Chương trình GDPT 2018 khuyến khích học sinh tiểu học tư duy mở thích ứng linh hoạt

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 mang đến một làn gió mới cho giáo dục bậc tiểu học, mở ra cơ hội vượt qua những khuôn khổ cứng nhắc của sách giáo khoa truyền thống. Học sinh tiểu học giờ đây không chỉ học để biết mà còn học để làm, học để thích nghi, trở thành những cá nhân linh hoạt, tự tin trước mọi thay đổi của cuộc sống hiện đại.

Không giới hạn trong “khuôn phép” sách giáo khoa

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã thay đổi cách thức tiếp cận và tổ chức dạy học, đặc biệt ở cấp tiểu học. Khác với phương pháp dạy học truyền thống, nơi sách giáo khoa là nguồn kiến thức duy nhất, chương trình mới khuyến khích việc sử dụng nhiều tài liệu học tập khác nhau, tạo cơ hội cho học sinh khai thác kiến thức từ nhiều nguồn, từ đó giúp các em phát triển tư duy mở và khả năng thích ứng linh hoạt. Với việc có nhiều bộ sách giáo khoa và sách giáo khoa chỉ là một trong những "học liệu" quan trọng, đã giúp thay đổi cách dạy học. Chương trình mới tập trung vào việc phát triển năng lực tự học của học sinh, khuyến khích các em khám phá, tìm tòi và áp dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống. Điều này không chỉ giúp các em mở rộng hiểu biết mà còn phát triển các kỹ năng quan trọng như khả năng giải quyết vấn đề, sáng tạo và làm việc nhóm.

Tại trường Tiểu học Lê Quý Đôn (Hà Nội), cô Nguyễn Thị Lan, chia sẻ: “Trước đây, học sinh chỉ học lý thuyết từ sách giáo khoa, nhưng từ khi áp dụng chương trình mới, chúng tôi kết hợp nhiều bài học thực tế và tài liệu tham khảo ngoài sách giáo khoa để học sinh có thể hiểu rõ hơn về các khái niệm. Ví dụ, thay vì chỉ dạy các em về phép cộng trừ qua bài tập trong sách, tôi yêu cầu các em tham gia các trò chơi thực tế, như mua bán tại cửa hàng mô phỏng, để hiểu được cách áp dụng toán học vào cuộc sống hàng ngày”. Thầy Trần Văn Toàn (TP.Hồ Chí Minh), cho biết: “Chương trình giáo dục mới thực sự giúp học sinh phát triển tư duy mở. Học sinh không chỉ học theo một khuôn mẫu cứng nhắc nữa, mà các em được khuyến khích tìm kiếm và áp dụng kiến thức vào tình huống thực tế, làm cho việc học trở nên sinh động và gắn liền với cuộc sống. Chúng tôi cũng thấy rằng học sinh ngày càng tự tin hơn trong việc thể hiện quan điểm, ý tưởng và giải quyết các vấn đề phức tạp hơn”.

Chương trình GDPT 2018 giúp những tiết học trở nên sinh động hơn. Ảnh: Lê Châu

Việc linh hoạt trong phương pháp giảng dạy giúp học sinh phát triển được những phẩm chất quan trọng như tư duy phản biện, sáng tạo và khả năng tự học. Học sinh không chỉ dừng lại ở việc tiếp thu kiến thức mà còn được khuyến khích tham gia vào các hoạt động trải nghiệm, các dự án học tập đa dạng, từ đó hình thành được các kỹ năng sống cần thiết. Chẳng hạn, trong môn Tự nhiên và Xã hội, thay vì chỉ học về các hiện tượng tự nhiên qua lý thuyết, học sinh có thể tham gia vào các buổi thực hành, đi dã ngoại để trực tiếp quan sát và ghi chép các hiện tượng tự nhiên, sau đó đưa ra phân tích và giải thích từ chính những gì các em trải nghiệm. Đây là một cách học mở, thực tế, giúp học sinh kết nối được lý thuyết với thực hành, đồng thời phát triển được khả năng quan sát và phân tích sự việc. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 giúp học sinh tiểu học phát triển tư duy mở, sáng tạo và khả năng thích ứng linh hoạt với môi trường học tập và cuộc sống. Các em học không chỉ để trả bài, mà để hiểu và ứng dụng kiến thức vào thực tế, chuẩn bị cho mình một nền tảng vững chắc để bước vào tương lai.

Phát triển tư duy mở và tăng cường khả năng thích ứng của học sinh

Một trong những mục tiêu quan trọng của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là giúp học sinh phát triển tư duy mở và khả năng thích ứng linh hoạt với môi trường sống và học tập thay đổi không ngừng. Ở cấp tiểu học, học sinh không chỉ học những kiến thức cụ thể mà còn được rèn luyện khả năng tư duy sáng tạo, linh hoạt trong mọi tình huống. Trong nội dung chương trình mới, giáo viên cần chú trọng đến việc hình thành và phát triển năng lực tư duy phản biện, tư duy sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề. Học sinh được khuyến khích tìm kiếm câu trả lời, đặt câu hỏi và đưa ra những ý tưởng mới, thay vì chỉ tiếp thu thông tin một cách thụ động.

Giờ học ứng dụng CNTT thu hút sự tập trung khám phá kiến thức của học sinh. Ảnh: Lê Châu

Tại trường Tiểu học Việt Long (Hà Nội), cô Nguyễn Thị Lan Anh, giáo viên lớp 3, chia sẻ: “Chúng tôi thường xuyên áp dụng phương pháp dạy học dựa trên dự án (project-based learning). Một trong những dự án gần đây là 'Khám phá vũ trụ'. Các em không chỉ học về các hành tinh, mà còn phải nghiên cứu, tìm hiểu về những câu hỏi lớn như: Làm thế nào để con người có thể sống trên sao Hỏa? Để trả lời câu hỏi này, học sinh không chỉ nghiên cứu kiến thức khoa học mà còn phải kết hợp các kỹ năng sáng tạo và tư duy phản biện để phát triển các ý tưởng thực tiễn. Qua đó, các em học được cách làm việc nhóm, cách lên kế hoạch và giải quyết vấn đề một cách khoa học”.

Thông qua các dự án học tập như vậy, học sinh được khuyến khích suy nghĩ độc lập và mạnh dạn đưa ra các ý tưởng, từ đó phát triển khả năng tư duy sáng tạo và khả năng làm việc nhóm. Những hoạt động này không chỉ giúp học sinh hiểu sâu về các chủ đề học thuật mà còn giúp các em hình thành khả năng phản xạ nhanh và linh hoạt trong việc áp dụng kiến thức vào thực tế. Ngoài việc học các môn học truyền thống, học sinh cũng được tham gia vào các hoạt động khác như nghiên cứu khoa học, các câu lạc bộ sáng tạo, các chương trình giao lưu văn hóa. Điều này không chỉ giúp các em mở rộng tầm nhìn mà còn giúp các em tự tin trong việc khám phá và tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề mới. Thực tế, trong các bài học và hoạt động trải nghiệm, học sinh không chỉ học được kiến thức mới mà còn rèn luyện được khả năng thích ứng với môi trường xung quanh. Chẳng hạn, khi tham gia các dự án học tập về môi trường, học sinh sẽ được yêu cầu không chỉ nghiên cứu về những vấn đề môi trường mà còn phải nghĩ cách áp dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề thực tế, như bảo vệ môi trường trong cộng đồng hoặc trường học. Bằng cách chuyển từ phương pháp truyền thụ kiến thức đơn thuần sang dạy học phát triển năng lực, chương trình giúp học sinh phát huy tối đa khả năng tư duy sáng tạo, phản biện và thích ứng linh hoạt với môi trường xung quanh. Những giờ học không còn bị giới hạn trong khuôn khổ sách giáo khoa, mà là những giờ học sống động, thực tiễn, giúp học sinh không chỉ hiểu mà còn vận dụng được kiến thức vào cuộc sống hàng ngày.

Đối với giáo viên, việc tham gia xây dựng và sáng tạo các kế hoạch dạy học giúp họ phát huy tối đa khả năng chuyên môn và sự sáng tạo trong việc thiết kế bài giảng. Những giờ học không còn khô cứng mà trở thành những sân chơi trí tuệ, nơi mà học sinh và giáo viên cùng nhau khám phá, học hỏi và trưởng thành. Chính sự tự do sáng tạo này đã làm cho chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 trở thành một bước tiến vượt bậc, góp phần hình thành những thế hệ học sinh không chỉ giỏi về kiến thức mà còn mạnh mẽ về tư duy, sáng tạo và khả năng thích ứng với những thay đổi của xã hội.

Hiền Kim

Bạn đang đọc bài viết Chương trình GDPT 2018 khuyến khích học sinh tiểu học tư duy mở thích ứng linh hoạt tại chuyên mục Thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn