Hàng triệu loài động vật trên Trái đất chưa từng “có mặt” trong các nghiên cứu được xuất bản

Tạp chí Giáo dục trân trọng lược dịch và giới thiệu quý bạn đọc bài viết của tác giả Dalmeet Singh Chawla với tiêu đề “Millions of animals may be missing from scientific studies”.

Đa số các loài động vật trong các thí nghiệm y sinh chưa từng được đề cập đến trong các công trình nghiên cứu đã được xuất bản. Những phân tích trong một báo cáo gần đây cho thấy mới chỉ có 1/4 trong tổng số 5500 loài động vật được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của một trường đại học tại Hà Lan trong suốt 2 năm qua được đề cập đến trong các bài báo khoa học được xuất bản. Các nhà nghiên cứu tin rằng điều tương tự cũng diễn ra tại các cơ sở nghiên cứu khác trên toàn thế giới, khiến cho con số những loài động vật chưa được khoa học nhắc đến có thể lên tới hàng triệu.

“Tôi nghĩ rằng thật tồi tệ khi số loài động vật được xuất hiện trong các nghiên cứu là quá ít so với tổng số loài được đưa vào phòng thí nghiệm,” Michael Schlüssel, một nhà phân tích số liệu y học làm việc tại Đại học Oxofrd chia sẻ. “Nếu chúng ta chỉ cố tìm ra những kết quả mang tính bước ngoặt, thì cơ sở các minh chứng sẽ không bền vững,” ông bổ sung. Và điều đó có thể ảnh hưởng đến những nghiên cứu có chủ đề khẳng định hay phủ nhận lợi ích của một số loại thuốc hay phương pháp can thiệp y học.

Nguồn: Sidsnapper/istock.com

Các nhà khoa học từ lâu đã nghi ngờ rằng có một tỷ lệ đáng kể các nghiên cứu về động vật không được xuất bản. Điều đó có thể là do các tác giả cho rằng những kết quả thu được không đủ hấp dẫn, hoặc nghiên cứu của họ không tìm ra được điều gì đáng kể. Nhưng nhiều nhà nghiên cứu khác lại cho rằng những kết quả tưởng chừng như “tiêu cực” đó lại có vai trò quan trọng và đáng được xuất bản, và nếu điều đó không xảy ra, thì tình trạng “thiên vị” trong học thuật có thể sẽ trở nên trầm trọng hơn.

Mặc dù vậy, rất khó khăn để có thể giải quyết tình trạng này do việc theo dõi tổng số các loài động vật được các nhà khoa học sử dụng – và những gì đã xảy ra với chúng – là không hề dễ dàng. Các nhà khoa học thường chỉ liệt kê những chi tiết này trong các báo cáo về vấn đề đạo đức của nghiên cứu, còn trong đa số trường hợp, những thông tin này thường được giữ bí mật.

Trong nghiên cứu mới này, các điều tra viên đã đề nghị các nhà khoa học tại ba khoa của Trung tâm Y học Đại học Utrecht (UMCU) cho phép họ được tiếp cận với các quy trình nghiên cứu đã được nộp lên uỷ ban đạo đức với động vật trong hai năm 2008 và 2009 (Họ chọn giai đoạn này một phần là để đảm bảo hoàn toàn rằng các nhà khoa học đã thực hiện và hoàn tất các đề tài nghiên cứu tương ứng). Sau đó, nhóm nghiên cứu – do Mira van der Naald, một nghiên cứu sinh tại UMCU dẫn đầu – đã tìm các tài liệu được xuất bản từ kết quả của những đề tài này.

Trong số các nghiên cứu đã được chấp thuận, có 46% đã được xuất bản thành các bài báo hoàn chỉnh; nếu tính cả các tóm tắt hội thảo – những bài tóm tắt ngắn của các bài phát biểu tại các hội thảo khoa học – có 60% số nghiên cứu được xuất bản. Trong số 5590 loài động vật được đưa vào thí nghiệm trong các nghiên cứu này, chỉ có 1471 loài động vật xuất hiện trong các bài báo khoa học và bản tóm tắt đã công bố. Các loài động vật nhỏ - chẳng hạn như chuột và thỏ - chiếm 90% trong tổng số các loài được đưa vào thí nghiệm – có tỉ lệ xuất hiện trên các sản phẩm khoa học cuối cùng thấp nhất: chỉ có 23% xuất hiện trong các công trình đã xuất bản; trong khi tỉ lệ này ở cừu, chó và lợn là 52%.

Các nhà nghiên cứu cũng đã khảo sát những nhà khoa học tham gia vào các dự án này để tìm hiểu nguyên nhân vì sao có nhiều loài động vật “biến mất” đến vậy. Những lý do thường gặp nhất bao gồm: các nghiên cứu không đạt được kết quả đáng kể nào về mặt thống kê, một lý do gây tranh cãi nhưng lại thường xuyên được sử dụng; hoặc các dữ liệu dods chỉ phục vụ những nghiên cứu “tiền trạm”, hoặc có vấn đề kỹ thuật xảy ra với các mô hình động vật.

Tuy nhiên, tất cả những lý do trên đều không phải là những nguyên nhân hợp lý để giải thích cho thực trạng này, theo Kimberley Wever, đồng tác giả của nghiên cứu và là một nhà khoa học công tác tại Trung tâm Y học của Đại học Radboud. “Tất cả các nghiên cứu trên động vật đều cần được xuất bản, vì chúng đều có giá trị đối với cộng đồng khoa học.” Việc không xuất bản đầy đủ tất cả các nghiên cứu đồng nghĩa với việc các nhà khoa học khác sẽ có nguy cơ lãng phí thời gian, tiền bạc và công sức để thực hiện lại các nghiên cứu mà trước đó đã từng được các nhà khoa học khác tiến hành nhưng thất bại, Wever cho hay. Bà cũng nói thêm rằng, xu hướng này có nguy cơ gia tăng tại các cơ sở nghiên cứu trên khắp thế giới và kêu gọi những nhà khoa học cũng tiến hành các cuộc điều tra tương tự.

“Đây là một vấn đề rất lớn,” Anita Bandrowski, một nhà nghiên cứu thông tin tại Đại học California, San Diego, đồng tình. Bà là người đã tạo ra một phần mềm tự động quét các nghiên cứu đã được xuất bản và thống kê những chi tiết có liên quan, chẳng hạn như giới tính của các loài động vật được nghiên cứu.

Van der Naald và các cộng sự đã từng ra mắt một dự án tiềm năng để giải quyết vấn đề này vào năm 2018:  preclinicaltrials.eu, cơ sở dữ liệu trực tuyến đầu tiên về các nghiên cứu trên động vật (Một cơ sở dữ liệu tương tự, animalstudyregistry.org, gần đây cũng đã được thiết lập bởi Trung tâm Bảo vệ Động vật Thí nghiệm Đức). Trong các cơ sở dữ liệu này, các nhà nghiên cứu có thể chia sẻ phương pháp, quy trình nghiên cứu và các giả thuyết nghiên cứu trước khi tiến hành thực nghiệm – một quá trình được gọi là “tiền trạm” và thu hút cộng đồng học thuật trong những năm gần đây.

Chính phủ Hà Lan đã bày tỏ sự ủng hộ với ý tưởng này. Tuy nhiên, bất chấp việc đã từng có làn sóng ủng hộ quy trình này được Hạ viện Hà Lan thông qua vào năm 2018, chính phủ nước này chưa có động thái nào để biến việc này trở thành một quy trình bắt buộc.

Vân An lược dịch

Nguồn

Dalmeet Singh Chawla (2020). Millions of animals may be missing from scientific studies. Science.

Bạn đang đọc bài viết Hàng triệu loài động vật trên Trái đất chưa từng “có mặt” trong các nghiên cứu được xuất bản tại chuyên mục Khoa học giáo dục và xã hội của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19