Hiệu quả từ phương pháp dạy học qua dự án học tập

Đổi mới phương pháp dạy học là yêu cầu cấp bách trong dạy học tại các trường phổ thông, các cơ sở giáo dục. Sử dụng phương pháp học tập tích cực, người dạy đóng vai trò là “người hướng dẫn” giúp người học thu được kết luận đúng thông qua sự chỉ dẫn, khuyến khích cũng như thách thức họ đạt được mục đích học tập.

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã mang lại những tín hiệu tích cực từ việc đổi mới phương pháp dạy, phương pháp học và kiểm tra đánh giá. Việc khuyến khích giáo viên tìm ra các phương pháp giáo dục mới để học sinh tiếp thu bài nhanh hơn, ghi nhớ lâu hơn đã khơi dậy tính sáng tạo trong các giờ học. Phương pháp giảng dạy thông qua các dự án học tập đã thu được những kết quả tích cực. Dạy học theo dự án là một trong những phương pháp giảng dạy hiện đại, mang lại nhiều lợi ích trong việc phát triển kỹ năng và tư duy của học sinh.

Dạy học theo dự án – Xu hướng tất yếu của giáo dục hiện đại

Khái niệm dạy học theo dự án đó là mô hình dạy học mà ở đó, học sinh sẽ phải phối hợp cùng nhau để dựa trên kiến thức được học và sự hỗ trợ của giáo viên để giải quyết một vấn đề học tập. Từ những vấn đề được giải quyết, học sinh có thể tạo thành các sản phẩm có thể giới thiệu, công bố. Một mô hình dạy học dự án sẽ có những kỹ thuật giảng dạy được xây khác nhau. Thường thì những dự án học sinh tham gia đều có sự hỗ trợ của của các giáo viên hoặc những người có chuyên môn để giúp học sinh có thể nắm bắt vấn đề, hiểu rõ được nội dung hơn. Ngoài ra còn có sự hỗ trợ từ các thiết bị công nghệ để hỗ trợ cho quá trình của học sinh được suôn sẻ hơn. Trong thời đại công nghệ số và sự thay đổi không ngừng của xã hội, giáo dục không chỉ đơn thuần là cung cấp kiến thức mà còn phải giúp học sinh rèn luyện các kỹ năng mềm và khả năng thích ứng. Phương pháp dạy học theo dự án (Project-Based Learning – PBL) là một cách tiếp cận mới, trong đó học sinh được giao những nhiệm vụ thực tiễn, yêu cầu các em nghiên cứu, tìm hiểu và giải quyết vấn đề một cách sáng tạo. Dạy học theo dự án giúp học sinh phát triển đồng bộ các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống, trong đó yêu cầu làm việc nhóm, chia sẻ ý tưởng và cùng nhau giải quyết các nhiệm vụ được giao. Đây là cơ hội để các em rèn luyện kỹ năng giao tiếp, lắng nghe, và thuyết trình – những kỹ năng vô cùng quan trọng trong cuộc sống và công việc sau này.

Ngoài ra, học sinh còn học được cách quản lý thời gian, phân công công việc, và giải quyết mâu thuẫn trong nhóm. Tất cả những kỹ năng này đều rất cần thiết trong môi trường làm việc thực tế. Thông qua dạy học dự án, học sinh được rèn luyện để trở thành một người làm việc độc lập, có tư duy phản biện, có kĩ năng nghiên cứu khoa học và kĩ năng tự học suốt đời. Học tập thông qua dự án sẽ giúp học sinh trong lớp có điều kiện để chia sẻ, trao đổi, tranh luận... gắn kết cùng tập thể và chịu trách nhiệm cùng tập thể. Đồng thời, dạy học theo dự án còn giúp học sinh phát triển năng lực cộng tác : Làm việc với bạn của mình, xây dựng đội nhóm và kĩ năng làm việc nhóm, biết kết nối để học tập, tìm tòi, khám phá, sáng tạo.

Học sinh được khuyến khích tham gia các dự án học tập.

Học qua dự án - học sâu, nhớ lâu

Đứng trước yêu cầu cần phải đổi mới để hợp xu thế tiếp cận kiến thức của các bạn trẻ hiện nay, giáo viên bắt buộc cũng phải chuyển mình. Nhiều giáo viên ngoài việc đảm bảo kiến thức trên lớp thì họ cũng luôn luôn tìm tòi những hướng đi mới, những phương pháp mới để tạo hứng thú cho học sinh nhiều hơn. Thế nhưng việc đòi hỏi sự yêu thích tất cả các môn học rất khó, đặc biệt là các môn xã hội như môn Ngữ văn, môn lịch sử hiện nay là điều khá nan giải.

Đối với môn Ngữ văn, với đặc trưng là sự kết hợp giữa yếu tố nghệ thuật và tư duy phản biện, rất phù hợp để triển khai phương pháp này. Thay vì học thuộc lòng những bài giảng khô khan, học sinh được tham gia vào các dự án thực tế như xây dựng kịch bản, dàn dựng sân khấu, hoặc thực hiện các nghiên cứu về tác phẩm văn học và bối cảnh lịch sử xã hội liên quan. Phương pháp dạy học theo dự án giúp học sinh áp dụng kiến thức lý thuyết vào các tình huống thực tiễn. Ví dụ, trong dự án nghiên cứu về thân thế và sự nghiệp thơ ca của Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương, các em học sinh được giao cùng nhau nghiên cứu, tìm hiểu tư liệu và dàn dựng thành một vở kịch với nhân vật chính là Nhà thơ Hồ Xuân Hương. Thông qua vở kịch, thân thế, sự nghiệp và con đường thơ ca của Bà chúa Thơ Nôm đã hiện ra một cách rõ ràng, cụ thể. Không chỉ nhóm học sinh tham gia diễn kịch phải tìm hiểu kiến thức mà tất cả các thành viên trong lớp cũng phải tham gia cùng tìm hiểu để đặt ra những câu hỏi trao đổi cùng nhau.

Một dự án trong giờ học Ngữ văn của Trường THCS-THTP Lê Quý Đôn.

Việc áp dụng lý thuyết vào thực tế không chỉ giúp học sinh hiểu sâu hơn mà còn giúp các em nhận ra giá trị thực tiễn của môn học. Theo cô Hoàng Thanh Tâm - Thành phố Hồ Chí Minh: “Dạy học dự án giúp học sinh hình thành và phát triển nhiều kỹ năng: sự tự tin, sáng tạo; khả năng sắp xếp, lập kế hoạch, chủ động trong công việc; cách hợp tác tốt với nhiều đối tượng, khả năng thích ứng...” Còn theo một số giáo viên, việc vận dụng dạy học dự án trong giảng dạy môn Ngữ văn đem đến nhiều ý nghĩa tích cực cho cả giáo viên và học sinh. Với học sinh, các em được tiếp cận bài học gắn với thực tiễn cuộc sống, có điều kiện để thể hiện tư tưởng, tình cảm, năng lực...trong nhiều hoạt động dự án. Người học chuyển từ thụ động ghi nhớ lặp lại sang chủ động khám phá, tích hợp và trình bày, chuyển từ nghe và đáp ứng sáng truyền đạt và dám chịu trách nhiệm, chuyển từ phụ thuộc vào giáo viên sang chủ động tổ chức.

Đối với môn Lịch sử, dạy học qua dự án giúp các em trực tiếp cảm nhận và ghi nhớ những kiến thức về các sự kiện lịch sử hay nhân vật lịch sử. Theo cô giáo Trần Thị Bình - TP.Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, học sinh không muốn cách học thụ động chỉ đọc sách giáo khoa, vì vậy giáo viên phải đưa môn Lịch sử thoát khỏi sự gò bó, giúp học sinh thảo luận thoải mái. Lịch sử là một câu chuyện tiếp nối từ quá khứ đến hiện tại nên nhiệm vụ của giáo viên là đưa ra vấn đề gợi mở để học sinh suy nghĩ và thể hiện quan điểm của bản thân. “Giúp học sinh hiểu được quá trình và ứng dụng vào hiện thực xã hội hiện nay, để học sinh biết phân tích và nhìn nhận sẽ cho các em thấy được rằng, lịch sử không chỉ là dữ kiện khô khan trong quá khứ mà là một câu chuyện rất sống động, lý thú. Có vậy, môn Lịch sử mới trở nên thiết thực và có ý nghĩa”, Cô Bình chia sẻ.

Sau thời gian triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, có thể thấy hiệu quả mang lại một cách tổng thể đã được minh chứng. Các phương pháp dạy học mới, khơi gợi ý tưởng sáng tạo của giáo viên, phát huy tính chủ động của học sinh trong dạy và học đã mang lại kết quả. Điều dễ nhận thấy, đó là việc hoc tập thông qua các dự án đã mang lại những hiệu quả trong dạy và học các môn xã hội như môn Ngữ văn và môn Lịch sử. Từ những kiến thức dài, khó ghi nhớ, thông qua phương pháp dạy và học theo dự án học tập đã giúp học sinh tiếp thu, ghi nhớ và vận dụng vào cuộc sống.

Bài và ảnh: Hiền Kim

Bạn đang đọc bài viết Hiệu quả từ phương pháp dạy học qua dự án học tập tại chuyên mục Thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn