Giáo dục trải nghiệm - Nền tảng phát triển năng lực toàn diện cho học sinh
Theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp không chỉ là môn học bắt buộc mà còn là cầu nối giúp học sinh gắn kết lý thuyết với thực hành. Thông qua các hoạt động giáo dục này, học sinh được rèn luyện các phẩm chất và năng lực cần thiết như khả năng tổ chức hoạt động, tư duy phản biện, làm việc nhóm và định hướng nghề nghiệp. Đây là cơ hội để các em tiếp cận thực tế, khai thác kinh nghiệm sẵn có và huy động kiến thức từ nhiều môn học khác nhau để giải quyết các vấn đề trong đời sống. Từ đó, học sinh không chỉ làm giàu vốn sống mà còn chuyển hóa những trải nghiệm cá nhân thành tri thức và kỹ năng mới, giúp các em sẵn sàng đối mặt với những thách thức của môi trường sống và nghề nghiệp tương lai.
Ảnh: Hoạt động trải nghiệm tại nhà trường.
Trong những năm gần đây, nhiều trường học trên cả nước đã triển khai các hoạt động trải nghiệm với hình thức đa dạng, hấp dẫn, thu hút sự tham gia của học sinh và sự đồng hành của phụ huynh, giáo viên. Tại Trường THCS-THPT Lê Quý Đôn (Nam Từ Liêm, Hà Nội), thầy Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết:“Nhà trường tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm phong phú, giúp học sinh phát huy tối đa sự sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề. Đặc biệt, các chương trình hướng nghiệp cung cấp cho các em kiến thức cần thiết để xây dựng kế hoạch học tập và phát triển bản thân một cách hiệu quả”. Tương tự, tại Trường THCS Bình Thuận (TP. Tuyên Quang), cô Trần Thị Thái Ngọc, Phó Hiệu trưởng, cũng nhận định: “Các hoạt động trải nghiệm không chỉ mang lại kiến thức thực tiễn mà còn giúp học sinh giải quyết những vấn đề khó khăn trong cuộc sống. Nhờ đó, các em rèn luyện được kỹ năng sống và biết cách ứng phó với những thách thức của xã hội hiện đại”.
Hoạt động giáo dục trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp đã được các trường tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau như: Tham quan thực tế tại các doanh nghiệp, bảo tàng, di tích lịch sử; Dự án học tập tích hợp như nghiên cứu môi trường, sáng tạo nghệ thuật, Hội thảo hướng nghiệp với sự tham gia của các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực; Những hoạt động này không chỉ mang lại trải nghiệm thú vị mà còn giúp học sinh gắn kết kiến thức trên lớp với thực tế cuộc sống, từ đó hình thành kỹ năng giải quyết vấn đề một cách hiệu quả.
Khơi dậy tính chủ động, sáng tạo của học sinh
Một trong những điểm nổi bật của giáo dục trải nghiệm là giúp học sinh trở thành chủ thể tích cực trong quá trình học tập. Thay vì tiếp nhận kiến thức một cách thụ động, các em được tham gia trực tiếp vào các nhiệm vụ thực tế, từ đó phát triển tư duy sáng tạo và kỹ năng giải quyết vấn đề. Thầy Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ thêm: “Khi tham gia hoạt động trải nghiệm, học sinh nhận ra rằng luôn có nhiều cách giải quyết khác nhau cho một vấn đề. Các em được khuyến khích tìm ra những giải pháp độc đáo của riêng mình, qua đó xây dựng sự tự tin và khả năng tư duy linh hoạt”.
Ảnh: Thầy Nguyễn Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lê Quý Đôn (Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội)
Ví dụ, trong các dự án học tập tích hợp, học sinh phải làm việc nhóm để giải quyết những vấn đề thực tế. Quá trình này không chỉ giúp các em rèn luyện kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm mà còn học cách tôn trọng ý kiến của người khác, đồng thời tìm kiếm sự đồng thuận để đạt được mục tiêu chung. Một trong những lợi ích lớn nhất của giáo dục trải nghiệm là giúp học sinh dễ dàng tiếp cận và ghi nhớ các khái niệm phức tạp thông qua thực hành. Thay vì học qua sách vở, các em được áp dụng kiến thức vào các tình huống thực tế, từ đó hiểu rõ hơn về bản chất của vấn đề. Tại Thái Nguyên, các học sinh chuyên Địa lý đã có cơ hội tham quan vịnh Hạ Long để nghiên cứu các hiện tượng địa chất như xâm thực và bào mòn. Thông qua việc quan sát trực tiếp, những khái niệm vốn trừu tượng trên lớp học đã trở nên sinh động và dễ hiểu hơn.
Quá trình học tập trải nghiệm còn giúp học sinh phát triển khả năng phản biện và tư duy logic. Các em học được cách phân tích, so sánh, và đánh giá các phương pháp khác nhau, từ đó chọn ra giải pháp tối ưu. Điều này không chỉ giúp học sinh tự tin hơn mà còn giảm bớt nỗi sợ hãi về việc mắc sai lầm, bởi sai lầm trở thành một phần giá trị của quá trình học tập. Trong xã hội hiện đại, nơi mọi thứ thay đổi nhanh chóng, khả năng thích ứng là kỹ năng không thể thiếu. Giáo dục trải nghiệm đóng vai trò quan trọng trong việc rèn luyện kỹ năng này. Thông qua các hoạt động thực tế, học sinh được đặt vào nhiều tình huống khác nhau, buộc các em phải tìm cách giải quyết vấn đề một cách sáng tạo và linh hoạt. Học sinh không chỉ học cách đối mặt với khó khăn mà còn biết cách vượt qua chúng bằng những phương pháp phù hợp nhất với hoàn cảnh. Thực tế, khi tham gia các hoạt động trải nghiệm, học sinh dần nhận ra giá trị của việc học từ thất bại. Sai lầm không còn là điều gì đó đáng sợ, mà ngược lại, trở thành cơ hội để các em cải thiện và hoàn thiện bản thân.
Giáo dục trải nghiệm không chỉ giúp học sinh phát triển kỹ năng sống mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng nghề nghiệp. Thông qua các hoạt động như tham quan doanh nghiệp, dự án nghề nghiệp hoặc trò chuyện với chuyên gia, học sinh có cơ hội khám phá sở thích, năng lực của bản thân và hiểu rõ hơn về các ngành nghề. Giáo dục trải nghiệm không chỉ là một phương pháp giảng dạy mà còn là xu hướng tất yếu để đáp ứng nhu cầu của thế kỷ 21. Với những lợi ích vượt trội, phương pháp này đang được triển khai rộng rãi và nhận được sự đánh giá cao từ cộng đồng giáo dục.
Để phát huy hiệu quả của giáo dục trải nghiệm, các nhà trường cần chú trọng đến việc: Thiết kế các hoạt động trải nghiệm phù hợp với đặc điểm của học sinh và điều kiện thực tế; Đào tạo giáo viên về kỹ năng tổ chức và hướng dẫn học tập trải nghiệm; Tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng để xây dựng môi trường học tập toàn diện. Như vậy, có thể thấy, Hoạt động giáo dục trải nghiệm đã và đang chứng minh vai trò quan trọng trong việc hình thành thế hệ học sinh năng động, sáng tạo và bản lĩnh. Thông qua những hoạt động gắn kết lý thuyết với thực tiễn, học sinh không chỉ phát triển năng lực học tập mà còn sẵn sàng đối mặt với mọi thử thách trong cuộc sống và nghề nghiệp tương lai. Đây chính là mục tiêu lớn mà nền giáo dục hiện đại hướng đến.
Hiền Kim