Cải thiện năng lực của giảng viên trong bối cảnh quốc tế hoá giáo dục đại học tại Việt Nam

Bài viết của tác giả Bui Loan Thuy và cộng sự phân tích tác động của quá trình quốc tế hoá giáo dục đại học đối với cấu trúc của các đơn vị cũng như thành tựu khoa học của tất cả các giảng viên của trường đại học ở Việt Nam và đưa ra các giải pháp để tăng cường năng lực của giảng viên, cán bộ, nhân viên nhà trường.

Quốc tế hoá giáo dục đại học chịu ảnh hưởng ngày càng tăng của các yếu tố, các vấn đề quốc tế và đã trở thành một yêu cầu chính trong hệ thống giáo dục hiện đại. Giáo dục đại học quốc tế có thể được thực hiện ở mọi quốc gia và trong mỗi trường đại học, và thường được hiểu là một quá trình trong đó các mục tiêu, chức năng và cách thức tổ chức các dịch vụ giáo dục được thực hiện với sự tham gia của các yếu tố quốc tế. Giáo dục đại học quốc tế tại Việt Nam được chia thành quốc tế trong “nội bộ” trường đại học và hợp tác quốc tế, dưới nhiều hình thức khác nhau.

Các hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam đã được xây dựng để phục vụ nhu cầu trong nước và sự chuyển từ kinh tế nông nghiệp sang kinh tế công nghiệp. Theo Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 04/11/2013 về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, quốc tế hoá giáo dục đại học, trong đó bao gồm việc hội nhập với xu hướng chung của giáo dục đại học quốc tế, đã trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Đây là con đường ngắn nhất và nhanh nhất để các trường đại học Việt Nam có thể hiện đại hoá giáo dục đại học trong khu vực và trên toàn thế giới. Do đó, quá trình quốc tế hoá giáo dục đại học đã được chấp nhận và đang diễn ra nhanh chóng dưới các hình thức khác nhau.

Quá trình quốc tế hoá giáo dục đại học ở Việt Nam đòi hỏi sự hợp tác với các trường đại học nước ngoài, nhanh chóng cải thiện chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy, tăng cường số lượng giảng viên đạt trình độ tiến sĩ và có học hàm, chẳng hạn như Phó Giáo sư và Giáo sư, tăng số lượng ấn phẩm khoa học quốc tế, triển khai các chương trình đào tạo quốc tế, v.v… Tất cả những công tác trên đều tồn động những vấn đề quan trọng cần được thảo luận và giải quyết.

Bài viết phân tích tác động của quá trình quốc tế hoá giáo dục đại học đối với cấu trúc của các đơn vị cũng như thành tựu khoa học của tất cả các giảng viên của trường đại học ở Việt Nam và đưa ra các giải pháp để nâng cao năng lực của các giảng viên nhằm đáp ứng các yêu cầu mới của quốc tế hóa giáo dục đại học về các vấn đề quan trọng như thu hút các nhà nghiên cứu và giảng viên quốc tế, nâng cao khả năng của đội ngũ cán bộ trong nước, hoàn thiện hệ thống của chính phủ về các vấn đề hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học, cập nhật kiến thức tích hợp cho các trường đại học, tăng cường tổ chức các hội nghị quốc tế, báo cáo theo chủ đề với các giáo sư nổi tiếng, các chuyên gia nước ngoài, thực hiện chương trình trao đổi giảng viên, thu hút các nhà khoa học Việt Nam từ nước ngoài và gia tăng số lượng các ấn phẩm khoa học quốc tế.

Vân An lược dịch

Nguồn:

Thuy, B. L., Huong, L. H., & Ha, D. X. (2017). Enhancing the lecturers’ competencies in internationalizing higher education in Vietnam. Turkish Online Journal Of Design Art and Communication, 7, 1985-1998.

Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Cải thiện năng lực của giảng viên trong bối cảnh quốc tế hoá giáo dục đại học tại Việt Nam tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn