Mô hình lý thuyết của hiện tượng “sốc văn hoá” và sự thích nghi của sinh viên quốc tế bậc đại học

Sinh viên quốc tế theo học tại các trường đại học phải đối diện với cách thức tổ chức xã hội và nền giáo dục hoàn toàn mới, cũng như cách hành xử và những kỳ vọng xa lạ - đồng thời phải tự điều chỉnh bản thân sao cho giống với khuôn mẫu chung của người bản địa.

Điều này vốn đã rất khó khăn đối với những cá nhân ý thức được vấn đề về sự khác biệt văn hoá này; tuy nhiên, mọi thứ còn trở nên phức tạp hơn nếu sinh viên không nhận thức được và cho rằng xã hội mới vận hành giống như những gì họ trải nghiệm ở quê nhà. Tập hợp những tác động của những trải nghiệm không quen thuộc gây ra đối với những sinh viên xuyên văn hoá này được gọi là sự “sốc văn hoá”.

Chủ đề “sốc văn hoá” và sự thích nghi của sinh viên khi đi du học từ lâu đã là đề tài nghiên cứu của nhiều nhà khoa học. Sự “di cư xuyên quốc gia” và những tác động của nó từ trước đến nay chủ yếu được mô tả từ góc độ sức khoẻ tâm thần. Khi phân tích các vấn đề trong việc thích nghi của sinh viên, các nhà nghiên cứu chủ yếu bị ảnh hưởng bởi các quan điểm truyền thống về di cư và sức khoẻ tâm thần. Nhiều nghiên cứu về di cư trước đó đã chỉ ra những tác động tiêu cực của việc tiếp xúc với một nền văn hoá mới. Đến những năm 1980, một quan điểm khác nổi lên, coi vấn đề tạm cư là một trải nghiệm học tập của con người thay vì một trạng thái cần được can thiệp y tế. Do đó, trải nghiệm du học được gắn liền với những hành động tích cực, bao gồm sự chuẩn bị và định hướng, việc thu nạp các kĩ năng có liên quan đến nền văn hoá mới.

Bài viết tổng kết và chỉ ra một số quan điểm hiện đại của quá trình tiếp xúc liên văn hoá. Theo đó, thuật ngữ “sốc văn hoá” cần phải được liên kết với những vấn đề về tâm lý xã hội và giáo dục thay vì y tế. Các mô hình “học tập văn hoá” và “giải quyết stress” có được chỗ đứng vững chắc, và các lý thuyết liên quan đến “nhận dạng xã hội” trở nên nổi bật. Ba lý thuyết đương đại này toàn diện hơn, xem xét các thành phần khác nhau của phản ứng - ảnh hưởng, hành vi và nhận thức (ABC) - khi con người tiếp xúc với một nền văn hóa mới.

Những người trong quá trình thích nghi với nền văn hóa mới được coi là nhóm đối tượng có khả năng chủ động phản ứng và giải quyết các vấn đề bắt nguồn từ sự thay đổi, chứ không phải là ‘nạn nhân’ thụ động của những sang chấn xuất phát từ một sự kiện nguy cơ. Khái niệm 'sốc văn hóa' đã được biến đổi thành căng thẳng do tiếp xúc kèm theo sự thiếu hụt kỹ năng có thể được quản lý và cải thiện, và các thuật ngữ như 'thích ứng' và 'tiếp biến văn hóa' ngày càng được sử dụng nhiều hơn.

- Học tập văn hoá (Culture Learning): Cách tiếp cận này đã phát triển thành lý thuyết ‘văn hóa học’ đương đại. Nó có nguồn gốc từ tâm lý xã hội, tập trung chủ yếu vào các khía cạnh hành vi của sự tiếp xúc giữa các nền văn hóa và liên quan đến tương tác xã hội như một hoạt động có kỹ năng và tính tổ chức. ‘Sốc’ được hiểu là sự kích thích để đạt được các kỹ năng dành riêng cho nền văn hóa được yêu cầu để tham gia vào các tương tác xã hội mới. Quá trình thích ứng bị ảnh hưởng bởi một số biến, bao gồm: kiến thức chung về một nền văn hóa mới; thời gian cư trú tại nền văn hóa sở tại; năng lực ngôn ngữ hoặc giao tiếp; số lượng và chất lượng tiếp xúc với công dân nước sở tại; mạng lưới tình bạn; kinh nghiệm trước đây ở nước ngoài; khoảng cách văn hóa; bản sắc văn hóa; các chế độ tiếp biến văn hóa; tạm trú so với thường trú tại một quốc gia mới; và đào tạo đa văn hóa. Mô hình này dẫn đến các hướng dẫn thực hành để can thiệp vào việc chuẩn bị, định hướng và (đặc biệt) đào tạo các kỹ năng xã hội hành vi.

- Căng thẳng (stress), giải quyết và điều chỉnh: ‘Cú sốc’ bắt nguồn từ những thay đổi cuộc sống vốn dĩ rất căng thẳng, vì vậy những người tham gia vào các cuộc gặp gỡ giữa các nền văn hóa cần phải kiên cường, thích nghi và phát triển các chiến lược và chiến thuật đối phó. Điều chỉnh được coi là một quá trình tích cực quản lý căng thẳng ở các cấp độ hệ thống khác nhau - cả cá nhân và tình huống. Các biến số liên quan bao gồm mức độ thay đổi cuộc sống, các yếu tố tính cách và các yếu tố tình huống như hỗ trợ xã hội. Trong khi phương pháp tiếp cận văn hóa học xem xét yếu tố hành vi, căng thẳng và đối phó tập trung nhiều hơn vào sức khỏe tâm lý - yếu tố tình cảm. Các phương pháp can thiệp có khả năng bao gồm đào tạo chiến lược quản lý căng thẳng.

Vân An lược dịch

Nguồn:

Zhou, Y., Jindal-Snape, D., Topping, K., & Todman, J. (2008). Theoretical models of culture shock and adaptation in international students in higher education. Studies in Higher Education, 33(1), 63-75. https://doi.org/10.1080/03075070701794833.

Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Mô hình lý thuyết của hiện tượng “sốc văn hoá” và sự thích nghi của sinh viên quốc tế bậc đại học tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19