Hướng nghiệp sớm cho học sinh THPT là điều cấp thiết
Khái niệm "hướng nghiệp" đã dần trở nên phổ biến những năm gần đây, nhất là từ khi thực hiện Chương trình GDPT 2018. Tuy nhiên để hướng nghiệp đúng thời điểm và đúng đối tượng, đúng ngành nghề thì chưa có nhiều đơn vị làm tốt điều này. Thực tế hiện nay, việc người học không nắm được điểm mạnh và năng lực của bản thân là điều phổ biến. Học sinh chưa nắm được những kiến thức về ngành học; xu hướng phát triển của nhóm ngành và sau khi ra trường của nhóm ngành đó ra sao. Theo khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), 65,4% sinh viên (SV) năm thứ nhất chưa hiểu hết về mục đích, ý nghĩa của ngành học; 50,8% không biết học xong sẽ làm việc gì và nơi nào tuyển dụng họ; 75,6% SV ít thỏa mãn với nghề đã chọn, học rồi mới thấy không hợp; 32,4% SV muốn được thi lại vào năm sau. Đây là những con số đáng báo động về thực trạng học sinh chưa được định hướng rõ ràng từ khi học THPT, khiến tỷ lệ sinh viên bỏ học giữa chừng để học lại ngành khác gia tăng và gián tiếp nâng tỷ lệ thất nghiệp sau khi ra trường tại Việt Nam tăng cao.
Theo khảo sát các trường học trên địa bàn Hà Nội, gần 50% học sinh được hỏi không biết chọn ngành, nghề phù hợp; hơn 40% học sinh không biết mình thích gì, giỏi gì và 77% mong muốn được tư vấn chọn nghề phù hợp với năng lực bản thân. Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, thời điểm hướng nghiệp lý tưởng nhất dành cho học sinh là những năm cuối lớp 9 và đầu lớp 10. Do đó, công tác tư vấn hướng nghiệp ở bậc THPT cần thực hiện càng sớm càng tốt, bắt đầu từ khi các em học sinh chuẩn bị vào lớp 10. Điều này giúp các em định hướng ngành nghề từ sớm để có thể quyết định lựa chọn tổ hợp môn học phù hợp năng lực của mình.
Theo PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền – Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Khoa học quản lý giáo dục thuộc Học viện Quản lý giáo dục cho rằng: "Quy trình định hướng phát triển nghề nghiệp là một vòng lặp bắt đầu từ: Nhận thức bản thân - nhận thức về thế giới nghề nghiệp, khám phá cơ hội phù hợp - lập kế hoạch nghề nghiệp". Nhìn thực tế ở công tác quản lý, bà Trần Đức Hạnh Quỳnh, Phó trưởng Phòng GDĐT Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, với đặc thù một quận ở trung tâm thành phố, công tác phân luồng học sinh gặp nhiều khó khăn do đa phần phụ huynh muốn con em phải vào đại học hoặc cao đẳng. Nhiều phụ huynh cho rằng độ tuổi sau THCS, thậm chí sau tốt nghiệp THPT, là lứa tuổi chưa trưởng thành, chưa muốn con em đi học nghề. Do đó, công tác hướng nghiệp cho học sinh cũng cần phải có sự thấu hiểu từ phía phụ huynh học sinh. Ông Nguyễn Quốc Bảo, Phó Giám đốc Sở GDĐT thành phố Hồ Chí Minh thì cho rằng cần mở rộng đối tượng tham gia tư vấn hướng nghiệp, giúp học sinh có lựa chọn môn học phù hợp từ năm lớp 10, từ đó có lộ trình học tập ổn định trong 3 năm học THPT, hạn chế tối đa tình trạng chuyển đổi môn học sau năm lớp 10 hoặc lớp 11.
Trường PT và trường ĐH phối hợp trong hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho học sinh.
Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025 xác định mục tiêu chung của công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh là "Tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và địa phương, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quốc gia, hội nhập khu vực và quốc tế".
Hoạt động hướng nghiệp phải thực chất từ Nhà trường
Theo thống kê của Bộ GDĐT, tính theo tỷ lệ dân số, số sinh viên đại học theo học các lĩnh vực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) của Việt Nam chỉ đạt khoảng 55 sinh viên/10.000 dân, thấp hơn nhiều lần so với các nước trong khu vực và châu Âu. Tỷ lệ sinh viên theo học các lĩnh vực STEM (Khoa học – Công nghệ - Kỹ thuật – Toán học) tính trên tổng số sinh viên đại học của Việt Nam những năm gần đây dao động trong khoảng từ 27%-30%. Riêng đối với các ngành khoa học tự nhiên và toán, tỷ lệ sinh viên theo học ở Việt Nam chỉ đạt xấp xỉ 1,5%, bằng 1/3 so với Phần Lan, 1/4 so với Hàn Quốc, 1/5 so với Singapore và Đức. Trong khi đó, quy mô đào tạo các các ngành khối kinh tế lại rất lớn. Các chuyên gia giáo dục cho rằng, vấn đề này trong xu thế chọn ngành của học sinh Việt Nam hiện nay rất giống với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực cách đây nhiều năm. Điều này cũng phải ánh quy luật cung – cầu, tức là xã hội có nhu cầu thì người học cứ theo học. Tuy nhiên, điều mà thí sinh không để ý là liệu ngành mình chọn ở thời điểm này đang rất “nóng” nhưng lúc ra trường, khoảng 4-5 năm sau, nhu cầu của ngành đó có còn cao hay sẽ bão hòa? Đây không phải lỗi ở thí sinh mà là lỗi của ngành giáo dục, do công tác hướng nghiệp bị bỏ trống hoặc có thực hiện cũng chỉ qua loa. Tuy nhiên, trên thực tế, để làm tốt công tác hướng nghiệp không phải là chuyện một sớm một chiều.
Để giúp học sinh định hướng ngành học được tốt nhất, đảm bảo được cơ hội nghề nghiệp có thể phát triển bản thân trong tương lai thì hoạt động hướng nghiệp nghề nghiệp rất quan trọng trong nhà trường. Các hoạt động hướng nghiệp đã được các trường phổ thông trú trọng triển khai trong kế hoạch năm học, đó có thể là mời chuyên gia về tư vấn; đưa học sinh đi trải nghiệm nghề nghiệp tại các công ty, cơ sở sản xuất…Một trong những cách làm đem lại hiệu quả tốt đó là sự phối hợp giữa trường phổ thông – trường đại học. Các chuyên gia, giảng viên đại học sẽ thực sự giúp học sinh trung học có được những trải nghiệm nghề nghiệp tốt nhất, đưa ra các lời khuyên hữu ích để học sinh tự tin lựa chọn nghề nghiệp, hoạch định được kế hoạch học tập.
Năm học 2024-2025, công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi đây là năm đầu tiên học sinh lớp 12 tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018. Những thay đổi về quy chế thi tốt nghiệp THPT, phương thức xét tuyển của các trường đại học có tác động rất lớn đến định hướng lựa chọn môn học của học sinh. Vì vậy, công tác hướng nghiệp nên đẩy mạnh từ sớm, bắt đầu từ các lớp cấp 2 với các hoạt động khám phá năng lực, sở thích và khả năng của học sinh chứ không chỉ tập trung vào lớp 12. Điều này giúp học sinh có thời gian suy nghĩ và chuẩn bị kỹ lưỡng hơn về hướng đi của mình. Chương trình GDPT mới khuyến khích sự phát triển toàn diện, do đó công tác hướng nghiệp cần tập trung vào việc phát triển các kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng “mềm” cho học sinh.
Hiền Kim