Nhiều thách thức lớn đang đặt ra trong nâng cao chất lượng giáo dục đại học

Với vai trò đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển đất nước, giáo dục đại học luôn đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân. Trong tiến trình đổi mới và phát triển, giáo dục đại học đã đạt được nhiều thành tựu không nhỏ, song vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại. Vì vậy, nâng cao chất lượng giáo dục đại học đang là một bài toán đặt ra với nhiều thách thức.

Đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận

Theo báo cáo giáo dục đại học năm 2024 của Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2024, số thí sinh dự thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) trên cả nước là 1.071.393. Hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GDĐT ghi nhận tổng số hơn 733.000 thí sinh đã nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển, tương đương 68,5% so với số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Tỷ lệ tuyển sinh đại học chính quy đạt 82,9%, tỷ lệ tuyển sinh thạc sĩ đạt 56,89%, tỷ lệ tuyển sinh tiến sĩ đạt 47,16%.

Công tác tuyển sinh ngày càng đảm bảo khách quan, công bằng, bình đẳng, thuận tiện hơn cho cả cơ sở đào tạo và thí sinh, giúp tiết kiệm nguồn lực xã hội, đồng thời góp phần đánh giá đúng năng lực của thí sinh vào các ngành đào tạo, ngày càng minh bạch hơn về nguồn tuyển và chất lượng nguồn tuyển. Việc thực hiện chuyển đổi số trong toàn hệ thống và ở tất cả các khâu trong tuyển sinh là một điểm sáng, mang lại lợi ích lớn cho người học, thí sinh và người dân, đồng thời giảm chi phí cho toàn xã hội. Quy trình tuyển sinh được cải tiến liên tục, đảm bảo tính khoa học và hiệu quả, từ việc áp dụng công nghệ thông tin đến việc nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ thí sinh.

Công tác đào tạo và đảm bảo chất lượng ngày càng được chú trọng, cải thiện rõ rệt về chất. Đội ngũ giảng viên được gia tăng cả về số lượng và chất lượng, với sự cạnh tranh lành mạnh để thu hút nhân tài trong hệ thống. Năm 2024, số lượng đội ngũ giảng viên toàn thời gian là 91.297 người, cao hơn so với những năm trước. Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, giảng viên là giáo sư, phó giáo sư tại các cơ sở giáo dục đại học ngày một tăng.

Hoạt động nghiên cứu khoa học được chú trọng, các công trình nghiên cứu ngày càng hướng theo chất lượng thực chất; đóng góp của các cơ sở giáo dục đại học trong công bố khoa học cả trong nước và quốc tế vẫn luôn chiếm vị thế chủ đạo. Thứ hạng của các cơ sở giáo dục đại học và ngành đào tạo của Việt Nam ngày càng được ghi nhận trên bản đồ giáo dục đại học thế giới.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hiện nay trong hoạt động của giáo dục đại học còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại. Theo đó, Chất lượng đào tạo mặc dù đã được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trình độ cao và yêu cầu phát triển kinh tế tri thức trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Đa số cơ sở giáo dục đại học chỉ tập trung chủ yếu vào hoạt động đào tạo, đặc biệt là đào tạo đại học, chưa quan tâm đầu tư thỏa đáng cho đào tạo sau đại học gắn với nghiên cứu khoa học. Công tác đào tạo chưa gắn kết chặt chẽ, thường xuyên với yêu cầu sử dụng lao động và nhu cầu xã hội. Việc đầu tư ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học đang theo xu hướng giảm trong những năm gần đây, nhiều cơ sở giáo dục đại học công lập không có đủ nguồn tài chính cần thiết để bù đắp chi phí đào tạo và tái đầu tư để nâng cao chất lượng đào tạo. Công tác xã hội hóa giáo dục chưa đạt được nhiều kết quả, nhất là ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Trong năm học 2024-2025, khối giáo dục đại học tiếp tục đẩy mạnh triển khai, hoàn thành tốt các nhiệm vụ. Huy động mọi nguồn lực để nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng đào tạo và nghiên cứu trong toàn hệ thống. Chuẩn bị tốt các tiền đề cho giai đoạn phát triển mới của giáo dục đại học, thực hiện đột phá chiến lược về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực, ngành trọng điểm.

Trong năm học 2024-2025, khối giáo dục đại học tiếp tục đẩy mạnh triển khai, hoàn thành tốt các nhiệm vụ. (Ảnh: Khánh Linh)

Tập trung cải thiện chất lượng

PGS.TS Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, đổi mới sáng tạo đang trở thành yếu tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của các trường đại học trong nước và trên thế giới. Là một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao hàng đầu cả nước, Đại học Quốc gia Hà Nội đang định hướng phát triển theo mô hình đại học đổi mới sáng tạo để nâng cao vị thế và kiến tạo giá trị mang bản sắc Đại học Quốc gia Hà Nội, đóng góp cho sự phồn thịnh của xã hội. Trong thời gian qua, đơn vị đã thực hiện nhiều giải pháp, chính sách và hướng đi phù hợp trong quá trình xây dựng đại học đổi mới sáng tạo ở Đại học Quốc gia Hà Nội đã giúp giải phóng sức sáng tạo to lớn của đội ngũ cán bộ, giảng viên, sinh viên; đồng thời, phát huy nguồn trí tuệ và tâm huyết của đội ngũ nhà khoa học để tạo thành sức mạnh và năng lượng cho phát triển, đặc biệt là trong khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tại Trường Đại học Hạ Long, năm học này, Trường tuyển sinh 3 ngành trình độ thạc sĩ, 22 ngành trình độ đại học, 2 ngành trình độ cao đẳng và 5 ngành trình độ trung cấp. Tiến sĩ Lê Anh Tú, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Hạ Long cho biết: Đây là 1 năm có số lượng thí sinh trúng tuyển nhập học cao nhất từ trước đến nay. Ở các hệ đào tạo thạc sĩ và liên thông đại học, nhà trường đang tiến hành tuyển sinh từ nay đến cuối năm. Về cơ sở vật chất phục vụ cho việc đào tạo, giảng dạy, nhà trường đã cơ bản được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Hệ thống phòng học, giảng đường có thể đáp ứng tốt cho quy mô 8.000 người học. Đội ngũ hiện tại có 298 cán bộ, giảng viên, nhân viên, trong đó có 46 phó giáo sư, tiến sĩ, 194 thạc sĩ. Ngoài các giảng viên là cán bộ cơ hữu, mỗi năm, nhà trường có từ 200 đến 300 lượt giảng viên thỉnh giảng, chuyên gia từ các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước tham gia giảng dạy. Trong năm học 2024-2025, Trường Đại học Hạ Long sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong đào tạo, tổ chức thực tập, thực tế và đánh giá người học. Các hoạt động này sẽ góp phần quan trọng giúp người học tiếp cận thực tế, vận dụng các kiến thức đã được học vào thực tiễn và rèn luyện kĩ năng chuyên môn, nghiệp vụ.

Nâng cao chất lượng giáo dục đại học bằng cách áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý và giảng dạy, theo TS Đoàn Thị Như Hoa, giảng viên Khoa Du lịch Trường Đại học Phú Yên, càng ngày công nghệ càng được ứng dụng mạnh mẽ trong môi trường giáo dục. Việc giảng viên và sinh viên sử dụng hệ thống MS Teams, Google Meet, tương tác trên Zoom, Zalo… đã trở nên quen thuộc. Trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng 4.0, các cơ sở giáo dục, đặc biệt là cấp đại học bắt buộc phải có những thay đổi và chuyển từ đào tạo tiếp cận nội dung sang đào tạo tiếp cận năng lực. Thực tế cho thấy, để có thể hòa nhập và thành công trong thời đại 4.0, ngoài trình độ chuyên môn, cả giảng viên và sinh viên đều cần trang bị những kỹ năng thiết yếu khác; không chỉ hình thành tư duy sáng tạo, kỹ năng giao tiếp mà còn sử dụng thành thạo các phần mềm về công nghệ thông tin trong học tập và giảng dạy, chủ động thích ứng với bối cảnh đổi mới.

Nhiều thách thức, nhiều kỳ vọng

Nhấn mạnh từ khóa “chất lượng” tại Hội nghị giáo dục đại học năm 2024, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, chất lượng vừa là điểm nhấn, vừa là vấn đề cần bàn, cũng là vấn đề cần lưu ý trong thời gian tới. Chúng ta thực hiện và tăng cường tự chủ cũng vì chất lượng, đổi mới cũng vì chất lượng. Bộ trưởng phân tích nhiều thách thức lớn đang đặt ra với giáo dục đại học. Theo đó, thách thức đầu tiên là sự cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu đối với giáo dục đại học. Đó là cạnh tranh trong thu hút giảng viên, thu hút người học, cạnh tranh xếp hạng, thu hút đầu tư và cả ảnh hưởng xã hội. “Chúng ta chấp nhận cạnh tranh và coi đó là điều đốc thúc chúng ta phát triển, đổi mới, gia tăng chất lượng”.

Thách thức từ sự kỳ vọng, sự giao phó, trông đợi của Đảng, Nhà nước, nhân dân, doanh nghiệp, xã hội với giáo dục đại học ngày càng lớn. “Chúng ta được tin tưởng, xác định và định vị là quốc sách hàng đầu, là đột phá chiến lược, là giải pháp quan trọng giúp bứt phá về kinh tế - xã hội. Kỳ vọng ngày càng lớn là một áp lực”, Bộ trưởng chia sẻ. Thách thức của việc cung cấp nguồn nhân lực ngày càng nhiều, đa dạng và yêu cầu chất lượng ngày càng cao cho một nền kinh tế có nhiều điểm đặc thù như kinh tế của Việt Nam; thách thức trong cung cấp nhân lực công nghệ cao, gần đây là nguồn nhân lực công nghệ bán dẫn, cũng là những vấn đề được Bộ trưởng đề cập. Nhắc đến thách thức phải đáp ứng nhu cầu của người học ngày càng gia tăng về số lượng và yêu cầu ngày càng cao về chất lượng; thách thức giữa kỳ vọng và yêu cầu cao, nhưng đầu tư còn rất khiêm tốn, Bộ trưởng đồng thời nhấn mạnh thách thức trực diện trong đẩy mạnh tự chủ thời gian tới, gồm đẩy mạnh chiều sâu của tự chủ và điều chỉnh cả mục tiêu của tự chủ. Về triển khai tự chủ, Bộ trưởng lưu ý các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục hoàn thiện văn bản quy định nội bộ, quy chế nội bộ. Bộ GDĐT sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra việc này. Các nhà trường cũng cần xây dựng và hoàn thiện các đề án tự chủ theo quy định mới, tăng cường một số nội dung chủ yếu về vấn đề bộ máy và các yếu tố khác liên quan.

Đối với thách thức tuyển sinh, trong đó có vấn đề xét tuyển sớm, Bộ trưởng chia sẻ: Chúng ta đang đứng trước thách thức đổi mới công tác tuyển sinh để hô ứng với toàn bộ đổi mới từ giáo dục phổ thông đến giáo dục đại học. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có nhiều đổi mới. Các trường đại học cần có trách nhiệm hơn với giáo dục phổ thông, tạo sự công bằng cho thí sinh trong cơ hội học tập. Về quy hoạch mạng lưới các trường đại học, trường sư phạm sẽ sớm được ban hành, triển khai thực hiện quy hoạch có thể có những biến động trong sắp xếp hệ thống các trường, Bộ trưởng mong muốn các trường đại học đón nhận với tinh thần đổi mới và tinh thần trách nhiệm đối với ngành, với xã hội.                                                                                                                

Minh Phong

Bạn đang đọc bài viết Nhiều thách thức lớn đang đặt ra trong nâng cao chất lượng giáo dục đại học tại chuyên mục Thông tin tuyên truyền của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19