn tập trung vào trải nghiệm của sinh viên và thái độ, kỹ năng và kiến thức cần thiết để tham gia đầy đủ vào môi trường quốc tế. Việc tập trung vào đối tượng sinh viên là điều dễ hiểu và phù hợp với phương pháp sư phạm lấy người học làm trung tâm phổ biến ở các trường đại học phương Tây. Tuy nhiên, đã hơn một thập niên kể từ khi Sanderson (2011) nhấn mạnh sự thiếu tập trung vào đối tượng giảng viên khi thảo luận về quá trình quốc tế hoá, các trường đại học vẫn chủ yếu dành sự quan tâm đến sinh viên, đối tượng được kỳ vọng sẽ tốt nghiệp với những kỹ năng, kiến thức và thái độ nhất định thể hiện quan điểm quốc tế hoá của họ, trong khi đó (ngoại trừ một số trường hợp thiểu số), có rất ít nghiên cứu dành cho năng lực của các giảng viên trên phương diện này.

Trên thực tế, đã có một số nghiên cứu chỉ ra những căng thẳng mà các học giả quốc tế gặp phải liên quan đến việc hiểu, tiếp thu các chuẩn mực sư phạm và giao tiếp khi sống và làm việc ở một quốc gia mới. Hơn nữa, Walker (2015) chỉ ra rằng các học giả có xu hướng chuyển đến và ở lại công tác tại các cơ sở giáo dục đại học nước ngoài trong thời gian dài hơn so với sinh viên - những người thường nhanh chóng chuyển đổi giữa các lĩnh vực khác nhau sau khi tốt nghiệp. Do đó, cần chú ý nhiều hơn đến các khía cạnh quốc tế hoá và năng lực liên văn hoá từ quan điểm của giảng viên.

Nghiên cứu của hai tác giả Richard Bale và Monika Pazio Rossiter hướng tói trả lời hai câu hỏi nghiên cứu sau:

1. Kinh nghiệm của đội ngũ giảng viên quốc tế về thực hành phản hồi là gì?

2. Các giảng viên nhận thấy tác động của ngôn ngữ và văn hoá đối với cách họ tiếp cận thói quen phản hồi là gì?

Do tính chất khám phá của các câu hỏi nghiên cứu trên, nhóm tác giả chọn khung mẫu diễn giải làm cơ sở phương pháp luận cho nghiên cứu này. Các tác giả đã sử dụng phương pháp thảo luận nhóm tập trung, thành lập bốn nhóm tập trung trên Microsoft Teams với tổng số 18 người tham gia. Những người tham gia phỏng vấn cần thoả mãn điều kiện: sinh ra ở một quốc gia khác (ngoài nước Anh) và đã hoàn thành ít nhất một phần quá trình học tập của họ ở nước ngoài. Giá trị của các phương pháp thảo luận nhóm tập trung, trái ngược với các cuộc phỏng vấn, nằm ở sự tương tác giữa những người tham gia. Với bản chất của các câu hỏi nghiên cứu, nhóm tác giả tin rằng các tương tác năng động sẽ làm nổi bật những trải nghiệm văn hoá mà những người tham gia khảo sát mang lại.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, năng lực văn hoá của đội ngũ giảng viên đóng vai trò quan trọng trong việc nhận thức và thực hành thói quen phản hồi, đồng thời chịu ảnh hưởng bởi trải nghiệm của các giảng viên khi sinh sống tại nền văn hoá quê nhà của họ cũng như các nền văn hoá nhỏ khác, chẳng hạn như các chuẩn mực và chiến lược của cơ sở giáo dục nơi họ học tập, công tác trước đây xung quanh việc học tập và giảng dạy. Sự tiếp biến văn hoá diễn ra một cách hợp lý và tự nhiên, phản ánh sâu sắc về sự thực hành văn hoá hơn là chỉ đơn giản là thích nghi với bối cảnh văn hoá mới. Điều này có nghĩa là năng lực liên văn hoá trở thành một công cụ thiết yếu trong quá trình thực hành thói quen phản hồi của giáo viên (Carless và Winstone 2020; Pazio Rossiter và Bale 2023).

Hiện tại, khía cạnh liên văn hoá không được tích hợp rõ ràng vào các mô hình năng lực phản hồi. Điều này đảm bảo sự nổi bật hơn trong quá trình diễn ngôn của các phản hồi, do tầm quan trọng của văn hoá trong việc tạo điều kiện cho các cuộc đối thoại phản hồi diễn ra một cách hiệu quả. Điều này cũng có những hàm ý thực tiễn: nhóm nghiên cứu cho rằng việc đào tạo sư phạm cho giảng viên nên lồng ghép các yếu tố văn hoá và năng lực liên văn hoá, và những tác động của chúng đến các hoạt động phản hồi trong các bối cảnh cụ thể. Như đã thảo luận ở trên, năng lực liên văn hoá là về sự tương hỗ và hiểu biết lẫn nhau; do đó, bất kỳ khoá đào tạo nào về năng lực liên văn hoá nên áp dụng cho toàn bộ đội ngũ giảng viên của trường đại học, không chỉ tập trung vào những người đến từ các quốc gia khác.

Vân An lược dịch

Nguồn:

Bale, R., & Rossiter, M. P. (2023). The role of cultural and linguistic factors in shaping feedback practices: the perspectives of international higher education teaching staff. Journal of Further and Higher Education, 1–12. https://doi.org/10.1080/0309877x.2023.2188179

Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19