Xây dựng xã hội học tập theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh về học tập suốt đời, lấy tự học làm cốt có ý nghĩa to lớn đối với nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam hiện nay. Để vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm, chỉ dẫn của Người đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ nhiều nội dung biện pháp gắn với đặc điểm, yêu cầu xây dựng xã hội học tập ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh cùng các em học sinh và giáo viên Trường Cấp I, II Móng Cái, ngày 19/02/1960. (Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh)

TƯ TƯỞNG VÀ TẤM GƯƠNG HỒ CHÍ MINH VỀ HỌC TẬP SUỐT ĐỜI

Với cách diễn đạt giản dị, ngắn gọn nhưng súc tích và hàm chứa ý nghĩa sâu sắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra định nghĩa tự học là “tự động học tập”(1). “Tự động học tập” là việc học tập do chính bản thân người học quyết định, người học tích cực, chủ động, tự giác trong việc xác định nội dung, hình thức, phương pháp học tập, tự kiểm tra, đánh giá kết quả mà không cần sự điều khiển, giao nhiệm vụ của người khác. Hồ Chí Minh giải thích rõ: “Tự động là không phải tựa vào ai, là tự mình biết xoay xở, tự mình biết thực hành công tác theo nhiều hình thức mới mẻ, phong phú”(2). Đây là quan niệm hoàn toàn mới mẻ so với nhận thức của số đông đồng bào lúc bấy giờ, trở thành những chỉ dẫn quan trọng trong đẩy mạnh phong trào tự học của toàn dân.

Thứ nhất, xác định đúng mục đích và động cơ học tập

Mục đích và động cơ học tập là điều kiện, tiền đề để nâng cao kết quả học tập. Theo Hồ Chí Minh, dưới chế độ xã hội chủ nghĩa mục đích của việc học tập hoàn toàn khác so với trong xã hội cũ là: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”(3). Đó là mục đích cao cả trở thành lý tưởng sống cao đẹp của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân trong chế độ mới, động lực thôi thúc cán bộ, đảng viên và nhân dân tự học tập. Những chỉ dẫn ấy vừa có tính cách mạng, vừa có tính khoa học, thể hiện sự giải quyết hài hoà giữa quyền và lợi ích học tập của cá nhân với cống hiến, đóng góp cho tập thể, đất nước và nhân loại. Nếu học chỉ “để làm quan phát tài” hay vì mưu cầu lợi ích cá nhân thấp hèn thì tất yếu sự học không thể bền bỉ suốt cuộc đời mỗi người và tất yếu dẫn đến những biểu hiện tiêu cực trong học tập. Vì vậy, Người đưa ra tôn chỉ “Còn sống thì còn phải học”(4) và khuyên mọi người phải “tự nguyện, tự giác, xem công tác học tập cũng là một nhiệm vụ mà người cán bộ cách mạng phải hoàn thành cho được, do đó mà tích cực, tự động hoàn thành kế hoạch học tập, nêu cao tinh thần chịu khó, cố gắng, không lùi bước trước bất kỳ khó khăn nào trong việc học tập”(5).

Theo quan điểm của Người, việc xác định mục đích học tập và xây dựng động cơ học tập không chỉ là vấn đề học tập mà còn là vấn đề đạo đức, là nhân cách của người học. Đây chính là nhân tố quyết định hiệu quả tự học, bảo đảm sự học bền bỉ, suốt đời không dứt đoạn, không bị tha hoá. Người chỉ rõ: “Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”(6).

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức phát động Phong trào "Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030.

Bằng thực tiễn hoạt động cách mạng phong phú, sôi nổi của mình, Hồ Chí Minh đã nêu tấm gương sáng ngời về tự học. Dù không có nhiều thời gian học chính quy trong trường lớp nhưng bản thân Người là một nhà văn hoá kiệt xuất, một lãnh tụ cách mạng của dân tộc với trí tuệ thiên tài. Người chưa từng học ở trường dạy viết báo nhưng Người là một nhà báo nổi tiếng, là chủ bút của nhiều tờ báo lớn của nhân dân các nước thuộc địa. Quá trình bôn ba tìm đường cứu nước, Người đã làm rất nhiều nghề để mưu sinh và dùng thu nhập ít ỏi để mua sách báo, tài liệu, vào các thư viện để tự học tập, nghiên cứu. Tấm gương hy sinh, ý chí quyết tâm trong quá trình tự học, tự nghiên cứu của Người xuất phát từ việc xác định động cơ học tập đúng đắn, đó là học vì dân, vì nước, vì sự nghiệp cách mạng. Trong tâm trí Người chỉ có một mong ước cháy bỏng là “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(7). Học tập là quyền con người chính đáng nhưng nếu có động cơ học tập cao cả để “phụng sự đồng bào, phụng sự Tổ quốc”(8) sẽ là động lực giúp mỗi người vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hy sinh.

Thứ hai, xây dựng kế hoạch tự học, sắp xếp thời gian học tập khoa học và kiên quyết, kiên trì đạt được mục đích học tập đề ra

Trong mọi hoạt động, nhất là trong tự học cần phải xây dựng kế hoạch khoa học. Học tập có kế hoạch nghĩa là phải biết phân bổ thời gian, công sức, trí lực hợp lý, khoa học, nội dung nào học trước, nội dung nào học sau để tốn ít thời gian, công sức nhất nhưng hiệu quả học tập cao nhất. Trong tự học, Người xây dựng thời khóa biểu tự học hợp lý và định ra thời gian phấn đấu hoàn thành kế hoạch đã đề ra. Với năng khiếu bẩm sinh, tư duy sắc sảo cùng với sự khổ công tự học đã giúp Người thành thạo nhiều ngoại ngữ. Người kể lại kinh nghiệm tự học ngoại ngữ: Với mỗi từ mới sau khi hỏi được nghĩa, Người viết vào một mảnh giấy, dán vào chỗ hay để ý nhất, có khi viết vào cánh tay để trong khi làm việc vẫn có thể học được. Có khi vừa đi đường Người vừa nhẩm trong đầu từ mới… Chính quyết tâm, sự kiên trì, bền bỉ giúp Người vượt qua những khó khăn, thiếu thốn để tự học thành công. Từ thực tiễn học tập và hoạt động cách mạng Người đã rút ra chân lý: “Gạo đem vào giã bao đau đớn/ Gạo giã xong rồi trắng tựa bông/ Sống ở trên đời người cũng vậy/ Gian nan rèn luyện mới thành công”.

Nông dân xã Ái Quốc, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương báo cáo kết quả sản xuất với Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngày 31/5/1957). (Ảnh tư liệu).

Thứ ba, tự học trong thực tiễn và gắn kết chặt chẽ giữa “học đi đôi với hành”

Quá trình tự học của Hồ Chí Minh bao giờ cũng gắn liền với quá trình lao động và hoạt động cách mạng. Chính lao động và hoạt động cách mạng là điều kiện để Người tích luỹ, củng cố kiến thức vững chắc và kiểm nghiệm, đánh giá kết quả tự học. Trong điều kiện lao động kiếm sống và hoạt động đầy khó khăn, thiếu thốn nhưng Người không bao giờ từ bỏ mục đích học tập. Chính vì vậy, Người luôn khuyên và nhắc nhở mọi người cố gắng học tập, học ở mọi lúc, mọi nơi. Nói chuyện về công tác huấn luyện và học tập, Người nhấn mạnh: “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân, không học nhân dân là một thiếu sót rất lớn”(9). Người đánh giá cao trí tuệ của nhân dân. Nhân dân là nhà thông thái nhất, là người thầy của cách mạng vì “Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”(10).

Học đi đôi với hành là một vấn đề thời sự, thường xuyên, tất yếu đối với tất cả người học, tất cả các cấp học. Học và hành là hai mệnh đề có mối quan hệ biện chứng với nhau. Bác từng dạy: “Học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì học vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy”(11). Do đó, trong quá trình tự học, Người căn dặn phải học đến đâu phải thực hành đến đó, không được dấu dốt, sợ sai Trong “Bài nói chuyện tại Đại hội Đoàn Thanh niên lao động Việt Nam lần thứ III”(25/3/1961), Người nhắc nhở: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì nhất định phải có học thức. Cần phải học văn hóa, chính trị, kỹ thuật. Cần phải học lý luận Mác - Lênin kết hợp với đấu tranh và công tác hàng ngày. Cần phải học kinh nghiệm tốt của các đoàn thanh niên bạn. Học đi đôi với hành”(12).

Tư tưởng và tấm gương tự học Hồ Chí Minh có giá trị to lớn đối với cách mạng Việt Nam. Trong những năm tháng kháng chiến trường kỳ, gian khổ, học tập và làm theo tấm gương tự học của Người đã giúp tạo ra thế hệ cán bộ mới, con người mới không chỉ có giác ngộ chính trị, đạo đức cách mạng mà còn có tri thức, hiểu biết sâu rộng góp phần đưa sự nghiệp “kháng chiến thành công, kiến quốc thắng lợi”(13). Những kinh nghiệm, lời giáo huấn được rút ra từ tấm gương tự học bền bỉ suốt đời của Người đến nay vẫn còn nguyên giá trị, “là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá”(14) cho các thế hệ người Việt Nam học tập và làm theo.

VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH TRONG XÂY DỰNG XÃ HỘI HỌC TẬP HIỆN NAY

Hiện nay, xu thế toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 phát triển như vũ bão, yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo ngày càng cấp bách, thì việc đề cao ý thức tự học, tự nghiên cứu trở thành yêu cầu vừa cấp thiết trước mắt, vừa cơ bản, lâu dài nhằm xây dựng xã hội học tập. Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo chỉ rõ một trong các nhiệm vụ, giải pháp cơ bản thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam là “hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập”. Đây là chủ trương lớn, đúng đắn của Ðảng và Nhà nước ta. Xã hội học tập là cơ sở tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Thấm nhuần những kinh nghiệm và chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quán triệt chủ trương xây dựng xã hội học tập của Đảng ta, cần nhận thức và thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của toàn dân về xây dựng xã hội học tập. Xã hội học tập là một xã hội mà ở đó mọi người dân có nhu cầu học tập đều được đáp ứng và đều có nghĩa vụ học tập. Trong xã hội học tập, ai cũng được học thường xuyên, học suốt đời, trong đó ý thức tự giác tự học là yếu tố quyết định nhất. Do đó, cần phát huy trách nhiệm của toàn dân, của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về xây dựng xã hội học tập. Chỉ khi nào mọi người dân nhận thức rõ về sự cần thiết, vai trò, tác động, ích lợi của học tập suốt đời và những điều kiện xây dựng xã hội học tập thì khi đó nhu cầu tự học tập được hình thành, củng cố và phát triển bền vững. Nghĩa là, phải hình thành ở người dân động cơ tự học tập đúng đắn. Trong điều kiện cách mạng Công nghiệp 4.0 phát triển như vũ bão, bên cạnh các hình thức tuyên truyền truyền thống (phát thanh, truyền hình, báo, tạp chí, tổ chức các hội thảo, diễn đàn….) cần tận dụng tối đa ưu thế của internet và mạng xã hội trong tuyên truyền, định hướng nhận thức của người dân và phát triển các hình thức tự học tập cho các đối tượng dân cư. Tuy nhiên, cần chú trọng quản lý chặt chẽ an toàn, an ninh thông tin mạng và xây dựng môi trường thông tin mạng xã hội lành mạnh nhằm thúc đẩy xã hội học tập, đúng định hướng chính trị, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hai là, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho toàn dân học tập. Cơ chế chính sách có vai trò đặc biệt quan trọng trong định hướng, thúc đẩy các hoạt động xây dựng xã hội học tập phát triển lành mạnh, hiệu quả thực chất. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách quan tâm phát triển xã hội học tập, thúc đẩy tự học tập suốt đời đáp ứng mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới. Do đó, các cấp uỷ, chính quyền, địa phương cần quán triệt, cụ thể hoá các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương về phát triển giáo dục, đào tạo và xây dựng xã hội học tập, nhất là Quyết định số 1373/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”. Trong đó, tập trung quán triệt, cụ thể hoá quan điểm xây dựng xã hội học tập dựa trên nền tảng phát triển đồng thời, gắn kết và liên thông giữa giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên, liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo; vận dụng mọi hình thức giáo dục, đào tạo tiên tiến, hiệu quả, phù hợp với mục tiêu giáo dục đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Ba là, chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình xã hội học tập. Việc nhân rộng các mô hình xã hội học tập có vai trò quan trọng nhằm thúc đẩy xây dựng xã hội học tập. Cấp uỷ, chính quyền các cơ quan, đơn vị, địa phương cần chú trọng nhân rộng các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”… theo hướng thiết thực, hiệu quả, nhằm phát triển phong trào tự học tập trong mọi gia đình, dòng họ, cộng đồng và cơ quan, tổ chức. Để các mô hình này không phát triển tự phát cần xây dựng tiêu chí cụ thể phù hợp với từng loại mô hình, sát đặc điểm đối tượng, tránh rập khuân, máy móc hoặc hình thức, chiếu lệ dẫn đến hiệu quả hoạt động thấp. Đồng thời, gắn kết chặt chẽ hoạt động của các mô hình xã hội học tập với nội dung các phong trào thi đua ở các địa phương, cơ quan, đơn vị tạo động lực thúc đẩy việc kiện toàn, phát triển các mô hình xã hội học tập.

Bốn là, củng cố lại các trung tâm học tập cộng đồng, các cơ sở giáo dục thường xuyên theo hướng áp dụng chuyển đổi số và dạy học trực tuyến tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mọi người dân tiếp cận với các hình thức giáo dục. Đổi mới công tác quản lý các trung tâm học tập cộng đồng, các cơ sở giáo dục thường xuyên, quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ, tin học. Xây dựng chương trình giáo dục thường xuyên theo hướng mềm dẻo, linh hoạt để mọi người, mọi lứa tuổi, mọi trình độ, mọi vùng miền đều có thể tiếp cận các tri thức ứng dụng vào thực tiễn đời sống, công tác và sản xuất. Bên cạnh đó, cần chú trọng áp dụng chuyển đổi số và dạy học trực tuyến, các chương trình đào tạo từ xa, các khóa học trực tuyến nhằm giảm chi phí, tạo cơ hội học tập cho các đối tượng; đổi mới phương thức học tập và áp dụng những tiện ích với công nghệ số, đặc biệt là các phương tiện dạy học cộng đồng.

Năm là, huy động tối đa các nguồn lực xã hội trong công tác xây dựng xã hội học tập. Xây dựng xã hội học tập không phải là nhiệm vụ riêng của ngành giáo dục mà là trách nhiệm của toàn dân, của cả hệ thống chính trị. Do đó, mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp cần bảo đảm nguồn lực cần thiết đầu tư xây dựng xã hội học tập. Để tránh tình trạng dàn trải, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần quy định rõ định mức đầu tư cho các hoạt động tự học tập sát thực tiễn với từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ nguồn lực vật chất, trí tuệ, công nghệ bên ngoài bảo đảm đa dạng hoá các hoạt động xây dựng xã hội học tập.

Xây dựng xã hội học tập, thúc đẩy tự học tập của toàn dân là chủ trương đúng đắn phù hợp với yêu cầu đòi của thực tiễn, nhu cầu học tập của nhân dân. Tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh về học tập suốt đời, lấy tự học làm cốt là những kinh nghiệm quý báu và chỉ dẫn quan trọng để mỗi cấp uỷ, chính quyền và toàn dân học tập và làm theo. Hiệu quả thực hiện chủ trương này phụ thuộc vào nhiều nhân tố song xét đến cùng bắt nguồn từ sự thống nhận thức nhận thức và hành động trong Đảng cũng như ngoài Đảng. Đúng như chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nếu trong Đảng và ngoài Đảng từ trên xuống dưới, từ trong đến ngoài đều tư tưởng thống nhất và hành động thống nhất thì nhiệm vụ tuy nặng nề, công việc tuy khó khăn phức tạp, ta cũng nhất định thắng lợi”(15)./.

Trung tá, ThS. NGUYỄN TRUNG THÀNH
Đại học Chính trị, Bộ Quốc phòng
Nguồn: tuyengiao.vn
___________________

(1) (3) (9) (11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.6, tr.360, 208, 361, 361.

(2) (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.344, 187.

(4) (10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.113, 335.

(5) (6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.98, 601. 

(8) (13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.613, 715. 

(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.90.

(14) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, tr.88.

(15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.555.

Bạn đang đọc bài viết Xây dựng xã hội học tập theo tư tưởng Hồ Chí Minh tại chuyên mục Thông tin tuyên truyền của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19