Chuẩn hoá đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018

Từ năm học 2020-2021, Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 được thực hiện, trong đó một trong những yêu cầu là đội ngũ cán bộ, giáo viên phải được đào tạo, chuẩn hoá để đáp ứng yêu cầu giảng dạy của Chương trình GDPT 2018. Những năm qua, mặc dù đội ngũ giáo viên trên cả nước có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu đổi mới.

Giáo viên giữ vai trò then chốt trong thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Đội ngũ giáo viên căn bản đáp ứng yêu cầu đổi mới

Trong những năm qua, Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương trong việc chuẩn bị, bố trí, sắp xếp và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên thực hiện Chương trình GDPT 2018. Đến nay, về cơ bản đội ngũ giáo viên đáp ứng được yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018. Trong bối cảnh đổi mới chương trình giáo dục phổ thông thì vai trò của người giáo viên cũng có những thay đổi theo hướng đảm nhận nhiều chức năng hơn, trách nhiệm lựa chọn nội dung giáo dục nặng nề hơn. Giáo viên phải chuyển từ cách truyền thụ tri thức sang cách tổ chức cho học sinh chiếm lĩnh tri thức. Coi trọng dạy học phân hóa cá nhân, biết sử dụng tối đa những nguồn tri thức trong xã hội, biết sử dụng công nghệ thông tin, phương tiện kỹ thuật dạy học, tự học để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Theo thông tin từ Bộ GDĐT sau khi Bộ Chính trị bổ sung 65.980 biên chế giai đoạn 2022-2026 cho ngành giáo dục, Bộ GDĐT đã phối hợp Bộ Nội vụ hướng dẫn địa phương thực hiện việc tuyển dụng và quản lý, sử dụng số biên chế được giao; riêng năm học 2023-2024, các địa phương tuyển dụng được 19.474 giáo viên. Đáng chú ý, Bộ GDĐT cũng ban hành thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập, với nhiều điểm mới, tạo thuận lợi trong nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Đến nay, đội ngũ giáo viên phát triển về số lượng, khắc phục dần những bất cập về cơ cấu; kết thúc năm học 2023-2024, cả nước có 1.251.377 giáo viên mầm non, phổ thông; tỷ lệ đạt chuẩn được đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 của giáo viên giáo dục mầm non là 89,3%, cấp tiểu học là 89,9%, THCS 93,8%, THPT 99,9%.

Mặc dù đạt được những kết quả tích cực nhưng so với yêu cầu đổi mới giáo dục thì hiện nay vẫn thiếu giáo viên cục bộ ở hầu hết các địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn học mới (các môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật). Cơ cấu đội ngũ giáo viên mất cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế-xã hội khác nhau; chỉ tiêu phân bổ giáo viên cho các địa phương đa số thấp hơn so với nhu cầu thực tế. Một bộ phận nhỏ giáo viên ngại đổi mới, chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của công tác bồi dưỡng thường xuyên…

Chuẩn hoá đội ngũ nhà giáo – yêu cầu tiên quyết để thực hiện thàn công CT GDPT 2018

Đội ngũ giáo viên là một trong những yếu tố quyết định việc thực hiện thành công đổi mới giáo dục và đào tạo. Những năm qua, mặc dù đội ngũ giáo viên trên cả nước có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Năm học 2024-2025, ngành giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho lớp 5, 9, 12 là những khối lớp cuối cùng để thực hiện đổi mới đầy đủ, đồng bộ các môn học, hoạt động giáo dục phổ thông nên càng đòi hỏi phải xây dựng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng.

Đáng chú ý, Bộ GDĐT cũng ban hành thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập, với nhiều điểm mới, tạo thuận lợi trong nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Ngành giáo dục và các địa phương đã triển khai công tác bồi dưỡng thường xuyên giáo viên mầm non, phổ thông theo đúng quy định. Năng lực sư phạm của phần lớn giáo viên được nâng lên, từng bước đáp ứng được yêu cầu đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, nhất là trong triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Sở GDĐT Sơn La thì với một tỉnh đặc thù có đông đồng bào dân tộc thiểu số như Sơn La, việc quan tâm phát triển đội ngũ nhà giáo người dân tộc thiểu số đảm bảo đủ số lượng, cơ cấu sẽ góp phần quan trọng trong việc thực hiện thành công Chương trình GDPT 2018. Cùng với đó phải quan tâm đào tạo, chuẩn hoá đội ngũ giáo viên các cấp đáp ứng yêu cầu của chương trình mới. “Tiếp tục triển khai lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên các cấp học, trong đó có giáo viên đứng lớp ở 3 khối cuối cấp các bậc học. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng để đội ngũ cán bộ, giáo viên đáp ứng chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục và yêu cầu về điều kiện bồi dưỡng để đứng lớp thực hiện Chương trình GDPT theo quy định của Bộ GD&ĐT. Bồi dưỡng theo chương trình phát triển các trường sư phạm, nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở GDPT (chương trình ETEP); bồi dưỡng đại trà tại tỉnh đảm bảo hiệu quả. Tập huấn sử dụng sách giáo khoa, đổi mới phương pháp dạy học. Chú trọng bồi dưỡng giáo viên về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá ở tất cả các cấp học phổ thông, tạo sự chuyển biến thực chất về năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, đảm bảo triển khai tốt Chương trình GDPT”, ông Nguyễn Huy Hoàng cho biết thêm.

Đối với tỉnh Bắc Giang, toàn tỉnh có 30.250 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên các cấp/bậc học. Tỉ lệ giáo viên/lớp ở mầm non đạt 1,96; tiểu học đạt 1,4; THCS 2,0; THPT đạt 2,2. Theo Luật Giáo dục 2019, giáo viên có trình độ đào tạo từ đạt chuẩn trở lên là 89,55% (trong đó cấp THPT đạt 100%, THCS đạt 90,95%, Tiểu học đạt 76,33%, bậc Mầm non đạt 99,35%). Trong năm học 2022-2023, toàn tỉnh tuyển mới 442 chỉ tiêu giáo viên, trong đó mầm non 63, tiểu học 283, THCS 62, THPT 33, trường chuyên nghiệp 01; công tác rà soát, sắp xếp đội ngũ đảm bảo đủ tỷ lệ và cân đối về cơ cấu bộ môn chuẩn bị cho năm học mới, đặc biệt ưu tiên bố trí đủ GV thực hiện đổi mới chương trình lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10. Để đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018, thì ngành giáo dục tỉnh Bắc Giang cùng với kế hoạch tuyển dụng mới cũng xây dựng kế hoạch và tổ chức bồi dưỡng, đạo tạo, đào tạo lại và nâgn trình độ chuẩn cho đội ngũ nhà giáo. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để làm tốt việc bồi dưỡng thường xuyên giáo viên theo các quy định. Phấn đấu đến năm 2025, 100% đội ngũ nhà giáo và CBQL đạt chuẩn về trình độ đào tạo và đến năm 2030, 20% đội ngũ nhà giáo và CBQL đạt trên chuẩn về trình độ đào tạo.

Đội ngũ giáo viên là yếu tố cốt lõi quyết định sự thành công của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác tuyển dụng, đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, song ngành giáo dục vẫn đối mặt với không ít thách thức, đặc biệt là tình trạng thiếu giáo viên cục bộ và bất cập về cơ cấu đội ngũ ở nhiều địa phương. Trong thời gian tới, để hoàn thành lộ trình đổi mới toàn diện giáo dục phổ thông, ngành giáo dục cần tiếp tục chú trọng triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Các địa phương cần linh hoạt trong công tác tuyển dụng, đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, đặc biệt là đối với các môn học mới và các khu vực đặc thù. Bên cạnh đó, cần khuyến khích đội ngũ nhà giáo đổi mới tư duy, nâng cao năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá. Sự chuẩn hóa đội ngũ giáo viên không chỉ là một nhiệm vụ, mà còn là yêu cầu tiên quyết để xây dựng một nền giáo dục hiện đại, chất lượng, đáp ứng kỳ vọng của xã hội và góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Bài và ảnh: Hiền Kim

Bạn đang đọc bài viết Chuẩn hoá đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018 tại chuyên mục Thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn