Kết hợp đột phá trong cuốn sách “Kết hợp giáo dục STEAM và giáo dục cảm xúc xã hội SEL trong giáo dục tiểu học và mầm non” của Đỗ Thị Trâm Anh, Trần Thị Minh và Vũ Trang Linh

Cuốn sách “Kết hợp giáo dục STEAM và giáo dục cảm xúc xã hội SEL trong giáo dục tiểu học và mầm non” là một tập hợp các lí thuyết giáo dục và những hướng dẫn chi tiết về cách thực hiện các kế hoạch bài giảng kết hợp giữa STEAM và SEL. Sự kết hợp rất “duyên dáng” này đã đáp ứng trúng mục tiêu của giáo dục là phát triển con người toàn diện cả kiến thức và kĩ thuật (trọng tâm của STEAM) và kĩ năng mềm hiểu về bản thân, cảm xúc và xã hội cũng như cách ứng xử với các thành tố đó (trọng tâm của SEL).

Tổ chức Diễn đàn kinh tế thế giới vừa mới đưa ra bảng 10 kĩ năng đang ngày càng trở nên quan trọng trong thị trường lao động tương lai (từ 2023 đến 2027) (Diễn đàn kinh tế thế giới, 2023)

Bảng. 10 kĩ năng hàng đầu đang trở nên ngày càng quan trọng trong thị trường lao động (Nguồn: Diễn đàn kinh tế thế giới, 2023)

Danh sách các kĩ năng này đều liên quan mật thiết đến giáo dục STEAM (sáng tạo, phân tích, công nghệ, tò mò, tư duy hệ thống, AI) và giáo dục cảm xúc xã hội SEL (khả năng vượt khó, phục hồi, linh hoạt, động lực và sự tự nhận thức, quản lí). Như vậy, để phát triển toàn diện cũng như tồn tại và thích nghi được cho tương lai, trẻ cần phải được học cả STEAM và SEL chứ không nên chỉ học riêng lẻ STEAM hoặc SEL.  

Trên thế giới, giáo dục STEM (Science - Khoa học, Technology - Công nghệ, Engineer - Kĩ thuật, Math - Toán) và sau này thêm Art (nghệ thuật) thành STEAM, bắt đầu được quan tâm từ những năm 90 và dần trở thành xu hướng “không thể bị tảng lờ” vào những năm đầu thế kỉ XXI. Bởi vì, các kĩ năng STEAM là kĩ năng cần thiết để cạnh tranh trong môi trường làm việc hiện đại. Thống kê gần đây nhất của Cục Thống kê lao động Hoa Kỳ (Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ, 2024) dự đoán từ năm 2021 đến năm 2031, số lượng lao động cần thiết trong các ngành liên quan đến STEAM sẽ tăng 10,8% với mức lương trung bình khoảng 2,3 tỷ/năm. Trong khi đó, trong các ngành không thuộc lĩnh vực STEAM, số lượng lao động cần thiết chỉ tăng lên 4,9% với mức lương trung bình là khoảng 940 triệu/năm. So sánh với tiềm năng phát triển của lực lượng lao động thì đến khoảng năm 2031, với các lĩnh vực không phải STEAM, cứ 2 người sẽ phải cạnh tranh gay gắt cho một cơ hội công việc. Còn trong các lĩnh vực liên quan đến STEAM, một lao động lành nghề sẽ có khoảng 2-4 cơ hội việc làm hấp dẫn để lựa chọn.

Ở Việt Nam, giáo dục STEAM bắt đầu từ những hoạt động liên quan đến Robotics. Điều này dẫn đến một hiểu lầm là STEAM nhất định phải gắn với công nghệ và máy móc hiện đại. Nhưng trên thực tế điều căn cốt nhất của STEAM chính là ứng dụng Toán và Khoa học để giải quyết các vấn đề thực tiễn của cuộc sống. Như vậy, trong thực tế, các dự án STEAM có thể được phát triển từ đơn giản cho đến phức tạp tùy theo những điều kiện khác nhau.

Giáo dục SEL (social emotional learning - giáo dục cảm xúc và xã hội) cũng bắt đầu được áp dụng từ những năm 1990 tại Hoa Kỳ, nhưng ý tưởng đầu tiên về SEL đã được manh nha từ những năm 1960. SEL đặc biệt được chú trọng hơn khi đại dịch COVID-19 diễn ra, nó cho thấy các vấn đề tâm lí xã hội của con người hiện đại. Những năm gần đây, SEL đã trở thành chủ đề nghiên cứu quan trọng và được áp dụng trong nhà trường ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là ở các nước phát triển. Ví dụ, ở Canada, Chương trình Kĩ năng sống (Life Skills Program) đã được triển khai tại hơn 300 trường trên khắp đất nước, với mục tiêu giúp các học sinh phát triển các kĩ năng xã hội và cảm xúc. Ở Tây Ban Nha, chương trình "Pensamiento Positivo" (Tư duy tích cực) đã được thực hiện tại hơn 50 trường, với mục tiêu giúp học sinh phát triển các kĩ năng tự giác, quản lí cảm xúc và đồng cảm với người khác (Black, 2021). Hàng trăm các dự án nghiên cứu về tác dụng của SEL, các bản khảo sát, tổng kết đánh giá dựa trên số liệu khoa học đã cùng thống nhất rằng SEL không những mang đến kết quả học tập tốt hơn mà còn mang lại những ảnh hưởng tích cực tới tâm lí, các mối quan hệ, môi trường sống và học tập của học sinh trong nhà trường (theo https://casel.org/fundamentals-of-sel/what-does-the-research-say/).

Ở Việt Nam, SEL cũng đã được đưa vào thực nghiệm tại một số trường và được áp dụng tại các chương trình ngoại khóa. Tuy nhiên, các giáo viên về cơ bản vẫn thấy lúng túng trong việc giảng dạy SEL bởi vì họ chưa được tập huấn đầy đủ. Thậm chí, ngay cả chính sách về sức khỏe tinh thần dành cho giáo viên cũng chưa được quan tâm thực sự (Huynh et al. 2023, tr. 393)

Quay trở lại với dự đoán của Diễn đàn kinh tế thế giới, chúng ta thấy rõ ràng cả hai mảng STEAM và SEL đều là “xương sống” của giáo dục. Từ trước tới nay, hai mảng này vẫn được giảng dạy độc lập với nhau. Nhiều trường đã có chương trình STEAM nhưng SEL thì chỉ mới manh nha ở một vài nơi. Nhưng thời lượng học của các trường và các cơ sở giáo dục lại có hạn. Vậy phải làm sao để có thể đưa cả hai nội dung hữu ích này vào chương trình học để các bạn trẻ có hành trang vững chắc bước vào tương lai?

Đúng lúc này, cuốn sách “Kết hợp giáo dục STEAM và giáo dục cảm xúc xã hội SEL trong giáo dục tiểu học và mầm non” của các tác giả Đỗ Thị Trâm Anh, Trần Thị Minh và Vũ Trang Linh được xuất bản như một gợi ý đáng giá cho những ai quan tâm đến phát triển kĩ năng bền vững trong các  chương trình học của trẻ em.

Các tác giả của cuốn sách đã không ngần ngại làm phép cộng vì nghĩ rằng các dự án và sản phẩm STEAM thường cực kì hấp dẫn sẽ bổ sung cho sự thiếu hụt về mặt thực hành, ứng dụng và đạt được ngay các thành quả trong thực tế của SEL. Mặt khác, các kĩ năng mềm của SEL sẽ bổ trợ hiệu quả, tích cực để các dự án STEAM được thành công hơn. Học sinh học SEL sẽ hào hứng hơn, sinh động hơn vì có thể  nhận được “sản phẩm đầu ra hữu hình”, học STEAM sẽ thành công hơn với các kĩ năng bổ trợ cụ thể từ SEL (kĩ năng lắng nghe, kiên nhẫn, đồng cảm, tư duy phản biện, …).

Ảnh. bìa 1 cuốn sách

Cuốn sách không chỉ là một tập hợp các lí thuyết giáo dục mà còn là những hướng dẫn chi tiết về cách thực hiện các kế hoạch bài giảng kết hợp giữa STEAM và SEL. Đọc cuốn sách, chúng ta thấy đây đúng là sự kết hợp rất “duyên dáng”, thú vị tưởng không hợp mà lại hợp không tưởng. Sự kết hợp này đã đáp ứng trúng mục tiêu của giáo dục là phát triển con người toàn diện cả kiến thức và kĩ thuật (trọng tâm của STEAM) và kĩ năng mềm hiểu về bản thân, cảm xúc và xã hội cũng như cách ứng xử với các thành tố đó (trọng tâm của SEL).

Phần đầu của cuốn sách, Phần A, cung cấp một cái nhìn tổng quan về STEAM và SEL, giải thích rõ các khái niệm cơ bản và quan trọng của hai lĩnh vực này. Các tác giả đã thành công trong việc trình bày một cách dễ hiểu, ngắn gọn và dí dỏm, khiến người đọc có thể dễ dàng nắm bắt được bản chất và tầm quan trọng của việc kết hợp hai phương pháp giáo dục này.

Trong Phần B, sách đi sâu vào cách thức tích hợp các kĩ năng SEL vào các dự án STEAM với các công cụ thực chiến để các giáo viên có thể thực hành được ngay. Cách tiếp cận này không chỉ tăng cường khả năng học tập của học sinh mà còn giúp họ phát triển các kĩ năng mềm quan trọng như giao tiếp, làm việc nhóm, tư duy phản biện và giải quyết vấn đề.

Điểm nổi bật của cuốn sách là Phần C, nơi các tác giả giới thiệu 10 kế hoạch bài giảng sáng tạo và cực kì thực tiễn, được thiết kế theo dạng kể chuyện, trò chơi hoá với mục đích gây hứng thú cho học sinh. Đây là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa bộ ba “siêu hot” hiện nay là STEAM, SEL và Game hoá. Các bài học này không chỉ thú vị mà còn rất phù hợp với đặc điểm tâm lí và nhu cầu của lứa tuổi mầm non và tiểu học. Những kế hoạch bài giảng này cụ thể và sinh động, gắn liền với chương trình giáo dục phổ thông, ví dụ: nội dung sinh học: việc nảy mầm của cây, cấu tạo của cá, nội dung Toán học: cách đo độ … Nếu có trong tay những kế hoạch bài giảng này, chắc chắn, các giáo viên, thậm chí là các bậc phụ huynh cũng không khó để có thể bắt tay vào giảng dạy được ngay.

Sự nỗ lực của các tác giả trong việc kết hợp giáo dục học thuật và kĩ năng sống, một yếu tố thiết yếu nhưng thường bị bỏ qua trong nhiều chương trình giáo dục hiện nay rất đáng được ghi nhận và đánh giá cao. Sách không chỉ là một công cụ giáo dục hữu ích mà còn là nguồn cảm hứng cho giáo viên và cha mẹ trong việc giáo dục trẻ em.

Chuyên gia về giáo dục STEAM, PGS.TS. Chu Cẩm Thơ (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) nhận xét: “Đây là một cuốn sách rất cuốn hút. Nó được viết bởi một phong cách học độc đáo, khá hài hòa “học thuật” và “thực tiễn”. Cuốn sách này sẽ có ích nhất đối với giáo viên, những người đang thực hiện việc giáo dục trẻ em. Họ có thể áp dụng được ngay. Với cuốn sách này, thực hành việc giảng dạy tích hợp những xu hướng giáo dục hiện đại SEL và STEAM sẽ trở nên dễ dàng”.

Nếu bạn là một nhà giáo dục hoặc một phụ huynh đang tìm kiếm các phương pháp mới để kích thích sự phát triển toàn diện của trẻ  thì cuốn sách Kết hợp giáo dục STEAM và giáo dục cảm xúc xã hội SEL trong giáo dục tiểu học và mầm non chắc chắn là một lựa chọn không thể bỏ qua. Đây là cuốn sách không chỉ giúp bạn hiểu biết sâu sắc hơn về các phương pháp giáo dục hiện đại mà còn cung cấp các công cụ cụ thể và hiệu quả để áp dụng chúng trong thực tiễn giảng dạy.

Tài liệu tham khảo

Black, Donna L. (2021). Essentials of Social Emotional Learning (SEL)_ The Complete Guide for Schools and Practitioners. Wiley, 38 - 42.

Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ (2024). Employment in STEM occupations. Bài cập nhật ngày 17.04.2024. Truy cập ngày 07.05.2024. https://www.bls.gov/emp/tables/stem-employment.htm.

Tổ chức Diễn đàn kinh tế thế giới (2023). Future of jobs 2023: These are the most in-demand skills now - and beyond. Bài viết ngày 01.05.2023. Truy cập ngày 07.05.2024.

https://www.weforum.org/agenda/2023/05/future-of-jobs-2023-skills/?utm_campaign=social_video_2023&utm_content=29266_useful_skills_jobs_future&utm_medium=social_video&utm_source=linkedin&utm_term=1_1,

Casel. Org. What Does the Research Say?, https://casel.org/fundamentals-of-sel/what-does-the-research-say/

Huynh, V., Giang, T., Nguyen, V., Nguyen, C., & Bui, H. (2023). The possibility of applying the social-emotional learning model in teaching of primary teachers: A Vietnamese case study. European Journal of Educational Research, 12(1), 387-395. https://doi.org/10.12973/eu-jer.12.1.387 .

Nguyễn Huy Hồng - Tạp chí Giáo dục

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19