Trường Đại học tự chủ tài chính đầu tiên của Việt Nam: 20 năm vươn ra biển lớn

Sau 20 năm hình thành và phát triển, Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG-HCM) đã đạt được nhiều thành tựu trong giảng dạy, nghiên cứu, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam nói riêng và khu vực quốc tế nói chung.

Được thành lập vào tháng 12 năm 2003, Trường ĐH Quốc tế (ĐHQT) là trường đại học công lập đầu tiên sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính trong việc giảng dạy và nghiên cứu. Trường ĐHQT có hơn 11.000 sinh viên và gần 600 học viên, nghiên cứu sinh bậc Sau đại học.

Trường hiện có 10 Khoa và 02 Bộ môn trực thuộc trường với 23 chương trình đào tạo bậc Đại học do Trường ĐHQT cấp bằng, 23 chương trình bậc Đại học liên kết với các đối tác uy tín, có thứ hạng cao trên thế giới ở Bắc Mỹ - Châu Âu - Châu Úc, 12 chương trình bậc Thạc sĩ và 05 chương trình bậc Tiến sĩ. Bên cạnh đó, trường còn có 21 chương trình đào tạo song ngành và 7 chương trình đào tạo liên thông từ Đại học lên Thạc sĩ BS-MS.

PGS.TS. Đinh Đức Anh Vũ – Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐHQT – cho biết: “Là một trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm khoa học tự nhiên, kỹ thuật công nghệ và khoa học xã hội (kinh tế, tài chính, quản lý và ngôn ngữ Anh) với mục tiêu là trở thành một trong những trường đại học định hướng nghiên cứu hàng đầu tại Việt Nam và trong khu vực, có khả năng đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng được nhu cầu phát triển và hội nhập của đất nước. Để đạt được mục tiêu đó, Trường ĐHQT đã không ngừng đổi mới cơ chế quản lý, nỗ lực kiên trì xây dựng đội ngũ, nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển năng lực nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng”.

Trường ĐHQT luôn là một trong những cơ sở giáo dục đại học có thành tích công bố khoa học quốc tế được xếp hạng cao trong cả nước, với tỷ lệ hàng năm luôn đạt 1,4 – 1,7 bài báo tạp chí quốc tế ISI, Scopus/Tiến sĩ. Trường ĐHQT luôn xác định yếu tố con người là then chốt để phát triển KHCN. Trường ĐHQT đã thành lập được 32 nhóm nghiên cứu tiêu biểu thuộc tất cả các lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học của nhà trường.

Sau 20 năm hình thành và phát triển, Trường ĐHQT đã trở thành một trong những trường đại học công lập có uy tín trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam với nhiều chương trình đào tạo đạt chuẩn đánh giá của AUN-QA, ABET, ASIIN. Trường ĐHQT là cơ sở giáo dục đạt chất lượng kiểm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (MOET - 2015). Đặc biệt, năm 2018, trường ĐHQT đạt chuẩn đánh giá cấp cơ sở giáo dục của AUN-QA. Và năm 2022, Trường ĐHQT vinh dự là 1 trong 7 trường Đại học của Việt Nam đạt chuẩn đào tạo quốc tế (Bộ GD&ĐT công bố). 

Trường ĐHQT có 522 viên chức, người lao động. Trong đó, 222 giảng viên với 05 giáo sư, 39 phó giáo sư, 110 tiến sĩ và 68 thạc sĩ. Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sỹ trở lên của trường là 69%.

Trong 20 năm qua, Trường ĐHQT đã có gần 200 Thỏa thuận hợp tác và 290 Biên bản ghi nhớ hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước, đón gần 1000 đoàn đối tác trong và ngoài nước đến thăm và làm việc. 

Với những thành tích về khoa học và công nghệ trong năm, giảng viên của nhà trường cũng đạt được nhiều giải thưởng về Khoa học và Công nghệ tiêu biểu trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, các hoạt động Khoa học và Công nghệ của sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh cũng diễn ra sôi nổi và đạt được nhiều giải thưởng cao quý.

Mỗi năm, nhằm khuyến khích sinh viên hệ đại học và sau đại học với thành tích tốt, trường ĐHQT dành trên 37 tỷ đồng từ nguồn kinh phí của trường để cấp học bổng cho sinh viên, học viên đạt kết quả tốt trong kì thi tuyển sinh cũng như những bạn đạt thành tích học tập tốt tại trường.

Từ năm 2012 đến nay, hầu hết sinh viên của nhà trường có việc làm ngay khi vừa tốt nghiệp. Trung bình mỗi năm, tùy theo ngành, có khoảng 95% sinh viên trường ĐHQT tốt nghiệp có việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo trong vòng một năm sau khi ra trường. Trong số sinh viên có việc làm, trung bình có 28% sinh viên tốt nghiệp đang làm việc tại các công ty, tập đoàn nước ngoài, 35% sinh viên tốt nghiệp làm việc tại các tập đoàn, công ty có yếu tố nước ngoài hoặc liên kết với nước ngoài. Cũng theo đánh giá của các đơn vị sử dụng lao động, 94% doanh nghiệp hài lòng với chất lượng đào tạo từ nhà trường. Ngoài ra, nhiều cử nhân, kỹ sư sau khi tốt nghiệp được nhận học bổng cao học hoặc nghiên cứu sinh từ các trường đại học nước ngoài, đạt được nhiều thành tựu nghiên cứu khoa học. Trong số đó, không ít cựu sinh viên đã trở thành những giảng viên trẻ của nhà trường. 

Trịnh Nhung.

Bạn đang đọc bài viết Trường Đại học tự chủ tài chính đầu tiên của Việt Nam: 20 năm vươn ra biển lớn tại chuyên mục Thông tin tuyên truyền của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn