Đẩy mạnh công tác đưa trẻ đến trường ở vùng đồng bào dân tộc Hà Nhì tỉnh Lào Cai

Triển khai thực hiện Dự án 5 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi góp phần nâng cao đời sống, trình độ dân trí cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng miền núi, biên giới, nhất là ở những tộc người có cuộc sống khép kín, ít tiếp cận giao lưu văn hóa, kinh tế với các khu vực khác như người Hà Nhì ở xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.

Học sinh nô nức đến Trường phổ thông dân tộc bán trú xã Y Tý, Bát Xát, Lào Cai. Ảnh: PV

Bát Xát là huyện vùng cao biên giới nằm ở phía tây bắc của tỉnh Lào Cai, trong đó Y Tý là xã vùng cao biệt khó khăn, có đường biên giới dài 11,65km tiếp giáp với huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc với cặp cửa khẩu Y Tý (Việt Nam) - Ma Ngan Tý (Trung Quốc). Đây là xã có địa bàn rộng, thời tiết, khí hậu nhiều diễn biến phức tạp như sương mù, giá rét rất khắc nghiệt, đặc biệt là nguy cơ lũ quét, sạt lở đất luôn thường trực. Các dân tộc trên địa bàn xã chủ yếu là Hà Nhì, Dao, Hmông, Kinh, cư trú ở 12 thôn bản. Trong đó có nhiều thôn tỷ lệ người dân tộc Hà Nhì chiếm trên 85% như Mò Phú Chải, Tả Gì Thàng, Choản Thèn, Lao Chải, Sín Chải… Người Hà Nhì có tập quán sinh sống rất co cụm, ưa chuộng hôn nhân nội tộc, ít giao lưu với các địa bàn khác nên tỷ lệ nói thành thạo tiếng phổ thông không cao, ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận văn hóa thông tin và phát triển kinh tế xã hội, chính vì vậy có nguy cơ ngày càng bị đẩy sâu vào tụt hậu.

Trước đây, trẻ em Hà Nhì ít được đến trường đầy đủ do cha mẹ chưa ý thức được lợi ích của việc học tập mang lại. Việc vận động phụ huynh ở vùng cao, đặc biệt là các khu vực miền núi như xã Y Tý cho con em đến trường đối mặt với nhiều khó khăn. Thách thức lớn nhất là nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, kiến thức và nhận thức về giáo dục còn hạn chế. Một số lại không coi trọng việc học hoặc cho rằng cho con đi học xa là không cần thiết. Đồng thời điều kiện đi lại khó khăn cũng khiến trẻ em không dễ dàng tiếp cận trường học, nhất là ở các bản làng xa xôi.

Để giải quyết vấn đề này, các cán bộ và giáo viên tại địa phương thường xuyên thăm nhà, vận động phụ huynh qua nhiều hình thức như tổ chức các buổi họp, trao đổi trực tiếp về lợi ích của giáo dục. Xã Y Tý đã thành lập Ban chỉ đạo đổi mới giáo dục để triển khai cụ thể đến từng trường hợp, từng hộ gia đình. Những biện pháp hỗ trợ hiệu quả như cấp phát học bổng, miễn học phí, hỗ trợ ăn trưa… góp phần giữ học sinh ở lại trường và rất hiệu quả trong việc tuyên truyền các chiến lược, chính sách về việc nâng cao nhận thức cho phụ huynh và các gia đình dân tộc thiểu số cải thiện việc đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông.

Từ năm 2016, việc xây dựng thêm các điểm trường tại một số thôn giúp cho khoảng cách đến trường cho các em học sinh chỉ còn từ 1-2km. Số lượng học sinh đi học tăng lên, đặc biệt là trong nhóm trẻ mầm non và học sinh tiểu học dân tộc Hà Nhì. các bậc phụ huynh đã cho con đi học đầy đủ hơn. Ban chỉ đạo Đổi mới giáo dục xã Y Tý đã phối hợp với các ban ngành đoàn thể, nhà trường thường xuyên vận động học sinh đi học để đảm bảo tỷ lệ chuyên cần. Năm 2023, tổng số học sinh các cấp trên địa bàn xã là 1.664; trong đó 445 học sinh mầm non, 641 học sinh tiểu học và 558 học sinh Trung học cơ sở. Theo thống kê về thực trạng trình độ được đào tạo năm 2023 ở xã Y Tý cho biết, có 43 người Hà Nhì đạt trình độ từ trung cấp trở lên, trong đó đạt trình độ trên đại học là 1 người (2,3%), đại học - 21 người (48,8%), cao đẳng - 8 người (18,6%), trung cấp - 13 người (30,2%). Ngoài ra, có 10 em đang là sinh viên đại học.  Tại thôn Lao Chải, xã Y Tý, hầu hết trẻ em Hà Nhì hiện nay đều được học hết cấp 2 và thế hệ gần đây tỷ lệ tốt nghiệp cấp 3 đã tăng lên đáng kể (từ 3% năm 1999 lên 25% năm 2023). Không những vậy, một số hộ gia đình đã có định hướng cho con đi học tại trường năng khiếu của tỉnh Lào Cai và thi đại học tại Hà Nội là một dấu hiệu cho thấy kết quả đáng ghi nhận của công tác tuyên truyền phát triển giáo dục tại địa phương.

Mai Hoàng

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19