Triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 hiệu quả tại địa phương

Năm học 2024-2025, Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 được triển khai thực hiện đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Như vậy, đến thời điểm này, Chương trình đã được triển khai ở tất cả các cấp học phổ thông. Những năm qua, việc triển khai chương trình đã tạo được niềm tin trong giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh và toàn xã hội.

Tập trung đáp ứng điều kiện đảm bảo thực hiện Chương trình

Trải qua một số khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu, giờ đây, tại Trường Tiểu học Dân Tiến (Khoái Châu, Hưng Yên), giáo viên đã linh hoạt, chủ động hơn với phương thức dạy học; học sinh mạnh dạn, tự tin trong học tập. Cô giáo Đào Thị Thanh Tâm, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Từ khi được tiếp cận với chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh có sự thay đổi về nhận thức, chủ động tiếp cận, lĩnh hội kiến thức. Nhiều em đã bộc lộ được các khả năng tư duy vượt trội của bản thân ở từng môn học như Toán, tiếng Việt, tiếng Anh, Âm nhạc. Còn đối với đội ngũ giáo viên của nhà trường, các thầy cô đã chủ động tìm các phương pháp giáo dục hiện đại, gắn với thực tiễn cuộc sống, gần gũi và hấp dẫn, tạo điều kiện cho học sinh phát triển năng lực giải quyết vấn đề.

Giáo viên, học sinh chủ động và sẵn sàng đổi mới đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018. (Ảnh: Hải Nguyễn)

Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Bình Định Đào Đức Tuấn cho hay, hiện nay, các cơ sở giáo dục đã chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường trên cơ sở khung thời gian của năm học, bảo đảm thực hiện Chương trình GDPT 2018 hiệu quả, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện thực hiện của mỗi nhà trường, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của năm học. Việc tổ chức dạy học các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc, môn học tự chọn; bố trí thời gian thực hiện chương trình đảm bảo tính khoa học, sư phạm, không gây áp lực đối với học sinh; đảm bảo cuối năm học đạt được yêu cầu cần đạt theo quy định của chương trình; tạo môi trường cho học sinh được trải nghiệm, vận dụng các kiến thức đã học, phát huy năng lực đã đạt được trong chương trình các môn học, hoạt động giáo dục vào thực tiễn. Đa số các nhà trường, tổ chuyên môn đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh phù hợp với kế hoạch giáo dục từng môn học, hoạt động giáo dục của nhà trường theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm quản lý kết quả giáo dục và học tập của học sinh để giảm áp lực về hồ sơ, sổ sách, dành nhiều thời gian cho giáo viên quan tâm đến học sinh và đổi mới phương pháp dạy học.

Việc phát hành sách giáo khoa, tài liệu tham khảo được các nhà sách trên địa bàn tỉnh đảm bảo cung ứng sách giáo khoa, sách bài tập, tài liệu tham khảo, tất cả học sinh đều mua được sách giáo khoa, các đơn vị trường học trực thuộc không có trường hợp học sinh nào không có sách giáo khoa để học. Đồng thời các nhà cung ứng có chính sách hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh nghèo, học sinh thuộc diện chính sách để xây dựng tủ sách dùng chung trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Về đội ngũ giáo viên, tỉnh đã được bổ sung về số lượng, được quan tâm nhiều đến cơ cấu và chất lượng. Công tác bồi dưỡng được thực hiện một cách chủ động, nội dung bồi dưỡng thiết thực, hiệu quả. Do đó, khi thực hiện chương trình mới giáo viên hoàn toàn chủ động xử lý các vấn đề mới phát sinh, không bỡ ngỡ, lúng túng. Về cơ sở vật chất cũng đã được các địa phương quan tâm đầu tư, đa số các cơ sở giáo dục tiểu học có đủ phòng học để dạy học 2 buổi/ngày. Trang thiết bị được mua sắm bổ sung, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng giáo dục.

Linh hoạt, phát huy tính chủ động, sáng tạo

Tại Trường Trung học Cơ sở Trần Quốc Toản (Thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh), cô giáo Nguyễn Phương Lan, Tổ trưởng môn Khoa học Tự nhiên cho biết: Để bám sát mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đội ngũ giáo viên nhà trường đã lập nhóm, thường xuyên trao đổi, lên kế hoạch chung để giải quyết các khó khăn, vướng mắc ở ba phân môn khi triển khai môn học này. Giáo viên bộ môn chủ động và sẵn sàng đổi mới nên bảo đảm được nội dung, thời lượng chương trình môn học. Ngoài ra, nhà trường cũng chú trọng sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, đồng thời đề ra giải pháp cụ thể để tổ chức tốt các hoạt động học tập. Theo cô Lan, việc đổi mới là không dễ dàng, đòi hỏi giáo viên phải nỗ lực, phấn đấu không ngừng.

Thầy Đào Quang Thanh, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, huyện Đắk Glong trao đổi: Nội dung sách giáo khoa, chương trình GDPT mới phù hợp với thực tiễn của nhà trường, địa phương. Cấu trúc chương trình, sách giáo khoa đảm bảo tính logic, phù hợp đặc thù của mỗi môn học, lứa tuổi học sinh. Đội ngũ giáo viên chuyên ngành, tổ chuyên môn, giáo viên phụ trách các môn học mới được tập huấn, bồi dưỡng modul, về sách giáo khoa, triển khai các môn học. Nội dung và hình thức sách giáo khoa mới có nhiều thực hành, thực tiễn, thiết kế sáng tạo, mới mẻ, khơi dậy tinh thần chủ động học tập của học sinh. Thông qua đó, học sinh được mở rộng kiến thức về xã hội và bản thân.

Năm học 2024 – 2025, Trường Trung học Cơ sở Hải Lý (Hải Hậu) có 19 lớp học với 39 cán bộ, giáo viên, nhân viên và 844 học sinh. Cô Lê Thị Hằng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để đáp ứng nhu cầu đổi mới về dạy và học theo đúng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018, nhà trường xây dựng kế hoạch học tập bài bản, chỉn chu trước khi bước vào năm học mới. Cơ sở vật chất cũng được rà soát, tu sửa để đảm bảo thực hiện đầy đủ chức năng của các phòng học theo yêu cầu của chương trình. 100% số giáo viên của trường đã tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn do Sở GDĐT, Phòng GDĐT tổ chức về chương trình GDPT 2018, cập nhật những kiến thức mới trong cả công tác quản lý và công tác chuyên môn.  

Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Đắk Nông Phan Thanh Hải cho biết, trong những năm qua, UBND tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo Sở GDĐT tổ chức nghị cán bộ chủ chốt ngành giáo dục để quán triệt, triển khai thực hiện và chỉ đạo tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành về quan điểm đổi mới chương trinh sách giáo khoa. Đồng thời, ngành giáo dục đã phối hợp với các cơ quan báo, đài tuyên truyền trong nhân dân, nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Căn cứ các văn bản hướng dẫn của Bộ GDĐT, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, đảm bảo yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương và cơ sở giáo dục; phát huy tính chủ động, sáng tạo của tổ chuyên môn và giáo viên trong việc thực hiện chương trình; khai thác, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới.

Để triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Sở GDĐT đã ban hành các văn bản nhằm hướng dẫn, triển khai bồi dưỡng đội ngũ, giáo viên, cán bộ quản lý thực hiện Chương trình GDPT 2018 trên địa bàn tỉnh theo các văn bản hướng dẫn của Bộ GDĐT. Chỉ đạo tổ chức các đợt tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, chuyên đề bộ môn cho cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học. Về cơ sở vật chất, trang thiếu bị dạy học, các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Đắk Nông cơ bản đáp ứng đủ 01 phòng học/ lớp. Các trường đã bố trí, sắp xếp linh họat các phòng học bộ môn, thí nghiệm thực hành, thư viện, thiết bị giáo dục… để đảm bảo quá trình dạy và học theo chương trình GDPT mới.

Theo Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn, qua lộ trình 4 năm triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 gặp rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành giáo dục đã vượt qua, đạt được nhiều kết quả tích cực. Quá trình tổ chức dạy học theo Chương trình mới đã phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên. Tuy nhiên, bên cạnh việc giao thêm quyền tự chủ cho lãnh đạo trường học, giáo viên thì hình thức hỗ trợ, giám sát cũng cần được các cấp quản lý tăng cường nhằm nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới của chương trình. Các tỉnh khó khăn cần áp dụng Chương trình mới một cách chủ động và tích cực hơn, có kế hoạch để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên một cách bền vững, lâu dài, nhất là giáo viên môn Tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật. Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, năm học 2024-2025 có nhiều hoạt động mang tính chất tổng kết đối với các cấp học, cho nên cần có đánh giá lại quá trình thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, từ hệ thống sách giáo khoa đến phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá… để từ đó bước vào giai đoạn đổi mới theo chiều sâu được tốt hơn

Minh Phong

Bạn đang đọc bài viết Triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 hiệu quả tại địa phương tại chuyên mục Thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn