10 năm Cuộc thi khoa học kỹ thuật: Nuôi dưỡng, chắp cánh ước mơ khoa học cho học sinh

Ngày 5/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm Cuộc thi khoa học và kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học.

Một hành trình nhiều dấu ấn

Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học được Bộ GDĐT tổ chức lần đầu vào năm 2013. Từ đó đến nay, Cuộc thi được tổ chức mỗi năm một lần vào học kỳ 2 của năm học. Từ năm 2013 đến năm 2019, Cuộc thi được tổ chức tại hai điểm ở hai miền Bắc, Nam với số lượng tham dự là 4 - 6 dự án/đơn vị dự thi, và được tổ chức lần lượt ở các địa phương khác nhau.

Quang cảnh hội nghị

Từ năm 2020, do tình hình có dịch Covid-19, Cuộc thi giảm quy mô về số lượng dự án tham dự. Năm 2022, do điều kiện thực tế, Cuộc thi được tổ chức trực tuyến hoàn toàn. Các dự án tham dự Cuộc thi được tuyển chọn từ các cuộc thi cấp tỉnh, cấp trường.

Theo báo cáo của các đơn vị tham gia cuộc thi, hằng năm có từ 200 - 300 dự án tham gia vòng sơ tuyển để lựa chọn tham gia vòng chung kết cuộc thi cấp tỉnh, trên cơ sở đó lựa chọn từ 2 - 6 dự án tham gia Cuộc thi cấp quốc gia theo quy định từng năm của Bộ GDĐT.

Qua báo cáo của các địa phương về số lượng dự án, số lượng học sinh cấp THCS, THPT tham gia ở cuộc thi cấp địa phương tăng dần trong 10 năm qua cho thấy phong trào nghiên cứu khoa học của học sinh trung học ở cấp địa phương ngày càng phát triển từ số dự án đến số học sinh tham gia cuộc thi.

Đáng chú ý, trong 10 năm tổ chức cuộc thi, tất cả các địa phương đều có dự án tham gia dự thi và cũng đều có dự án đạt giải (số dự án đạt giải của địa phương có ít nhất là 5, nhiều nhất là 137), nhiều tỉnh, thành đã đạt được những thành tích đáng trân trọng.

Hằng năm, từ kết quả cuộc thi, Bộ GDĐT lựa chọn những dự án đạt giải cao nhất và có đủ điều kiện (theo quy định tại Thông tư số 38) để tham gia Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế dành cho học sinh trung học do Hoa Kỳ tổ chức.

Năm 2012, Việt Nam chính thức đăng ký là thành viên của Hội thi ISEF và bắt đầu tham gia Hội thi ISEF từ năm 2013. Năm 2020, Việt Nam không tham gia dự Hội thi ISEF do tình hình dịch Covid-19. Năm 2021, 2022 Việt Nam tiếp tục tham gia dự thi, nhưng với hình thức trực tuyến.

Thành tích của học sinh Việt Nam trong Hội thi ISEF luôn luôn ổn định. Năm nào Việt Nam cũng là một trong khoảng 50% quốc gia và vùng lãnh thổ có giải tại Hội thi này.

Đây là kết quả phản ánh đúng sự phát triển của hoạt động nghiên cứu khoa học trong các trường trung học, gắn liền với việc đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục định hướng phát triển năng lực học sinh mà Bộ GDĐT đã chỉ đạo thực hiện để chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Cần sự thay đổi phù hợp

Tại hội nghị, ý kiến phát biểu đều thống nhất ý nghĩa, vai trò của Cuộc thi Khoa học kỹ thuật; tạo động lực mạnh mẽ cho các em học sinh học tập, nghiên cứu, nuôi dưỡng và phát triển các ước mơ khoa học tạo sản phẩm thiết thực phục vụ cuộc sống.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) phát biểu tại hội nghị 

Ông Đặng Phước Mỹ, Phó Giám đốc Sở GDĐT Thừa Thiên Huế nhận định: Cuộc thi đã trở thành một hoạt động thiết thực, thật sự là một sân chơi trí tuệ đỉnh cao, bổ ích và hấp dẫn cho các em học sinh. Đến với cuộc thi, học sinh dần hình thành và phát triển tư duy khoa học, ý tưởng sáng tạo, khả năng vận dụng các kiến thức được học vào việc tìm tòi, phát hiện và giải quyết các vấn đề của thực tiễn của cuộc sống.

Qua 10 năm tham gia cuộc thi, ông Hoàng Phát Đạt, Trưởng Phòng Giáo dục Trung học và Giáo dục Thường xuyên, Sở GDĐT An Giang cho biết: Cán bộ quản lí, giáo viên, cha mẹ học sinh và cộng đồng đã có nhận thức đúng về vai trò của hoạt động nghiên cứu khoa học và Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học.

“Có thể nói, hoạt động nghiên cứu khoa học, Cuộc thi Khoa học kỹ thuật tạo động lực mạnh mẽ cho học sinh nghiên cứu, sáng tạo khoa học, nuôi dưỡng và phát triển những vấn đề thực tiễn cuộc sống thành các sản phẩm hiện thực. Thông qua việc hướng dẫn nghiên cứu khoa học và tham gia các Cuộc thi Khoa học kỹ thuật, trình độ, năng lực của cán bộ quản lý, giáo viên cũng được nâng cao.”, ông Hoàng Phát Đạt chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Minh Thuận, Phó Giám đốc Sở GDĐT Lào Cai, cuộc thi góp phần quan trọng trong việc tác động nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục trong mỗi nhà trường; thay đổi phương pháp dạy - học, đổi mới kiểm tra, đánh giá của giáo viên; đào tạo học sinh năng động, sáng tạo, có phương pháp nghiên cứu khoa học, có nền tảng hướng nghiệp chắc chắn khi các em kết thúc bậc học trung học phổ thông vào các trường đại học.

Đặc biệt, năm học 2021-2022, trong bối cảnh dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp, việc tổ chức thành công Cuộc thi theo hình thức trực tuyến một lần nữa khẳng định, hoạt động nghiên cứu khoa học và Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu cao của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Giáo dục.

Bên cạnh những kết quả, dấu ấn tốt đẹp qua 10 năm tổ chức, Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học cũng đứng trước yêu cầu cần thay đổi để phù hợp với đổi mới chung của giáo dục phổ thông. Mới đây, Bộ GDĐT đã tiến hành khảo sát ý kiến của các cán bộ quản lý giáo dục cấp Sở, Phòng, nhà trường và các giáo viên trung học về cuộc thi này, để qua đó có phương án thay đổi phù hợp.

Nguồn tin: Trung tâm Truyền thông giáo dục

Bạn đang đọc bài viết 10 năm Cuộc thi khoa học kỹ thuật: Nuôi dưỡng, chắp cánh ước mơ khoa học cho học sinh tại chuyên mục Tin tức, sự kiện của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19