Ảnh 1. Trường Đại học Bách khoa - ĐHQG TP. Hồ Chí Minh
Công bố khoa học tăng mạnh, nằm trong top 10 các cơ sở giáo dục đại học dẫn đầu về nghiên cứu quốc tế
Năm 2023 đánh dấu cột mốc lần đầu tiên Trường Đại học Bách khoa có hơn 1.000 công bố quốc tế trên tạp chí thuộc Cơ sở dữ liệu WoS/Scopus, tăng hơn 300% so với năm 2018. Chỉ tính đến tháng 9/2024, Trường đã đạt mốc hơn 800 công bố khoa học, tiệm cận với mục tiêu chiến lược đặt ra của năm nay.
Trong giai đoạn 05 năm trở lại đây, số lượng công bố trên các tạp chí quốc tế thuộc Cơ sở dữ liệu WoS/Scopus của Trường đang có xu hướng tăng đều, mạnh nhất là ở các lĩnh vực: Khoa học máy tính, Toán, Năng lượng, Hoá dược và Sinh học phân tử, Nông nghiệp và sinh học, Vật liệu và Khoa học xã hội,....
Song hành với tốc độ tăng trưởng, chất lượng của các công bố khoa học của Trường được phản ánh thông qua số lượng công bố xuất hiện trên các tạp chí xếp hạng từ Q2 trở lên chiếm tỉ lệ hơn 50% tổng số công bố, trong đó có khoảng 8-10% được đăng trên các tạp chí top 20 của ngành, dưới 50% còn lại là các công bố trên tạp chí Q3/Q4 hoặc Scopus. Bên cạnh đó, Nhà trường cũng chú trọng đến các công bố khoa học trên các tạp chí trong nước thuộc danh mục Hội đồng Giáo sư Nhà nước với số lượng hơn 300 bài/năm.
Nỗ lực từng bước phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng công bố khoa học của Trường Đại học Bách khoa cũng đã đóng góp đáng kể trong việc nâng cao vị thế của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Theo nghiên cứu gần đây về thành tựu bài báo khoa học chuẩn quốc tế của các trường đại học Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 (từ ngày 1/1-30/6/2024), ĐHQG TP. Hồ Chí Minh đứng đầu trong top 10 cơ sở giáo dục Đại học có số lượng bài báo chuẩn quốc tế nhiều nhất cả nước. Trong tổng số công bố của ĐHQG TP. Hồ Chí Minh tính đến tháng 9/2024, tỉ lệ đóng góp của Trường Đại học Bách khoa chiếm đến 40,77%, năm 2023, tỉ lệ này là 38,67%.
Ảnh 2. Các sản phẩm vi mạch do chính đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên của Trường thiết kế
Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2018-2023, Trường đã đăng kí được 62 quyền sở hữu trí tuệ, thực hiện được 4.402 hợp đồng chuyển giao công nghệ với tổng doanh thu 899 tỉ đồng. Về đổi mới sáng tạo, cũng trong giai đoạn này, Trường đã ươm tạo 51 doanh nghiệp, 10 doanh nghiệp ươm tạo nhận được vốn đầu tư với tổng số tiền gọi vốn là 10,85 tỉ đồng.
Hoạch định các chính sách thúc đẩy khoa học công nghệ
Trong bức tranh tổng quan về hoạt động khoa học công nghệ của Trường Đại học Bách khoa, chủ thể chính là giảng viên, các nhà khoa học với khoảng 67 nhóm nghiên cứu và 6 nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQG TP. Hồ Chí Minh (trong giai đoạn 2018-2023). Bên cạnh đó, các học viên, nghiên cứu sinh ngày càng dành nhiều sự quan tâm và tham gia nghiên cứu khoa học. Số lượng công bố khoa học từ học viên, nghiên cứu sinh tính trên toàn trường đạt trên 25%.
Các kết quả trên mang tính tất yếu khi Trường Đại học Bách khoa xác định rõ định hướng trở thành một trường đại học nghiên cứu hàng đầu cả nước cũng như có sự đầu tư lâu dài cho cơ sở vật chất, thực thi các chính sách hỗ trợ, quy định thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ.
Theo PGS. TS. Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng Nhà trường, yếu tố thúc đẩy đầu tiên nhờ vào việc chuyển đổi mô hình hoạt động sang cơ chế tự chủ và áp dụng đề án vị trí làm, trong đó mô tả rõ nhiệm vụ nghiên cứu khoa học mà mỗi giảng viên cần thực hiện, đi cùng là đề án lương và đề án thu nhập có thưởng rõ ràng.
Bên cạnh đó, để giải quyết một số hạn chế trong việc tổ chức và hỗ trợ các nhóm nghiên cứu vẫn chưa làm phát huy hết nội lực của các nhà khoa học, Nhà trường bước đầu triển khai công tác quản lí và triển khai thực hiện đề tài thông qua số hóa quy trình đăng kí đề tài, quy trình thanh toán thuận tiện hơn; đồng thời thay đổi phương pháp tiếp cận khi giao nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp cơ sở, lấy trọng tâm là sản phẩm đề tài. Nhà Trường đã đưa ra dự thảo Chương trình hỗ trợ và phát triển các nhóm nghiên cứu nhằm giúp tổ chức và hình thành các nhóm nghiên cứu có năng lực nghiên cứu tốt và khả năng giải quyết các vấn đề thực tiễn theo yêu cầu của xã hội. Chương trình này được kì vọng sẽ là một đầu tư bài bản từ nghiên cứu trong trường đại học đến chuyển giao cho cộng đồng.
Đón đầu xu hướng quốc tế hóa thông qua kiểm định chất lượng
Tiếp tục nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, triển khai có hiệu quả các chính sách khuyến khích đối với hoạt động này là điều kiện cần, đồng thời cũng là động lực để Trường Đại học Bách khoa phát huy hiệu quả của chiến lược quốc tế hóa giáo dục đại học. Quốc tế hóa là chiến lược dài hạn và trọng tâm của Nhà trường, bước đầu được hiện thực hóa thông qua kiểm định công nhận chất lượng, xếp hạng đại học, chương trình liên kết quốc tế, trao đổi giảng viên, sinh viên, quốc tế hóa nghiên cứu,... và đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Ảnh 3. Mở rộng mạng lưới với đối tác học thuật quốc tế.
Về kiểm định ở cấp cơ sở giáo dục, theo dữ liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo tính đến tháng 7/2024, Trường Đại học Bách khoa là đơn vị duy nhất tại Việt Nam đạt cùng lúc hai chuẩn kiểm định của HCERES (năm 2017 và năm 2024) và của AUN-QA (năm 2017). Đối với cấp chương trình đào tạo (CTĐT), đến nay, Trường có 66 chương trình đào tạo được công nhận bởi các tổ chức kiểm định quốc tế, hiện dẫn đầu cả nước về thành tích này.
Ngoài ra, theo bảng xếp hạng QS Ranking, có 06 nhóm ngành Trường Đại học Bách khoa tham gia đào tạo trong khối ĐHQGTP. Hồ Chí Minh góp mặt ở vị thứ cao. Đặc biệt, ba năm liền (2022, 2023, 2024) ngành Kĩ thuật Dầu khí của Trường nằm trong top 51-100 thế giới trên bảng xếp hạng này.
Ảnh 4. Nhận chứng nhận kiểm định AQAS cho 08 chương trình đào tạo của khoa Cơ khí và khoa Điện - Điện tử
Uy tín của CTĐT của Trường không chỉ được thể hiện qua vị thứ xếp hạng mà còn ngày càng được khẳng định thông qua khung đánh giá đầu vào và năng lực đầu ra của sinh viên, đặc biệt khắt khe ở chuẩn ngoại ngữ với chuẩn đầu ra 600 TOEIC đối với chương trình Tiêu chuẩn và IELTS 6.0 đối với chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh nhằm giúp sinh viên tự tin hội nhập toàn cầu.
Trải qua 67 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Bách khoa luôn kiên trì với tầm nhìn và sứ mệnh cung ứng nguồn nhân lực kĩ thuật công nghệ cao cho xã hội, nghiên cứu và chuyển giao các giải pháp công nghệ thiết thực phục vụ đất nước, hướng đến nâng cao thứ hạng của Việt Nam trên thế giới trong lĩnh vực giáo dục.
Nguyễn Huy Hồng - Tạp chí Giáo dục