Chương trình GDPT 2018: Đánh giá học sinh thực chất và công tâm

Từ năm học 2021-2022, các trường áp dụng thực hiện Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT trong nhận xét, đánh giá xếp loại, xét danh hiệu học sinh. Việc thay đổi này được dư luận xã hội quan tâm nhiều bởi những điểm mới tiến bộ, tích cực, nhân văn.

Hướng đến thực chất hơn

Theo chương trình GDPT 2006, việc khen thưởng học sinh được áp dụng cho đối tượng học sinh tiên tiến (học lực Khá) và học sinh giỏi (xếp loại Giỏi). Khen thưởng theo hướng này dẫn đến một hệ luỵ đó là việc khen thưởng bị “lạm phát”, mất hết tác dụng  vinh danh học sinh vì số lượng học sinh khá giỏi trong lớp rất nhiều.

Chương trình GDPT 2018 đánh giá học sinh toàn diện.

Đánh giá, nhận xét học sinh theo Chương trình GDPT 2018 được hy vọng sẽ xoá bỏ được những bất cập của cách nhận xét, đánh giá, xếp loại học sinh theo chương trình cũ. Như vậy, theo quy định của Thông tư 22 quy định về nhận xét, đánh giá, xếp loại học sinh thì việc khen thưởng, xếp loại học sinh được chia thành các mức như sau:

Học sinh Xuất sắc: đối với những học sinh có kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá mức tốt, kết quả học tập cả năm học được đánh giá mức tốt và có ít nhất 6 môn học được đánh giá bằng nhận xét kết hợp với đánh giá bằng điểm số có điểm trung bình môn cả năm đạt từ 9,0 điểm trở lên. 

Học sinh Giỏi: đối với những học sinh có kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá mức tốt và kết quả học tập cả năm học được đánh giá mức tốt. 

Khen thưởng học sinh có thành tích đột xuất trong rèn luyện và học tập trong năm học. 

Học sinh có thành tích đặc biệt được nhà trường xem xét, đề nghị cấp trên khen thưởng.

Sau thời gian áp dụng cách đánh giá này, ý kiến một số giáo viên cho rằng đây là cách đánh giá khá toàn diện đối với học sinh, giáo viên và Nhà trường đang thực hiện được phương châm: Dạy thật – học thật – thi thật – chất lượng thật. Thầy giáo Võ Minh Nghĩa, giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Nguyễn Du, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Thông tư 22 xem kiểm tra, đánh giá không phải là một áp lực, một kết quả của quá trình học mà là một thước đo để điều chỉnh hoạt động dạy và học của mỗi đơn vị. Đây chính là một trong những điều khởi sắc rất đáng trân trọng cho nền giáo dục Việt Nam theo chương trình mới. Nếu ngày xưa, việc kiểm tra, đánh giá là để đúc kết tổng kết quá trình học của học sinh, quá trình dạy của người thầy thì nay kiểm tra và đánh giá không là đích đến mà nó là quá trình xuyên suốt để cả người học và người dạy đều tự điều chỉnh để sao cho đáp ứng được yêu cầu cần đạt trong chương trình mới. Theo cô Mai Thị Kim Tuyến, Hiệu trưởng Trường THCS Hà Đông, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá thì việc kiểm tra đánh giá, xếp loại học sinh theo thông tư mới khá chặt chẽ. Nhà trường khá bất ngờ khi năm đầu tiên thực hiện đánh giá theo thông tư mới, toàn trường chỉ có 3 học sinh được xếp loại xuất sắc, trong khi trước đây khi thực hiện đánh giá, xếp loại theo thông tư cũ, số học sinh được xếp loại giỏi, tiên tiến của nhà trường đạt từ 40 - 45%.

Một điều tích cực theo Thông tư 22 đó là, do cách đánh giá rèn luyện hạnh kiểm không bị khống chế bởi kết quả học tập nên kết quả đánh gía theo chương trình mới cũng khả quan hơn. Nhiều trường không còn học sinh nào phải rèn luyện lại hạnh kiểm trong hè suốt nhiều năm.

Đa dạng cách đánh giá, phát huy thế mạnh của học sinh

Theo Chương trình GDPT 2018 thì học sinh được giảm số môn học. Theo đó, với cấp Trung học Cơ sở, có một số môn được tích hợp lại. Còn với cấp Trung học Phổ thông, học sinh dược chọn học theo tổ hợp ngay từ đầu lớp 10. Vì vậy, số các môn mà theo thói quen gọi là môn chính như bấy lâu nay giảm xuống. Từ đó, học sinh bới gánh nặng về điểm số, ít bị khống chế điểm của các môn ngày và có điều kiện đầu tư cho các môn học theo tổ hợp.

Đánh giá học sinh đúng để nâng cao chất lượng giáo dục.

Cách đánh giá theo Chương trình GDPT 2018 cũng được cho là đa dạng, linh hoạt hơn cách đánh giá của chương trình cũ. Chương trình 2018 không còn đánh giá nặng nề, hàn lâm chỉ với hình thức làm bài viết của cá nhân học sinh như chương trình trước đây. Hiện nay, ngoài năng lực viết, chường trình mới có nhiều hình thức đánh giá khác nhau như: Sản phẩm, thuyêt trình dự án, kết quả từ các cuộc thi cá nhân và nhóm học sinh. Điều này giúp học sinh phát huy thế mạnh bản thân và đạt điểm cao nhiều môn học.

Thầy Võ Minh Nghĩa cho biết thêm: Giáo viên được quyền tổ chức hoạt động kiểm tra, đánh giá học sinh bằng đa dạng các hình thức mà không phải truyền thống bằng phương pháp kiểm tra “giấy trắng, mực đen” như trước kia. Đối với việc thực hiện đa dạng các hình thức này, tôi đánh giá, đây là một hoạt động giáo dục mang tính tích cực và rất phù hợp với sự năng động hiện nay của thế hệ GenZ và của cả xã hội. Đối với bậc Tiểu học, thầy giáo Phạm Văn Thuyết, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cẩm Bình 1, huyện Cẩm Thuỷ, tỉnh Thanh Hoá cho rằng: Phương pháp kiểm tra đánh giá theo Thông tư 22 chuyển từ chủ yếu đánh giá kiến thức, kỹ năng sang đánh giá năng lực của người học. Chuyển trọng tâm đánh giá chủ yếu từ ghi nhớ, hiểu kiến thức sang đánh giá năng lực vận dụng, giải quyết những vấn đề của thực tiễn, chú trọng đánh giá các năng lực tư duy; không chỉ đánh giá kết quả cuối cùng mà chú ý cả quá trình học tập.

Bên cạnh đó cách đánh giá nhiều môn học cũng được chuyển từ điểm số sang nhận xét theo cách ĐẠT hoặc CHƯA ĐẠT, như môn Giáo dục Thể chất, Giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm-hướng nghiệp…Điều này đã thực sự giúp học sinh dễ dàng có kết quả “ĐẠT” hơn so với hình thức tính bằng điếm số như trước đây. Theo ông Mai Việt Dũng, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá thì: Chương trình mới, môn học mới bắt buộc các nhà trường phải đổi mới, linh hoạt và sáng tạo trong công tác dạy học cũng như kiểm tra đánh giá học sinh theo hướng thực tế. Đổi mới nội dung đánh giá là không chỉ là đánh giá về kiến thức mà đánh giá cả về ý thức, thái độ, hành vi của học sinh, kể cả đánh giá trong giờ dạy và ngoài giờ dạy; kết hợp giữa đánh giá bằng điểm số và bằng nhận xét. Quan trọng nhất là đánh giá theo kế hoạch giáo dục của nhà trường, quản lý chặt sổ điểm điện tử và cập nhật công tác kiểm tra đánh giá trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành.

Việc đổi mới kiểm tra đánh giá đã thổi một “làn gió mới” vào các trường học góp phần nâng cao hiệu quả giảng dạy của giáo viên và phát triển năng lực học tập của học sinh. Để khắc phục những tồn tại, thực hiện tốt công tác kiểm tra, đánh giá học sinh, ngành GDĐT cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về lộ trình và cách thức, điều kiện thực hiện đổi mới. Bên cạnh đó, cũng cần tích cực chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên... góp phần thực hiện thành công mục tiêu đổi mới toàn diện GDĐT theo định hướng Chương trình GDPT 2018.

Hiền Kim

Bạn đang đọc bài viết Chương trình GDPT 2018: Đánh giá học sinh thực chất và công tâm tại chuyên mục Thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn