Chuẩn hoá đội ngũ giáo viên tiểu học – Tiền đề thực hiện thành công Chương trình GDPT 2018

Để thực hiện thành công Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (HDPT), đội ngũ giáo viên - đặc biệt là giáo viên tiểu học - đóng vai trò rất quan trọng. Chuẩn hóa đội ngũ giáo viên tiểu học không chỉ đảm bảo chất lượng giảng dạy mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển giáo dục trong giai đoạn hội nhập quốc tế.

Tầm quan trọng của chuẩn hoá đội ngũ giáo viên tiểu học

Tính đến năm học 2023-2204 thì toàn quốc có 485.200 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên trong các trường tiểu học, trong đó có 393.096 giáo viên. Nhìn chung, cơ bản đủ để thực hiện dạy học 2 buổi/ngày. Các địa phương tăng cường thực hiện tuyển mới giáo viên, trong đó chú trọng đến giáo viên các môn học mới ở cấp tiểu học khi thực hiện chương trình mới như môn Tiếng Anh, Tin học.

Giáo viên tiểu học, những người đặt nền móng đầu tiên cho hành trình học tập của học sinh.

Giáo viên tiểu học là người đầu tiên đặt nền móng tri thức và kỹ năng cho học sinh, đồng thời là cầu nối quan trọng giữa giáo dục mầm non và các cấp học cao hơn. Trong bối cảnh CT GDPT 2018 nhấn mạnh phát triển năng lực cá nhân, việc chuẩn hóa đội ngũ giáo viên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Giáo viên tiểu học phải là người giỏi về chuyên môn và có kỹ năng và phương pháp giảng dạy, đánh giá năng lực học sinh và sử dụng hiệu quả các phương pháp giảng dạy hiện đại. Cùng với đó, giáo viên phải hiểu rõ từng học sinh để áp dụng hiệu quả phương pháp giáo dục cá thể hoá, giúp các em phát triển toàn diện cả về phẩm chất lẫn năng lực. Đội ngũ giáo viên được chuẩn hoá sẽ xây dựng được lòng tin với phụ huynh và xã hội về chất lượng giáo dục, từ đó thúc đẩy sự ủng hộ của xã hội đối với các chính sách giáo dục.

Giáo dục tiểu học là cấp học nền móng của hệ thống giáo dục quốc dân, đây là cấp học vô cùng quan trọng để hình thành và phát triển nhân cách con người. Vì vậy nếu giáo dục tiểu học được triển khai tốt, chắc chắn và đúng hướng sẽ có tác động một cách bền vững tới các cấp học, bậc học tiếp theo. Với tầm quan trọng như vậy nên trong các đợt cải cách, đổi mới giáo dục, cấp tiểu học luôn được ưu tiên triển khai đầu tiên và đội ngũ giáo viên tiểu học là những người đi đầu trong các đợt cải cách và đổi mới giáo dục đó. Để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo, giáo viên tiểu học luôn đi đầu trong việc tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao đạo đức, phẩm chất, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và nêu gương tốt cho học sinh noi theo. Tuy đâu đó vẫn có một vài tồn tại, nhưng xét một cách toàn diện, đội ngũ giáo viên tiểu học luôn tâm huyết, trách nhiệm và họ xứng đáng được ghi nhận là những giáo viên vinh quang nhất.

Chuẩn hoá giáo viên để đáp ứng yêu cầu mới

Hiểu được tầm quan trọng của đội ngũ giáo viên nói chung và đội ngũ giáo viên tiểu học nói riêng trong thực hiện chương trình GDPT 2018, các địa phương đã không ngừng chú trọng phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục hướng đến đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu và đáp ứng yêu cầu về chất lượng, chuẩn bị tốt nguồn nhân lực cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học. Tiếp tục rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên theo chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học, trên cơ sở đó xây dựng và thực hiện kế hoạch bồi dưỡng nâng cao năng lực để đáp ứng theo chuẩn. Hầu hết các Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã chỉ đạo phòng GDĐT các huyện, thành phố rà soát, tổng hợp nhu cầu giáo viên, báo cáo ủy ban nhân dân cấp huyện để tham mưu Hội đồng nhân dân cấp huyện ban hành các Nghị quyết về việc hỗ trợ kinh phí hợp đồng lao động giáo viên năm học 2023-2024 nhằm đảm bảo đủ giáo viên trong các cơ sở giáo dục; ưu tiên giáo viên có năng lực, chuyên môn nghiệp vụ, đảm bảo các yêu cầu đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để dạy học lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4.

Bên cạnh đó, tăng cường tập huấn nâng cao năng lực quản lý và tổ chức dạy học học tích cực cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục để triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt là xây dựng và triển khai tốt kế hoạch tập huấn cho đội ngũ giáo viên dạy lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4; tạo điều kiện để tất cả giáo viên, cán bộ quản lý (bao gồm các trường công lập và tư thục) được tham gia các đợt tập huấn năng cao năng lực quản lý, tổ chức dạy học đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đáp ứng theo yêu cầu đổi mới cua chương trình GDPT 2018.

Công tác bồi dưỡng giáo viên đã được đẩy mạnh trên cả nước thông qua nhiều hình thức như tập huấn trực tiếp, đào tạo trực tuyến, và hỗ trợ cá nhân hóa quá trình học tập. Các khóa bồi dưỡng tập trung vào việc nâng cao hiểu biết về Chương trình GDPT 2018, kỹ năng thiết kế bài học theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, cũng như cách thức áp dụng các phương pháp giảng dạy tiên tiến. Đặc biệt, giáo viên tiểu học được đào tạo về cách tích hợp các môn học và sử dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy – những yếu tố đóng vai trò quan trọng trong chương trình mới. Ngoài ra, các chính sách về chuẩn hóa và phát triển đội ngũ giáo viên đã được ban hành đồng bộ, như Quy định Chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học, Nghị quyết về tăng cường nguồn nhân lực cho ngành giáo dục, và các văn bản hướng dẫn của Bộ GDĐT. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng, định hướng cho các địa phương trong việc triển khai các hoạt động tuyển dụng, đào tạo, và bồi dưỡng giáo viên. Cùng với đó, để công tác bồi dưỡng, chuẩn hoá giáo viên đạt được kết quả cao nhất thì bên cạnh các khóa tập huấn tập trung, cần áp dụng các hình thức bồi dưỡng linh hoạt như đào tạo trực tuyến, nhóm học tập chuyên môn tại trường, và kết nối với các chuyên gia trong và ngoài nước. Các hình thức này không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí mà còn tạo điều kiện để giáo viên tự học và phát triển liên tục.

Chuẩn hóa đội ngũ giáo viên tiểu học không chỉ là nhiệm vụ cấp bách và cần có chính sách lâu dài, ngay từ khi đào tạo sinh viên trên ghế trường sư phạm, mà còn là tiền đề quan trọng để thực hiện thành công Chương trình GDPT 2018. Mặc dù còn nhiều thách thức, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của toàn ngành giáo dục và sự chung tay của xã hội, đội ngũ giáo viên tiểu học Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được các yêu cầu đổi mới, góp phần xây dựng nền giáo dục chất lượng, hiện đại và nhân văn. Đây không chỉ là sứ mệnh của ngành giáo dục mà còn là trách nhiệm chung của cả cộng đồng, hướng tới một tương lai tươi sáng cho thế hệ trẻ.

Hiền Kim

Bạn đang đọc bài viết Chuẩn hoá đội ngũ giáo viên tiểu học – Tiền đề thực hiện thành công Chương trình GDPT 2018 tại chuyên mục Thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn