Đào tạo giáo viên dạy đa môn đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018

Năm học 2024-2025, Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đã đi trọn vẹn một chu trình, chương trình mới đã được áp dụng cho toàn bộ các lớp cuối cấp của cả ba cấp học. Tuy nhiên, việc dạy học tích hợp nói chung và giảng dạy các môn tích hợp vẫn là một điểm nghẽn cần có sự tháo gỡ để Chương trình GDPT 2018 đạt được kết quả như kỳ vọng.

(Ảnh minh hoạ)

Thực tiễn phát sinh khi giảng dạy tích hợp, liên môn

Theo Chương trình 2006 thì các môn học được giảng dạy riêng rẽ. Ưu điểm của hình thức giáo dục đơn môn là người học có một hệ thống kiến thức theo từng lĩnh vực một cách hệ thống, logic. Sau nhiều năm thực hiện, giáo viên và học sinh đều quen với hình thức đơn môn, việc giảng dạy của thầy cũng như học tập của trò đã thuận lợi. Tuy nhiên, một thực tế là việc tổ chức chương trình giáo dục theo từng môn riểng lẻ dẫn đến học sinh không nhận biết được mối liên hệ giữa các lĩnh vực khoa học với nhau và gặp khó khăn khi giải quyết vấn đề đặt ra của cuộc sống, khó áp dụng kiến thức lý thuyết vào thực hành, giải quyết vấn đề mà cần có kiến thức từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Theo các chuyên gia giáo dục, thực tế không phải đến Chương trình GDPT 2018 mới đặt ra vấn đề dạy học tích hợp, liên môn. Mà thực tế từ sau năm 2000, nhiều chuyên gia quản lý giáo dục đã đề xuất thiết kế một số môn học tích hợp như: tích hợp khoa học tự nhiên, khoa học xã hội ở bậc trung học theo mô hình nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến đã thực hiện. Nhưng khi khảo sát ý kiến của giáo viên thì đa số đều phản đối.

Từ khi triển khai Chương trình GDPT 2018 hướng đến mục tiêu phát triển năng lực người học, việc tổ chức các môn học theo hướng tích hợp cao ở các lớp, các cấp học thấp và phân hoá dần ở các lớp, cấp học cao. Ở cấp Trung học cơ sở, có các môn tích hợp như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp… Đồng thời, giáo dục STEM (môn học tích học giữa Khoa học - Công nghệ - Kỹ thuật - Toán học) được đặt ra cho cả ba cấp Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông. Kể từ khi chuyển sang dạy học tích hợp, giáo viên thay vì cung cấp thông tin bằng cách đưa ra câu trả lời cho học sinh, thì giờ dây, thầy cô cần phải đặt nhiều câu hỏi hơn để điều phối qua trình tìm hiểu thông tin của học trò. Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều trường học vẫn gặp không ít khó khăn khi triển khai dạy các môn tích hợp.

Cô Nguyễn Thị Kiều Anh - Tổ trưởng tổ Khoa học tự nhiên, Trường Liên cấp Tiểu học và THCS Ngôi sao Hà Nội (Hà Nội) - chia sẻ, hiện tại, các môn Hoá học, Vật lí và Sinh học được tích hợp thành môn Khoa học tự nhiên, điều này đồng nghĩa, giáo viên không chỉ am hiểu kiến thức 1 môn mà phải nâng cao kiến thức rộng hơn, ở cả 3 lĩnh vực. Để gỡ khó trong dạy học môn tích hợp, cô Kiều Anh cho rằng, mỗi thầy cô giáo phải thay đổi tư duy, phương pháp giảng dạy, phải nắm rõ chương trình, mục tiêu, chuẩn đầu ra của môn học có như thế mới khơi dậy được sự hứng thú trong tập của học sinh.

Tập huấn và đào tạo mới giáo viên đáp ứng yêu cầu giảng dạy tích hợp

Nhìn lại quá trình đào tạo giáo viên của các trường đào tạo sư phạm thì có thể thấy  tư duy đơn môn còn ảnh hưởng đến đào tạo giáo viên tích hợp, đa môn. Một ví dụ là từ năm 2005, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên mở mã ngành đào tạo giáo viên Trung học cơ sở trình độ đại học chính quy, với thời gian đào tạo 4 năm. Nhưng đến năm 2011, hệ đào tạo này đã dừng tuyển sinh và đến năm 2014, Khoa Giáo dục Trung học cơ sở của trường này chính thức giải thể.

Để đội ngũ giáo viên có thể đáp ứng được yêu cầu giảng dạy liên môn, tích hợp theo Chương trình GDPT 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã xây dựng các chương trình tập huấn, thành tựu công nghệ thông tin đã được áp dụng triệt để để có thể tập huấn một cách hiệu quả nhất cho đội ngũ giáo viên toàn quốc. Cùng với đó, các địa phương và các nhà trường cũng chủ động tập huấn, chuẩn hoá đội ngũ giáo viên về phương pháp giảng dạy môn tích hợp. Từ góc độ triển khai thực tế, lãnh đạo một số Sở GDĐT đã có những trao đổi, thảo luận, nêu khó khăn, vướng mắc, cũng như giải pháp trong qua trình triển khai nôn học tích hợp và hoạt động giáo dục tại các địa phương. Phó Giám đốc Sở GDĐT Hải Phòng Đỗ Văn Lợi chia sẻ: Sở đã xây dựng đề án bồi dưỡng giáo viên trình Ủy ban nhân dân tỉnh. Trong đó, Sở GDĐT phối hợp với các trường đại học bồi dưỡng cho các giáo viên để một giáo viên có thể đáp ứng được dạy nhiều nội dung trong các môn học. Bên cạnh đó, để giáo viên có thể thực hành, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã tổ chức các hội nghị chuyên đề cấp thành phố nhằm cung cấp, thực hiện phương pháp dạy học mẫu. Sau mỗi hội nghị, tiếp tục triển khai rút kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp thực tế nếu có khó khăn, vướng mắc, kịp thời tháo gỡ.

Cùng với đó, việc đào tạo và bồi dưỡng giáo viên của các trường đào tạo sư phạm cũng cần thực hiện đa môn, tích hợp, vấn đề này đã thực sự trở nên cấp bách. Từ năm 2019, nhiều trường đã mở mã ngành đạo tạo giáo viên Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, bồi dưỡng giảng dạy khoa học tự nhiên cho giáo viên đang giảng dạy các môn đơn lẻ là Vật lý Hoá học, Sinh học; Bồi dưỡng giảng dạy lịch sử và địa lý ở các trường Trung học cơ sở. Việc đào tạo giáo viên tích hợp và đa môn ở trường đại học sư phạm không chỉ đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018 mà còn đáp ứng yêu cầu ở các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông có quy mô nhỏ đòi hỏi giáo viên không chi dạy một môn mà phải dạy 2 đến 3 môn. Mặt khác, ở cấp trung học phổ thông, việc học của học sinh sẽ có 7 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc và tự chọn thêm 4 môn trong các môn Vật lý, Hoá học, Sinh học, Tin học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ, Âm nhạc, Mỹ thuật. Điều này dẫn đến giáo viên một số môn như Vật lý, Hoá học, Sinh học, Công nghệ, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học sẽ ít học sinh lựa chọn và dẫn đến thừa giáo viên. Những giáo viên này phải dạy giáo dục địa phương hoặc tổ chức hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp – những chuyên môn mà không được đào tạo. Vì vậy, việc đào tạo giáo viên ở trường đại học sư phạm, ngoài hai môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở, cần theo hướng ghép môn như Vật lý – Hoá học; Hoá học – Sinh học; Ngữ văn – Giáo dục công dân, Lịch sử – Địa lý; Tin học – Công nghệ…, trong đó, môn thứ nhất đào tạo chính, môn thứ hai yêu cầu sinh viên học một số tín chỉ nhất định. Khi đó, trường đại học sư phạm cấp chứng  chỉ môn học thứ hai và Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép trường Trung học phổ thông bố trí giáo viên dạy hai môn nếu họ có chứng chỉ bồi dưỡng môn thứ hai do trường đại học sư phạm cấp.

Việc đào tạo giáo viên dạy đa môn, tích hợp không chỉ là yêu cầu cấp bách để triển khai thành công Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 mà còn là giải pháp để xây dựng một đội ngũ giáo viên linh hoạt, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của thực tiễn giáo dục. Để đạt được mục tiêu này, cần sự phối hợp đồng bộ từ các cơ quan quản lý giáo dục, các trường đại học sư phạm, và các địa phương trong việc nâng cấp chương trình đào tạo, mở rộng mã ngành tích hợp, và triển khai các chương trình bồi dưỡng chuyên môn. Quan trọng hơn, việc đổi mới tư duy và phương pháp giảng dạy của đội ngũ giáo viên hiện tại cần được thúc đẩy thông qua tập huấn chuyên sâu, ứng dụng công nghệ thông tin và các hình thức học tập chủ động. Sự kết hợp giữa đào tạo bài bản và thực hành giảng dạy thực tế sẽ giúp giáo viên không chỉ nâng cao năng lực chuyên môn mà còn tạo được sự hứng thú, khơi dậy tư duy sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề cho học sinh. Chương trình GDPT 2018 là bước chuyển lớn trong giáo dục Việt Nam, hướng đến phát triển toàn diện năng lực người học. Để thành công, giáo viên – những người giữ vai trò then chốt trong việc thực thi chương trình - cần được trang bị đầy đủ cả về chuyên môn và kỹ năng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội hiện đại.

Hiền Kim

Bạn đang đọc bài viết Đào tạo giáo viên dạy đa môn đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018 tại chuyên mục Thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn