Đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên tại các cơ sở giáo dục hiện nay

Mặc dù đã tuyển dụng gần 40.000 giáo viên trong hai năm qua, cơ sở giáo dục công lập trên cả nước vẫn đang thiếu số lượng lớn giáo viên ở tất cả các cấp học do số lượng học sinh tăng và việc hoạch định nguồn nhân lực chưa đủ.

Tình trạng thừa cục bộ và thiếu giáo viên theo định mức

Theo báo cáo của Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT, trong hai năm học 2022-2023 và 2023-2024, cả nước đã tuyển dụng được gần 40.000 giáo viên, tuy nhiên, số học sinh trong giai đoạn này không ngừng tăng dẫn đến số lớp tăng.

Sự gia tăng số lượng lớp học và giáo viên cho các trường THCS và THPT năm học 2023-2024 (Biểu đồ dự trên số liệu từ Bộ GDĐT)

Sự gia tăng này dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên ở hầu hết các địa phương. Tính đến tháng 5/2024, cả nước còn thiếu 113.491 giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông trong biên chế so với định mức quy định của Bộ GD&ĐT (trong đó mầm non thiếu 44.843 GV, cấp tiểu học thiếu 24.227 GV, cấp THCS thiếu 28.410 GV, cấp THPT thiếu 16.011 GV).

Một số nguyên nhân có thể chỉ ra là

Thứ nhất, công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu giáo viên từ cấp chiến lược đến các địa phương chưa sát, không theo kịp thực tế; biến động dân số, dịch chuyển lao động giữa các vùng miền với số lượng lớn và không có quy luật.

Thứ hai, việc tuyển dụng giáo viên phổ thông ở các địa phương còn bất cập, chưa kịp thời. Nguồn tuyển tại địa phương bị hạn chế do thực hiện chuẩn được đào tạo mới theo Luật Giáo dục 2019, sức hút nghề giáo chưa cao vì thu nhập của giáo viên thấp hơn các ngành nghề khác.

Thứ ba, việc thực hiện chủ trương tinh giản 10% biên chế trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp ở nhiều địa phương còn thực hiện một cách cơ học. Một số địa phương không tuyển dụng hết biên chế giáo viên được giao để thực hiện chủ trương tinh giản 10% biên chế.

Thứ tư, việc cho phép học sinh được chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp là một bước tiến của chương trình mới, phân hóa dần ở bậc phổ thông. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra cho các trường bài toán khó trong khâu tổ chức, sắp xếp giáo viên giảng dạy do học sinh lựa chọn không cân đối giữa các nhóm môn học.

Thứ năm, thiếu cơ chế thu hút và giữ giáo viên gắn bó với nghề, lương giáo viên mới được tuyển dụng thấp.

Một số giải pháp thực hiện thời gian tới

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên và thực hiện tốt công tác phát triển đội ngũ nhà giáo cần thực hiện một số giải pháp sau:

Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể cân nhắc, xem xét một số giải pháp

Thứ nhất, triển khai xây dựng Luật Nhà giáo tạo cơ sở pháp lý vững chắc xây dựng quy hoạch, chế độ chính sách đặc thù bảo đảm bền vững, lâu dài để thu hút và giữ chân nhà giáo yên tâm công tác trong ngành Giáo dục.

Thứ hai, tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát số lượng chỉ tiêu biên chế và số lượng giáo viên hiện có của các địa phương để báo cáo Trung ương bổ sung biên chế ngành giáo dục năm học 2024-2025 trong tổng số biên chế giáo viên được bổ sung đến năm 2026 theo Quyết định số 72-QĐ/TW.

Thứ ba, tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các địa phương trong việc tổ chức tuyển dụng đủ số biên chế được cấp có thẩm quyền giao và khắc phục tình trạng thiếu giáo viên các cấp học theo tinh thần Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông.

Thứ tư, chỉ đạo các địa phương xây dựng Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các CSGD mầm non, phổ thông công lập có điều kiện thực hiện cơ chế tự chủ. Xây dựng đề xuất cơ chế, chính sách để khuyến khích các cá nhân và doanh nghiệp (đặc biệt là các nơi có khu công nghiệp) thành lập các CSGD ngoài công lập, tham gia xã hội hóa giáo dục để giảm người hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Thứ năm, tăng cường kiểm tra, thanh tra công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ; việc triển khai thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo của các địa phương.

Các địa phương là các tỉnh, thành phố cần cân nhắc một số giải pháp

Thứ nhất, tiếp tục xây dựng và thực hiện Đề án phát triển đội ngũ giáo viên ở địa phương với tầm nhìn dài hạn, phù hợp với yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018; có chính sách hợp lý để thu hút giáo viên về công tác tại địa phương.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện rà soát, sắp xếp, điều tiết giáo viên mầm non, phổ thông giữa các cơ sở giáo dục trong tỉnh bảo đảm hợp lý theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Công văn số 240/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 20/01/2021. Khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ.

Thứ ba, tiếp tục chỉ đạo việc xây dựng và phê duyệt đề án vị trí việc làm đến từng cơ sở giáo dục, căn cứ đề án vị trí việc làm được phê duyệt để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng đội ngũ đúng các quy định. Xây dựng cơ chế tuyển dụng giáo viên trên địa bàn tỉnh phù hợp với điều kiện và thực tế của địa phương. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên ở các địa phương; kiến nghị với cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các địa phương tuyển dụng, sử dụng không đúng quy định hiện hành của pháp luật.

Thứ tư, điều chỉnh, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự của các cơ sở giáo dục theo hướng tinh gọn, hợp lý. Thực hiện tốt công tác rà soát, sắp xếp, quy hoạch đội ngũ, mạng lưới trường/lớp đảm bảo bố trí, sử dụng có hiệu quả đội ngũ theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập để phù hợp với đặc thù của vùng, sử dụng có hiệu quả đội ngũ viên chức hiện có để tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục.

Thứ năm, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu tiên đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS và các chính sách khác theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Thứ sáu, tổ chức tuyển dụng đủ số biên chế được cấp có thẩm quyền giao theo tinh thần Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông (ưu tiên tuyển giáo viên các cấp học còn thiếu nhiều giáo viên và các nơi có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn). Trường hợp chưa tuyển đủ giáo viên thì bố trí nguồn lực để hợp đồng theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ.

Thứ bảy, tăng cường kiểm tra, thanh tra công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ. Đẩy mạnh việc thực hiện tinh giản biên chế gắn với sắp xếp lại tổ chức trường, lớp và cơ cấu lại đội ngũ viên chức. Cần làm tốt việc đánh giá phẩm chất, năng lực cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên theo chuẩn nghề nghiệp và đánh giá kết quả làm việc của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hàng năm để sàng lọc, phân loại, tinh giản biên chế.

Thứ tám, xác định lộ trình cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế cho từng năm để phối hợp (liên hệ) với các cơ sở đào tạo giáo viên thực hiện việc đào tạo nâng trình độ chuẩn giáo viên được đào tạo theo Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ và để có các thông tin về sinh viên sư phạm ra trường hàng năm nhằm chủ động nguồn tuyển dụng hoặc hợp đồng lao động.

Thứ chín, đẩy mạnh thí điểm cơ chế tự chủ đối với các CSGD mầm non, phổ thông công lập ở vùng đô thị, vùng thuận lợi nhằm khuyến khích các CSGD mầm non, phổ thông công lập chủ động khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng và giảm chi cho Ngân sách nhà nước đồng thời không làm giảm cơ hội tiếp cận giáo dục của học sinh nghèo, học sinh là đối tượng chính sách.

Thứ mười, xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích các cá nhân và doanh nghiệp (đặc biệt là các nơi có khu công nghiệp) thành lập các CSGD ngoài công lập, tham gia xã hội hóa giáo dục để giảm người hưởng lương từ ngân sách nhà nước (Ngân sách để thực hiện xã hội hóa thực hiện theo quy định tại Nghị định số 24/2021/NĐ-CP ngày 23/3/2021 của Chính phủ quy định việc quản lý trong CSGD mầm non và CSGD phổ thông công lập).

Hồng Anh

Bạn đang đọc bài viết Đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên tại các cơ sở giáo dục hiện nay tại chuyên mục Chính sách quốc gia của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn