Đảm bảo công tác ôn tập cho học sinh cuối cấp khi thực hiện thông tư 29

Các địa phương đã có văn bản chỉ đạo các nhà trường không tổ chức dạy thêm nhưng vẫn phải đảm bảo ôn tập cho học sinh cuối cấp.

Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

Sau khi ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT Quy định về dạy thêm, học thêm, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tiếp tục có Công văn số 545/BGDĐT-GDTrH gửi Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường chỉ đạo đối với giáo dục phổ thông. Công văn nhấn mạnh: Tuyệt đối không buông lỏng việc tổ chức ôn tập, bồi dưỡng cho những học sinh có kết quả học tập ở mức chưa đạt; tổ chức cho học sinh lớp cuối cấp tăng cường ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường, xác định đây là trách nhiệm của các nhà trường dể giúp học sinh đáp ứng các yêu cầu cần đạt theo từng môn học của từng khối học theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo điều kiện thực tế của địa phương, UBND tỉnh chỉ đạo hỗ trợ kinh phí phù hợp cho các cơ sở giáo dục để tổ chức ôn tập, bồi dưỡng học sinh, đặc biệt là học sinh khó khăn, cuối cấp, đối tượng yếu thế, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...

Thực hiện theo chỉ đạo của Bộ GDĐT, các địa phương đã có văn bản chỉ đạo nhà trường về việc đảm bảo công tác ôn tập cho học sinh cuối cấp. Trước khi thông tư 29 có hiệu lực, ngày 11/2, Sở GDĐT Hà Nội đã có văn bản hướng dẫn phòng GDĐT, cơ sở giáo dục trong việc triển khai thực hiện. Sở GDĐT Thành phố Hồ Chí Minh cũng ban hành văn bản hướng dẫn triển khai Thông tư 29 ngày 17/2. Trong văn bản, Sở yêu cầu các cơ sở giáo dục tuyệt đối không buông lỏng việc tổ chức ôn tập, bồi dưỡng cho những học sinh có kết quả học tập ở mức chưa đạt; tổ chức cho học sinh lớp cuối cấp tăng cường ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Các trường phải xác định đây là trách nhiệm của mình để giúp học sinh đáp ứng các yêu cầu cần đạt theo từng môn học của từng khối lớp theo quy định của chương trình. Các đơn vị kịp thời phát hiện, xử lý và đề xuất những giải pháp phù hợp đối với các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Thông tư 29.

Tại Thái Bình, Sở GDĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục khi xây dựng kế hoạch giáo dục cần chú ý đặc biệt hỗ trợ cho học sinh cuối cấp, cụ thể là học sinh lớp 9 chuẩn bị thi vào lớp 10, học sinh lớp 12 chuẩn bị thi tốt nghiệp và tham gia các kỳ thi để xét tuyển vào đại học. Căn cứ trên đăng ký của học sinh, nhà trường bố trí giáo viên ôn tập cho học sinh. Bên cạnh việc tận dụng tối đa thời gian trên lớp, thầy cô có thể tăng cường giao bài tập về nhà cho học sinh.

Sở GDĐT Hải Dương cũng có văn bản chỉ đạo các nhà trường thực hiện nghiêm túc kế hoạch dạy học các môn học và các hoạt động giáo dục; dạy học bám sát các yêu cầu cần đạt của chương trình. Nhà trường rèn luyện ý thức tự học của học sinh và hướng dẫn học sinh phương pháp học tập; giao nhiệm vụ cho học sinh tự học ở nhà phù hợp, hiệu quả; khuyến khích học sinh chủ động tích cực ôn tập, củng cố kiến thức thông qua các công cụ, ứng dụng, phần mềm dạy học trực tuyến nhằm nâng cao kết quả học tập.

Nâng cao chất lượng giờ dạy ở trường, hướng dẫn học sinh tự học và đôn đốc học sinh thực hiện nhiệm vụ học tập ở nhà cũng là chỉ đạo của Sở GDĐT Nam Định khi Thông tư 29 có hiệu lực thi hành. Sở cũng đề nghị các nhà trường điều chỉnh kế hoạch dạy thêm, học thêm đã xây dựng từ đầu năm học 2024-2025 và tổ chức ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông, ôn thi vào lớp 10 cho học sinh bảo đảm hiệu quả.

Để khích lệ giáo viên, Sở GDĐT Vĩnh Phúc đề nghị các nhà trường kịp thời phát hiện, tuyên dương, khen thưởng, nhân rộng những tấm gương của tập thể, cá nhân tận tụy, tâm huyết, hết lòng vì học sinh. Sở cũng chỉ đạo các trường chủ động cân đối ngân sách để hỗ trợ giáo viên dạy ôn thi tốt nghiệp và tuyển sinh vào lớp 10.

Trao đổi với báo chí về vấn đề dạy thêm học thêm, Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết: “Đối với các nhà trường và thầy cô, trách nhiệm của chúng ta là dạy học để học sinh hình thành phẩm chất, năng lực, đáp ứng chuẩn đầu ra; việc ra đề kiểm tra, đánh giá cũng đảm bảo đúng, đủ với những yêu cầu cần đạt của chương trình. Với những học sinh thực sự còn đang yếu kém, còn đang lúng túng chuẩn bị cho các kỳ thi chuyển cấp, kỳ thi tốt nghiệp THPT thì trách nhiệm của nhà trường, giáo viên là bổ trợ cho các em. Khi chúng ta xác định được trách nhiệm như vậy những vấn đề khác sẽ không còn nặng nề.”

Thực tế, việc dạy thêm, học thêm từ lâu đã trở thành một hiện tượng phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà còn tại nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… Trong bối cảnh nền giáo dục hiện tại, việc học thêm dường như trở thành một phần trong quá trình học tập cúa học sinh. Thời điểm Thông tư 29 có hiệu lực, cũng là lúc giáo viên và học sinh các trường THCS, THPT đang dồn sức chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT đang cận kề. Nhiều trường ở Hà Nội đã tiên phong trong việc xây dựng kế hoạch bổ trợ cho học sinh cuối cấp, chủ động triển khai sớm. Đây là một trong những giải pháp trước mắt giúp nhà trường ổn định tâm lý cho giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh.

Đại diện Bộ GDĐT cũng đề cập tới một số giải pháp để quản lý việc dạy thêm, học thêm có hiệu quả. Một trong số đó là cần đổi mới kiểm tra đánh giá: kiểm tra, đánh giá thường xuyên, đánh giá cuối kỳ, thi tuyển sinh phải phù hợp với nội dung, yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018; không đánh đố, không ra ngoài nội dung chương trình để đảm bảo học sinh học theo đúng chương trình, không cần học thêm vẫn sẽ vượt qua các kì kiểm tra, tuyển sinh. Tăng cường liên thông giữa giáo dục phổ thông và giáo dục đại học; cụ thể: như trong các bài kiểm tra năng lực đầu vào đại học sử dụng kiến thức phổ thông, không đánh đố.

Một trong những nguyên tắc khi xây dựng Thông tư 29 của Bộ GDĐT là: Việc tổ chức dạy thêm, học thêm phải bảo đảm lợi ích của học sinh; ngăn chặn các nguy cơ dẫn đến tình trạng học sinh mặc dù không có nguyện vọng, không có nhu cầu nhưng vẫn phải đi học thêm ở các lớp dạy thêm do nhà trường, giáo viên tổ chức. Trong khi đó, cần phải thừa nhận rằng học thêm xuất phát một phần từ nhu cầu thực tế của học sinh và phụ huynh. Vì vậy, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng nhấn mạnh: Việc quản lý học thêm, dạy thêm không chỉ là vấn đề chính sách mà là sự thay đổi nhận thức của xã hội. Quan điểm của Bộ GDĐT là quản lý các hoạt động dạy thêm, học thêm, chứ “không cấm”.  Thay vì không quản được thì cấm, cần thay đổi nhận thức của xã hội về việc học thêm để học sinh tham gia học thêm một cách có chọn lọc, tiết kiệm, hiệu quả.

Hà Giang

Tài liệu tham khảo:

Sở GDĐT Hà Nội (2025): Công văn 362/SGDĐT-VP về việc triển khai thực hiện Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT. https://84866dde8c.vws.vegacdn.vn//data/doc/2025/2025_2/12/362-sgd-vp-cv-gui-cac-don-vi-ve-day-them-hoc-them_122202519.pdf

Sở GDĐT Thành phố Hồ Chí Minh (2025): Công văn 674/SGDĐT-VP về việc triển khai thực hiện Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024 của Bộ GDĐT. https://84860fcd4e.vws.vegacdn.vn//data/doc/2025/pgdquan3/2025_2/17/674-sgddt-vp-ve-trien-khai-thuc-hien-29-2024-tt-bgddt_172202516.pdf

Sở GDĐT Hải Dương (2025): Công văn 294/SGDĐT-GDTrH-GDTX về việc thực hiện Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT ngày 20/12/2024 của Bộ GDĐT.

http:// /file_van_ban/57_SY_CV_294_SGD-Day_them_hoc_them.pdf

Sở GDĐT Nam Định (2025): Công văn 243/SGDĐT-GDTrH về việc thực hiện Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm học thêm.

https://van-ban-cong-van/thong-bao-pho-bien/243-sgddt-gdtrh-ve-viec-thuc-hien-thong-tu-so-29-2024-tt-bgddt-quy-dinh-ve-day-them-hoc-them.html

Sở GDĐT Vĩnh Phúc (2025): Công văn 194/SGDĐT-GDPT về việc thực hiện Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm.

https://cong-van-194-sgddt-gdpt-vinh-phuc-2025-thuc-hien-thong-tu-29-2024-tt-bgddt-quy-dinh-ve-day-them-hoc-them-388857-d2.html

Bạn đang đọc bài viết Đảm bảo công tác ôn tập cho học sinh cuối cấp khi thực hiện thông tư 29 tại chuyên mục Thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn