Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm hoàn thành mục tiêu xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam trong giai đoạn mới

Bên cạnh những thành tựu, xây dựng xã hội học tập (XHHT), hiện nay vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định cần có những định hướng mới với những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, tập trung để hoàn thành được các mục tiêu xây dựng XHHT, tạo đột phá chiến lược về giáo dục và đào tạo, nhất là trong kỷ nguyên công nghệ số, chuyển đổi số toàn cầu hiện nay. Dưới đây là bài viết của TS. Lê Thị Mai Hoa - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương về vấn đề này.

Lê Thị Mai Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục,

Ban Tuyên giáo Trung ương

Trong giai đoạn mới với sự phát triển của một số công nghệ mang tính đột phá trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (trí tuệ nhân tạo-AI, mạng 5G,..) đưa đến những ngành, nghề mới, xuất hiện nhiều kỹ năng mới đòi hỏi phải có ở người lao động để có thể cạnh tranh về chất lượng nguồn nhân lực với các quốc gia trên thế giới và đồng thời đặt ra cho các ngành, nghề truyền thống phải chuyển đổi, phù hợp với nền kinh tế tri thức và đổi mới sáng tạo. Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đang là xu thế toàn cầu, thúc đẩy đổi mới giáo dục theo hướng chất lượng, hiệu quả, phát triển bền vững. Việt Nam không thể đứng ngoài các yêu cầu, xu thế phát triển đó. Hệ thống giáo dục chậm đổi mới về nội dung, phương pháp dạy học, tổ chức hoạt động giáo dục, đào tạo so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Giáo dục người lớn, học tập suốt đời thiếu hành lang pháp lý cần có cơ chế, chính sách bảo đảm thực hiện… Bởi vậy, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT, cần có những định hướng mới với những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, tập trung để hoàn thành được các mục tiêu xây dựng XHHT đến năm 2030, tạo đột phá chiến lược về giáo dục và đào tạo, tạo nguồn nhân lực, xây dựng con người xã hội chủ nghĩa, yếu tố cốt lõi quyết định sự phát triển của đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong giai đoạn mới, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên vươn mình, kỷ nguyên giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Thứ nhất, Nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và thực hiện đầy đủ, sâu sắc quan điểm về vị trí, vai trò, tác động, sự cần thiết, lợi ích của học tập suốt đời, là con đường tất yếu để mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng phát triển bền vững, thích ứng với những thay đổi của cuộc sống và xã hội. Xây dựng XHHT là tạo cơ hội thuận lợi nhất cho người dân được tiếp cận công bằng với hệ thống giáo dục mở, vận dụng những tri thức mới vào sản xuất và các hoạt động trong xã hội nhằm tăng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo, phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị tạo sự đồng thuận, thống nhất, tin tưởng, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân trong việc đẩy mạnh hiệu quả hơn nữa công tác tuyên truyền về mục tiêu, yêu cầu, nội dung của học tập suốt đời, giáo dục người lớn và xây dựng XHHT. Triển khai toàn diện, sâu rộng, chất lượng và hiệu quả phong trào thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời, xây dựng văn hóa học tập, yếu tố cốt lõi trong xây dựng những mô hình học tập trong xã hội của địa phương và cả nước trong giai đoạn mới.

Thực hiện nghiêm việc đưa các chỉ tiêu, tiêu chí về khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT vào nội dung đánh giá kết quả công tác hằng năm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, nhất là chỉ tiêu phấn đấu mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong cả nước và gia đình cán bộ đảng viên, gia đình nhà giáo trở thành thành công dân học tập, gia đình học tập, đơn vị học tập, nòng cốt trong việc xây dựng các mô hình học tập trong xã hội.

Thứ hai, Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo, xây dựng XHHT. Khẩn trương nghiên cứu xây dựng và ban hành Luật về học tập suốt đời, nhằm tạo khung pháp lý hiệu lực, hiệu quả để thực hiện thành công các mục tiêu về đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy cơ hội học tập thường xuyên, học tập suốt đời cho mọi người. Đồng thời đảm bảo tính nhất quán và kết nối, tương thích với hệ thống văn bản pháp luật hiện hành trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo và các lĩnh vực có liên quan.

Thứ ba, Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác quản lý, điều tra phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cho người lớn và tổ chức các hoạt động khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng XHHT. Nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cho người lớn nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, bảo đảm cho mọi công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ học tập, hoàn thành phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc. Chú trọng trang bị kiến thức và kỹ năng thiết yếu cho người mới biết chữ, duy trì và nâng cao tính bền vững đối với kết quả xoá mù chữ cho người lớn, chú trọng xoá mù chữ chức năng (công nghệ thông tin, tri thức cơ bản về chuyển đổi số…) tạo điều kiện cho người trong độ tuổi lao động kiến thức phong phú hơn, có hiểu biết sâu sắc hơn và có những kỹ năng cao hơn để có thể tự tạo việc làm hoặc chuyển đổi nghề nghiệp, thích ứng với những thay đổi của xã hội. Phát triển hệ thống giáo dục mở để tạo cơ hội học tập suốt đời và xây dựng XHHT, góp phần tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phát triển giáo dục thường xuyên, đa dạng về nội dung, phương thức tổ chức dạy và học, kết hợp với ứng dụng công nghệ giáo dục hiện đại, khai thác nguồn tài nguyên giáo dục mở, kho học liệu số dùng chung, các nền tảng dạy và học trực tuyến mở để mở rộng tiếp cận và nâng cao chất lượng học tập. Tập trung xây dựng và ban hành các quy định về đánh giá, bảo đảm chất lượng của giáo dục thường xuyên phù hợp với phát triển giáo dục mở.

Nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động các thiết chế giáo dục trong và ngoài nhà trường, các trung tâm học tập cộng đồng, các thiết chế văn hóa, chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân, xây dựng môi trường học tập thật sự lành mạnh. Phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa gia đình, nhà trường, xã hội tạo điều kiện để mọi người được tiếp cận giáo dục, học tập, học thường xuyên, học suốt đời, phù hợp với năng lực, hoàn cảnh của bản thân, xây dựng con người xã hội chủ nghĩa có tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mỹ cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chuyển đổi số quốc gia và hội nhập quốc tế. Triển khai thực hiện đánh giá, công nhận các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Đơn vị học tập”, “Cộng đồng học tập” theo quy định đảm bảo thiết thực, hiệu quả.

Thứ tư, Hoàn thiện cơ chế, chính sách đầu tư cho giáo dục và đào tạo, xây dựng XHHT trên tinh thần Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động sự tham gia, phối hợp hiệu quả của các tổ chức, cá nhân, toàn xã hội để thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước tạo nguồn lực cho phát triển công tác tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT trong giai đoạn mới. Ưu tiên đầu tư nguồn lực, quyết tâm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”, gồm có mục tiêu về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục (phấn đấu 90% các tỉnh, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, 100% các tỉnh, thành phố hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ em mẫu giáo, 70% các tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và 40% các tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3); tiếp đến là mục tiêu về trang bị năng lực cơ bản và trình độ của người dân (phấn đấu 70% người trong độ tuổi lao động được trang bị năng lực thông tin, 70% người trong độ tuổi lao động được trang bị kỹ năng sống,  60% dân số từ 15 tuổi trở lên được đào tạo trình độ chuyên môn kỹ thuật, trong đó, 15% dân số có trình độ đại học trở lên); kế tiếp là mục tiêu về hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong dạy và học, tổ chức các hoạt động giáo dục, đào tạo (phấn đấu 90% các trường đại học triển khai đại học số và xây dựng học liệu số, 80% các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục khác triển khai hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập trên môi trường số và 90% các trung tâm học tập cộng đồng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức hoạt động giáo dục) và cuối cùng là mục tiêu xây dựng thành công các mô hình học tập trong xã hội, xây dựng cả nước trở thành XHHT (trong đó có 60% công dân đạt danh hiệu công dân học tập, 50% các huyện được công nhận danh hiệu huyện học tập và 35% các tỉnh được công nhận danh hiệu tỉnh học tập).

Thứ năm, Hội Khuyến học Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong liên kết, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang, cơ sở giáo dục, các nhà trường… phát triển tổ chức hội, hội viên khuyến học ngày càng hiệu quả, thực chất, nhất là phát triển hội viên là đảng viên. Đề cao vai trò, trách nhiệm, giá trị của gia đình, dòng họ cùng với nhà trường trong việc nuôi dưỡng, giáo dục hình thành nhân cách, đạo đức, kỹ năng của công dân học tập, thành tố hạt nhân của XHHT, coi đây là nhiệm vụ quan trọng để thực hiện thành công việc xây dựng các mô hình học tập trong xã hội, xây dựng XHHT ở nước ta. Một XHHT là một xã hội với các đặc trưng quan trọng, trong đó mỗi cá nhân, tổ chức, đơn vị đều nỗ lực học tập để tự thay đổi theo hướng tích cực, để thích ứng và phát triển ngày càng bền vững; các tổ chức, cá nhân của nó có đủ khả năng cung ứng, đáp ứng mọi nhu cầu học tập thường xuyên, suốt đời, cần gì học nấy của mọi người dân; bảo đảm các cá nhân, tổ chức đều bình đẳng về cơ hội, quyền lợi, trách nhiệm trong việc học tập tự thân của mình, cũng như trong quá trình cung ứng cơ hội học tập suốt đời tới người khác và đồng thời mọi người dân đều được quyền tiếp cận công bằng, bình đẳng đối với một hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, và hiện đại. 

Thứ sáu, Đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với các tổ chức quốc tế và các nước có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục người lớn, học tập suốt đời, học tập từ xa, học tập trực tuyến, xây dựng XHHT, đặc biệt là các nước trong cộng đồng ASEAN. Tạo điều kiện thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức quốc tế đầu tư trí tuệ, nguồn lực tham gia phát triển công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Tích cực, chủ động tham gia mạng lưới “Thành phố học tập toàn cầu” (GNLC) do Tổ chức Văn hóa, Khoa học, Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) điều hành.

Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO là mạng lưới quốc tế bao gồm các thành phố thúc đẩy thành công việc học tập suốt đời trong cộng đồng để chia sẻ cảm hứng, bí quyết và phương pháp tốt nhất cho nhau. Trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới, khoa học và công nghệ đang phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ thì chỉ có con đường học tập mới thực sự mang đến cho người dân trong thành phố học tập một cuộc sống ổn định, kinh tế thành phố mới phát triển bền vững trong tương lai. Một thành phố được công nhận là “Thành phố học tập toàn cầu” sẽ mang đến cho thành phố đó những lợi ích vào chính chất lượng học tập suốt đời cho mọi công dân nhằm giải phóng tất cả tiềm năng của công dân thành phố, đầu tư vào sự phát triển bền vững tại nơi làm việc, khơi dậy và tiếp thêm năng lượng cho các cộng đồng dân cư của thành phố, thúc đẩy động lực làm việc của lãnh đạo thành phố, khai thác giá trị sáng tạo của các đối tác cấp địa phương, khu vực và quốc tế và đảm bảo thực thi đầy đủ, có trách nhiệm các nghĩa vụ bảo vệ môi trường của thành phố đó.

Dân tộc Việt Nam có truyền thống hiếu học, quý trọng hiện tài. Trong những năm gần đây nhiều gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư đã coi khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT là một nét đẹp văn hóa, một truyền thống quý báu cần giữ gìn và phát huy nhằm khơi dậy truyền thống hiếu học, ham học hỏi, học tập suốt đời mỗi con người góp phần tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước. Để thực hiện tốt di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự học, tạo chuyến biến mạnh mẽ trong phát triển, nâng cao chất lượng công tác xây dựng, XHHT ở nước ta phù hợp với xu thế phát triển giáo dục thế giới, việc xác định hướng đi và tập trung vào những nhiệm vụ cụ thể công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập nhất định sẽ thành công, góp phần phát triển giáo dục, phát triển toàn diện con người Việt Nam, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên vươn mình, kỷ nguyên giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Bạn đang đọc bài viết Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm hoàn thành mục tiêu xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam trong giai đoạn mới tại chuyên mục Thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19