Phát triển năng lực CNTT cho giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới

Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy học đã trở thành một xu hướng không thể thiếu trong nền giáo dục hiện đại, nhất là trong quá trình thực hiện Chương trình GDPT 2018. Tuy vậy, việc ứng dụng CNTT trong dạy học vẫn còn nhiều thách thức và hạn chế cần được giải quyết. Vấn đề cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, trình độ và kỹ năng sử dụng công nghệ của giáo viên, cũng như nhận thức của phụ huynh và học sinh vẫn đang là rào cản lớn.

Thực trạng năng lực công nghệ thông tin của giáo viên

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đã tạo ra những cơ hội mới, mang lại nhiều lợi ích to lớn cho quá trình dạy và học. Các công nghệ như máy tính, máy chiếu, bảng tương tác, phần mềm hỗ trợ dạy học, nền tảng trực tuyến… đã được ứng dụng rộng rãi trong các cơ sở giáo dục, từ mầm non đến đại học, giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả và trải nghiệm của người học. Việc ứng dụng CNTT của giáo viên trong dạy học hiện nay đang có những bước phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần được khắc phục. Về mặt tích cực, đầu tiên có thể thấy, sau gần 5 năm triển khai Chương trình GDPT 2018, nhận thức của đội ngũ nhà giáo và học sinh về tầm quan trọng của CNTT trong dạy và học đã được nâng lên. Cả giáo viên và học sinh đã nhận thấy lợi ích to lớn của ứng dụng CNTT để nâng cao chất lượng giáo dục. Thứ hai, sự phổ cập của các thiết bị công nghệ như máy tính, máy chiếu, bảng tương tác, điện thoại thông minh… ngày càng phổ biến trong trường học. Đặc biệt, sự đa dạng của các ứng dụng CNTT trong quản lý và dạy học đã mở ra những cơ hội to lớn trong nâng cao chất lượng giáo dục.

Tuy nhiên, một thực tế đó là kỹ năng sử dụng CNTT trong dạy và học của đội ngũ nhà giáo còn hạn chế, một số giáo viên còn chưa có đầy đủ kỹ năng và kiến thức để sử dụng CNTT trong dạy học, dẫn đến việc ứng dụng chưa hiệu quả. Một phần nữa là do thiết cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ, nhất là đối với các trường học ở vùng sâu, vùng xa, còn thiếu cơ sở vật chất và hạ tầng CNTT để ứng dụng trong dạy và học. Hơn nữa, một số lo ngai về an toàn thông tin trên môi trường Internet và sức khoẻ của học sinh cũng cản trở quá trình ứng dụng CNTT trong dạy học của giáo viên.

Theo thầy Phan Văn Chương, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, tỉnh Quảng Nam: Chương trình giáo dục phổ thông mới với mục tiêu nhằm phát huy tối đa những phẩm chất, năng lực của người học. Do vậy, cần phải có ứng dụng công nghệ thông tin vào trong dạy và học mới có thể phát huy được những yếu tố quan trọng cho các em, đặc biệt là khi học các môn lựa chọn, việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp các em tiếp cận được nguồn kiến thức rộng mở hơn, thể hiện được năng lực của bản thân. Theo thầy Chương, nhận được sự chỉ đạo sâu sát và hỗ trợ tận tình của các cấp lãnh đạo, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Quảng Nam, hiện nay trường có nhiều thuận lợi để từng bước hoàn thiện, nâng cấp, phát triển về ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giảng dạy như trang bị cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị hiện đại, đội ngũ giáo viên dần được nâng cao trình độ về công nghệ,... để theo kịp được với xu thế số hóa hiện nay.

Ứng dụng CNTT trong dạy và học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT trong dạy học vẫn còn mang tính chất “làm mẫu”, Nhìn nhận từ thực tế, việc ứng dụng công nghệ thông tin mới chỉ dạy mô hình điểm, dạy mô hình mẫu và chủ yếu tập trung ứng dụng công nghệ thông tin vào các tiết hội giảng, chuyên đề, thao giảng, thi giáo viên dạy giỏi hoặc những tiết dạy được báo trước. Một số giáo viên và học sinh chưa chủ động khai thác Internet vào mục đích học tập và rèn thao tác kỹ năng công nghệ thông tin của bản thân; còn hạn chế khai thác thông tin tài nguyên trên mạng nên các bài giảng ứng dụng công nghệ thông tin chưa được sinh động, chất lượng và đầu tư. Mặt khác, trình độ công nghệ thông tin của một số cán bộ quản lý và trình độ bài giảng ứng dụng công nghệ thông tin của nhiều giáo viên trong thực tế còn hạn chế. Việc này đã gây ra ảnh hưởng không nhỏ tới việc đổi mới phương pháp, hình thức học tập và làm chậm bước tiến của yêu cầu đổi mới giáo dục trong xã hội hiện nay.

Theo thầy Nguyễn Sỹ Lợi, giáo viên Trường Tiểu học Vân Canh, huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội: “Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động dạy học là một nhiệm vụ hàng đầu và rất quan trọng trong việc đổi mới hình thức, phương pháp dạy học nhưng đến nay, công tác vẫn chỉ đang ở bước đầu, còn nhiều bỡ ngỡ, bị động và vẫn còn mang tính chất trình diễn”.

Phát triển năng lực CNTT cho nhà giáo đáp ứng Chương trình GDPT 2018

Việc ứng dụng CNTT trong dạy học là một giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng và hiệu quả của quá trình dạy và học. Một trong những giải pháp chính là áp dụng các công cụ và phần mềm CNTT vào các hoạt động dạy và học. Ví dụ, giáo viên có thể sử dụng các phần mềm trình chiếu như PowerPoint, Prezi, Canva để thiết kế bài giảng sinh động, hấp dẫn hơn, kết hợp với việc sử dụng internet để tìm kiếm và truy cập các tài nguyên dạy học phong phú. Học sinh cũng có thể sử dụng máy tính, máy tính bảng để tra cứu thông tin, thực hiện các bài tập, dự án học tập. Ngoài ra, các hệ thống quản lý học tập (LMS) như Moodle, Google Classroom cũng có thể được áp dụng để tổ chức và quản lý lớp học một cách hiệu quả, giúp giáo viên và học sinh tương tác, chia sẻ tài liệu, thực hiện các hoạt động học tập trực tuyến.

Bên cạnh việc áp dụng các công cụ CNTT vào dạy và học, một giải pháp quan trọng khác là nâng cao năng lực ứng dụng CNTT cho đội ngũ giáo viên. Điều này bao gồm việc tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng về các kỹ năng sử dụng và ứng dụng CNTT trong dạy học. Giáo viên cần được trang bị kiến thức và kỹ năng về thiết kế bài giảng điện tử, sử dụng các phần mềm, công cụ CNTT phục vụ dạy học, quản lý lớp học trực tuyến, tổ chức hoạt động dạy học theo hướng tích hợp CNTT. Ngoài ra, cần có sự hỗ trợ, tư vấn kịp thời từ các chuyên gia CNTT để giáo viên có thể áp dụng hiệu quả các công nghệ mới vào thực tiễn dạy học. Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở GDĐT Đắk Nông, đối với đội ngũ giáo viên thì cần phải tăng cường đào tạo, bỗi dưỡng, tập huấn để nâng cao trình độ, kiến thức trong việc sử dụng CNTT, hướng dẫn khai thác và sử dụng hiệu quả các nền tảng CNTT phục vụ cho việc dạy học. Ngành GDĐT Đắk Nông đã xác định, trong bối cảnh thực hiện đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018, vai trò của ứng dụng công nghệ thông tin đã được toàn ngành xác định là rất quan trọng trong công cuộc đổi mới lần này.

Để nâng cao trình độ ứng dụng CNTT cho giáo viên, đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018, Bộ GDĐT cũng có nhiều chương trình để tập huấn năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông. Các chương trình này đã góp phần quan trọng giúp giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông có cơ hội tiếp cận được với tài liệu, học liệu gốc. Ngay trong qua trình tập huấn, các giáo viên đã được sử dụng rất nhiều nền tảng khác nhau để tương tác. Giáo viên cũng được chia sẻ những hiểu biết của bản thân thông qua các phần mềm, tạo nên sự húng thú trong ứng dụng CNTT để giảng dạy và nâng cao chất lượng giáo dục.

Để giáo viên có thể ứng dụng CNTT một cách tốt nhất trong dạy học thì cần phải cải thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng CNTT tại các cơ sở giáo dục. Điều này bao gồm việc đầu tư trang bị máy tính, máy chiếu, internet tốc độ cao, các phòng học thông minh, phòng máy tính… để tạo ra môi trường học tập số hiện đại, hỗ trợ việc ứng dụng CNTT vào các hoạt động dạy và học. Đồng thời, cần có các chính sách, nguồn lực tài chính thích hợp để duy trì, nâng cấp và phát triển cơ sở hạ tầng CNTT trong giáo dục. Bên cạnh đó, việc xây dựng các nền tảng số, kho tài nguyên số phong phú, đa dạng cũng là một giải pháp quan trọng để giáo viên và học sinh có thể dễ dàng tiếp cận, khai thác các tài liệu, học liệu số trong quá trình dạy và học.

Việc phát triển năng lực công nghệ thông tin cho giáo viên là một yêu cầu cấp thiết để đáp ứng những đòi hỏi đổi mới giáo dục trong bối cảnh thực hiện Chương trình GDPT 2018. Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng kể, song vẫn còn nhiều thách thức cần được giải quyết, từ cơ sở hạ tầng công nghệ, kỹ năng sử dụng CNTT của giáo viên, đến nhận thức và khả năng khai thác tài nguyên số. Để hiện thực hóa mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục thông qua ứng dụng CNTT, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý giáo dục, nhà trường và giáo viên. Điều này bao gồm việc tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, khuyến khích đổi mới sáng tạo trong giảng dạy và học tập, cũng như xây dựng một môi trường giáo dục số toàn diện, an toàn và thân thiện. Khi giáo viên được trang bị đầy đủ năng lực CNTT, không chỉ chất lượng dạy học được nâng cao, mà học sinh cũng có cơ hội phát triển toàn diện các kỹ năng cần thiết trong thời đại số hóa. Đây chính là tiền đề vững chắc để giáo dục Việt Nam thích ứng và phát triển bền vững trong tương lai, như kỳ vọng của Chương trình GDPT 2018.

Hiền Kim

Bạn đang đọc bài viết Phát triển năng lực CNTT cho giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới tại chuyên mục Thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn