Trong lịch sử phát triển giáo dục và đào tạo ở khu vực Tây Bắc, Trường Đại học Tây Bắc có những đóng góp rất quan trọng. Tiền thân là trường Sư phạm cấp II Khu Tự trị Thái - Mèo, ngày 23/3/2001, Chính phủ ban hành Quyết định số 39/2001/QĐ-TTg về việc thành lập Trường Đại học Tây Bắc trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc. Quyết định thành lập Trường Đại học Tây Bắc của Chính phủ vào năm 2001 đã hiện thực hoá ý tưởng thành lập trường đại học cho khu vực Tây Bắc của các thế hệ lãnh đạo Nhà trường từ cuối những năm 60 của thế kỉ trước.
Sự ra đời của Trường Đại học Tây Bắc là một sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị, văn hoá, giáo dục của các tỉnh Tây Bắc và của cả nước. Với định hướng phát triển là một trường đại học đa ngành, Trường Đại học Tây Bắc thực hiện nhiệm vụ Đào tạo nguồn nhân lực có trình độ đại học và sau đại học; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, triển khai các dịch vụ kĩ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc. Lần đầu tiên trên mảnh đất miền Tây Bắc Tổ quốc có một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học ở trình độ cao, đáp ứng được ước vọng bao đời của nhân dân các dân tộc Tây Bắc.
Bám sát theo Quyết định 369/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 04/5/2024 về quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía bắc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Trường Đại học Tây Bắc tiếp tục chú trọng công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, nghiên cứu - quảng bá - bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử của cộng đồng các dân tộc ở khu vực Tây Bắc.
Ảnh 1. Tiến sĩ Đỗ Hồng Đức - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường trao bằng cử nhân năm 2024 trong Lễ Bế giảng
Hiện nay, về công tác đào tạo, Trường đã mở được 06 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ là: Ngôn ngữ Việt Nam, Lý luận và phương pháp dạy học bộ môn Toán, Toán giải tích, Sinh học thực nghiệm, Lịch sử Việt Nam và Lý luận và phương pháp dạy tiểu học; 25 ngành đào tạo trình độ đại học và 01 ngành đào tạo trình độ cao đẳng. Ngoài ra, Nhà trường còn thực hiện nhiệm vụ đào tạo tiếng Việt cho Lưu học sinh (LHS) Lào hệ dự bị đại học; đào tạo học sinh phổ thông tại Trường TH, THCS, THPT Chu Văn An; đẩy mạnh việc hỗ trợ các trường phổ thông trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc nâng cao năng lực thực hành - thí nghiệm; hướng dẫn phương pháp giảng dạy tích cực và hòa nhập.
Năm học 2023 - 2024, quy mô đào tạo của toàn Trường là hơn 5000 học viên, sinh viên và học sinh trong đó gần 500 lưu học sinh của nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào. Tỉ lệ học viên và sinh viên là người dân tộc thiểu số chiếm hơn 76%. Các ngành đào tạo giáo viên của Nhà trường tiếp tục khẳng định được vị thế, truyền thống của một cơ sở đào tạo có bề dày truyền thống. Các thế hệ sinh viên sư phạm của Nhà trường sau khi trở thành các nhà giáo đều tích cực phát huy những phẩm chất như cần cù, sáng tạo, trách nhiệm, vượt khó góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy sự phát triển của giáo dục và đào tạo ở khu vực Tây Bắc và cả nước.
Ảnh 2. Trường Đại học Tây Bắc tổ chức chương trình chào mừng kỷ niệm 48 năm Ngày Quốc khánh nước CHDCND Lào, góp phần tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị; thể hiện được sự quan tâm của tập thể Nhà trường đối với lưu học sinh Lào
Về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, với mục tiêu ưu tiên cho sự phát triển của khoa học công nghệ theo định hướng ứng dụng, Nhà trường luôn xác định hoạt động khoa học công nghệ phải gắn với định hướng nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra ở khu vực Tây Bắc. Trường Đại học Tây Bắc đã xây dựng được các nhóm nghiên cứu chuyên sâu thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, nông lâm,… Sản phẩm nghiên cứu khoa học của Nhà trường được ứng dụng nhiều vào thực tiễn, có giá trị thương mại góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Bắc và hội nhập quốc tế (sản phẩm nuôi cấy đông trùng hạ thảo, phòng bệnh cho cây trồng, giải pháp phòng chống thiên tai tại khu vực miền núi, nhân giống, lai tạo thanh long ruột đỏ, …). Năm học 2023 - 2024, Nhà trường quản lí 14 nhiệm vụ KHCN cấp Bộ, 58 nhiệm vụ KHCN cấp cơ sở, 42 đề tài cấp Trường của sinh viên trong đó có nhiều đề tài có tính ứng dụng cao. Năm học 2023 - 2024, số bài báo khoa học của cán bộ, giảng viên của Nhà trường công bố trên các tạp chí trong nước là 256 bài, số bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế có chỉ số ISI và Scopus là 28 bài.
Quan hệ đối ngoại của Nhà trường tiếp tục phát triển thông qua kí kết, thực hiện hợp tác với một số đối tác trong nước và quốc tế: Hàn Quốc, Úc, Nhật Bản, Lào. Trong năm tích cực mời các chuyên gia, tình nguyện viên đến làm việc tại Trường gồm: 03 chuyên gia Úc, 01 chuyên gia Mỹ, 01 chuyên gia Ba Lan, 03 đoàn chuyên gia Hàn Quốc, 03 đoàn chuyên gia Nhật Bản. Chủ động tích cực trong hợp tác với các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu nhằm triển khai các hoạt động của Nhà trường trong công tác tuyển sinh, đào tạo và một số công tác khác.
Với định hướng phát triển để trở thành trường đại học trọng điểm vùng sau năm 2030, hoạt động công nghệ thông tin và chuyển đổi số được lãnh đạo Nhà trường, giảng viên, cán bộ, người lao động và người học trong Nhà trường quan tâm khi đây là xu thế của toàn cầu hóa. Đội ngũ giảng viên và chuyên viên đều được đào tạo cơ bản về công nghệ thông tin, thành thạo khi ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động giảng dạy trực tiếp cũng như giảng dạy trực tuyến khi cần thiết. Nhà trường cũng chủ động trong công tác chuẩn bị về nhân lực, chuyên gia để tiếp nhận gói đầu tư về công nghệ thông tin trong Chương trình 1719 về mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.
Công tác kết nối và phục vụ cộng đồng được Nhà trường quan tâm phát triển với phương châm đưa trường đại học tới gần hơn với đời sống đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Nhà trường đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch kết nối, hợp tác với các doanh nghiệp để chỉnh sửa chương trình đào tạo, đáp ứng chuẩn đầu ra sát với thực tế; tổ chức, tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội được thực tập, rèn nghề tại các đơn vị đối tác;…Năm học 2023 - 2024, Nhà trường đã kết nối với 31 trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Sơn La; tổ chức nhiều đợt thiện nguyện hỗ trợ đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng bị ảnh hưởng thiệt hại của thiên tai, tổ chức các chương trình như “Tết sum vầy”, “áo ấm mùa đông” cho đồng bào vùng đặc biệt khó khăn. Thông qua các hoạt động này, công tác đào tạo của Nhà trường đã gắn lý thuyết và thực tiễn, bồi dưỡng cho người học nhiều phẩm chất giúp người học tự tin, nhanh chóng thích ứng với công việc sau khi ra trường.
Kết quả khảo sát việc làm của sinh viên từ năm 2023 cho thấy, có khoảng 85% học viên và sinh viên của Nhà trường sau khi tốt nghiệp đã tìm được việc làm phù hợp. Các nhà tuyển dụng cũng bày tỏ sự hài lòng đối với sản phẩm đào tạo của Nhà trường từ thực tiễn công tác của sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Ảnh 3. Trường Đại học Tây Bắc tổ chức Giải chạy việt dã năm 2024 dành cho sinh viên
Với những thành tựu đã đạt được, Trường Đại học Tây Bắc đang tiếp tục hoàn thiện về cơ cấu tổ chức, đội ngũ, tăng cường trang thiết bị, cơ sở vật chất, chú trọng công tác tuyển sinh và mở ngành. Đặc biệt, Nhà trường xác định nhiệm vụ nâng cao chất lượng đào tạo để ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn là xương sống cho sự phát triển. Với những định hướng rõ ràng về mục tiêu, sứ mạng, tầm nhìn, giá trị cốt lõi và triết lí giáo dục, Trường Đại học Tây Bắc chắc chắn sẽ hoàn thành được trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã tin tưởng giao phó.
Nguyễn Huy Hồng - Tạp chí Giáo dục