Hút thuốc lá và những nguy cơ về bệnh ung thư phổi

Ung thư phổi là một trong những ung thư đứng hàng đầu và là nguyên nhân gây tử vong cao nhất trong các bệnh nhân ung thư ở nam giới. Những người nghiện thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp từ 20 - 40 lần so với người không hút thuốc lá. Các trường hợp ung thư phổi thường được phát hiện ở các giai đoạn muộn của bệnh, vì vậy phần lớn đều không thể chữa trị khỏi. Do vậy, một trong những biện pháp phòng ung thư phổi là không hút thuốc lá

Ung thư phổi là một trong những loại ung thư phổ biến và thường khó phát hiện ở giai đoạn đầu. Người hút thuốc lá có nguy cơ cao hơn so với người không hút thuốc. Ngoài ra, việc tiếp xúc với khói thuốc lá từ người khác cũng có thể tăng nguy cơ phát triển ung thư phổi. Đối với những trường hợp hút thuốc lá nhiều và có tiền sử hút thuốc lá nên đi tầm soát để biết được bản thân có bị ung thư phổi hay không. Đối với những người làm việc trong môi trường bụi bẩn, gia đình có tiền sử bị ung thư phổi nên đi tầm soát sớm. Ngoài ra, người bệnh cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lí.

Dưới đây là một số nguy cơ dẫn đến bệnh ung thư phổi khi hút thuốc lá:

- Chất gây ung thư: Thuốc lá chứa các chất hóa học như Benzen, Formaldehyde, Arsenic và nhiều chất khác có khả năng gây ung thư.

- Nicotin: Là chất gây nghiện chủ yếu trong thuốc lá. Nó tăng cường sản xuất Dopamine trong não, tạo ra sự phụ thuộc và làm tăng nguy cơ hút thuốc liên tục.

- Gây tổn thương cho tế bào phổi: hút thuốc lá gây tổn thương cho các tế bào phổi, làm tăng khả năng phát sinh tế bào ung thư.

- Gây viêm nhiễm và tổn thương các đường hô hấp: thuốc lá có thể gây viêm nhiễm và làm tổn thương các cấu trúc trong đường hô hấp, làm tăng nguy cơ phát triển bệnh ung thư.

- Tăng nguy cơ ung thư phổi: Những người hút thuốc lá có nguy cơ cao hơn gấp nhiều lần so với người không hút thuốc.

- Nguy cơ tăng lên theo thời gian và số lượng hút: Nguy cơ ung thư phổi tăng lên theo thời gian và tăng theo số lượng thuốc lá được hút mỗi ngày.

- Nguy cơ cho người xung quanh: người xung quanh, đặc biệt là những người sống chung cũng có nguy cơ tăng lên do hít phải khói thuốc lá, gây hại cho sức khỏe của họ.

Hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây ung thư phổi (Ảnh: Internet)

Thông thường, khi chúng ta hít thở, không khí sẽ vào đường hô hấp trên qua mũi, miệng - nơi không khí được lọc, sưởi ấm và làm ẩm rồi đi qua khí quản để vào phổi. Khi khói thuốc đi vào miệng, người hút thuốc đã bỏ qua cơ chế bảo vệ thứ nhất là quá trình lọc ở mũi nên sẽ đưa nhiều độc tố vào cơ thể hơn. Hút thuốc cũng gây tăng tính đáp ứng đường thở. Do ảnh hưởng của các chất độc hại có trong khói thuốc lá, đường thở dễ bị co thắt, luồng khí hít vào và thở ra bị cản trở, có thể gây khó thở. Những người hút thuốc dễ bị nhiễm virus, vi khuẩn, dễ mắc lao phổi, bệnh phổi mạn tính, đặc biệt là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Đặc biệt, ung thư phổi rất thường gặp ở các nước công nghiệp phát triển, ở thành thị số người bị ung thư phổi nhiều gấp 5 lần ở nông thôn. Những công nhân tiếp xúc với bụi silic có nguy cơ cao bị ung thư phổi. Ngoài ra, có những yếu tố nguy cơ khác liên quan đến ung thư phổi như: làm việc tiếp xúc tia phóng xạ, mỏ than, dầu mỏ,... Ô nhiễm môi trường cũng có vai trò gia tăng ung thư phổi. Nếu bạn hút thuốc, việc ngừng hút là bước quan trọng nhất để giảm nguy cơ ung thư phổi. Bên cạnh đó, cần duy trì một lối sống lành mạnh: ăn uống đủ dinh dưỡng, tập thể dục đều đặn có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch và giảm nguy cơ mắc nhiều loại bệnh, trong đó có ung thử phổi; giữ gìn sức khỏe tinh thần - một tâm lí khỏe mạnh cũng rất quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tổng thể và có thể ảnh hưởng đến khả năng chống lại bệnh tật. Cùng với đó, cần tạo môi trường sống sạch - đẹp, bầu không khí trong lành không khói thuốc

Việc thực hiện các biện pháp trên có thể giúp giảm nguy cơ, nhưng không đảm bảo ngăn chặn hoàn toàn ung thư phổi. Kiểm tra định kỳ là yếu tố quan trọng để phát hiện sớm ung thư và điều trị bệnh hiệu quả. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác nhận rằng, việc ngừng hút thuốc lá có thể giảm nguy cơ ung thư phổi và cải thiện sức khỏe tổng thể của mỗi người. Người hút thuốc nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế để có thể bắt đầu quá trình cai thuốc lá.

Hoàng Huyền (sưu tầm, tổng hợp)

 

Bạn đang đọc bài viết Hút thuốc lá và những nguy cơ về bệnh ung thư phổi tại chuyên mục Phòng, chống tác hại của thuốc lá trong ngành Giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19