Tạo sân chơi, khơi nguồn sáng tạo cho học sinh.

Nhằm tạo môi trường học tập lành mạnh, sân chơi để các em được tham gia và trải nghiệm các hoạt động khoa học lý thú, áp dụng kiến thức vào thực tiễn, trường Tiểu học Thịnh Quang đã tổ chức các cuộc thi, ngày hội sáng tạo. Đặc biệt, hàng năm, nhà trường đều tạo điều kiện cho học sinh tham gia Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc.

Cuộc thi do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức là sân chơi nhằm khơi dậy tiềm năng và phát huy tư duy sáng tạo của thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc, đồng thời giúp các em trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng sáng tạo, xây dựng ước mơ để trở thành nhà sáng chế trong tương lai.

Các em học sinh xuất sắc đạt giải Nhì cuộc thi.

Năm 2023, cuộc thi có 760 đề tài tham gia đến từ 54 tỉnh, thành phố trên cả nước. Các đề tài thuộc các lĩnh vực: Đồ dùng học tập; phần mềm tin học; sản phẩm thân thiện với môi trường; các dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em; các giải pháp kỹ thuật nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế.

Tham gia cuộc thi năm nay, học sinh trường Tiểu học Thịnh Quang tiếp tục mang đến các mô hình sáng tạo đặc sắc. Theo đó, hai em học sinh Nguyễn Anh Trang và Đoàn Ngọc Quang đã xuất sắc đạt giải Nhì của cuộc thi với mô hình “Về với cội nguồn”.

Ban Giám hiệu trường Tiểu học Thịnh Quang chúc mừng các tác giả.

Mô hình Về với cội nguồn là sản phẩm sáng tạo được truyền cảm hứng từ tình yêu quê hương đất nước đến từ bốn học sinh trường Tiểu học Thịnh Quang, THCS Huy Văn, THCS Mai dịch và THPT Đào Duy Từ. Mô hình nhằm cung cấp các kiến thức lịch sử, địa lý, văn hóa của dân tộc Việt Nam thông qua sự kết hợp giữa các trò chơi dân gian như xúc xắc, cá ngựa…và vận dụng hợp lý các thiết bị công nghệ điện tử. Ở mô hình, hình ảnh đất nước Việt Nam hình chữ S được lắp ghép sinh động từ 63 miếng ghép được bồi vải tái chế khéo léo. Hình ảnh các di tích lịch sử trong những bức tranh làm từ vải tái chế cũng đem lại một hơi thở mới mẻ mà không kém phần sinh động. Ngoài ra, mô hình vận dụng hệ thống mã QR gắn với các video về văn hóa lịch sử cùng màn hình máy tính giúp người dùng có thể truy cập vào kho tàng tri thức văn hóa lịch sử một cách thuận tiện.

Trên tinh thần “học mà chơi - chơi mà học”, mô hình đem đến các trò chơi dân gian để người dùng có thể chơi theo đội, nhóm, có thể đưa vào các tiết học chính khóa, các giờ sinh hoạt ngoại khóa hay đơn giản hơn là các thành viên trong cùng gia đình chơi với nhau; các bạn nhỏ cùng khu dân cư quây quần chơi với nhau. Mô hình có thể được coi là một phương thức truyền tải kiến thức, tình yêu quê hương đất nước một cách gần gũi, sinh động. Trong tương lai, mô hình hoàn toàn có thể được mở rộng trên nhiều lĩnh vực khác như ẩm thực, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên, các trận chiến anh hùng của dân tộc.

“Với mong muốn tạo cơ hội cho học sinh đem kiến thức đã học áp dụng vào thực tế, được tham gia vào sân chơi STEM bổ ích, nhà trường đã có những hoạt động liên quan như tổ chức "Ngày hội sáng tạo", "Góc sáng tạo", từ đó lựa chọn được sản phẩm dự thi. Đồng thời, nhà trường cũng cử giáo viên phụ trách, tư vấn, hỗ trợ học sinh. Nhiều năm qua, học sinh nhà trường liên tục gặt hái thành công khi tham gia cuộc thi”. Cô Trần Thị Lan Hương, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thịnh Quang chia sẻ đầy tự hào.

Lê Thịnh.

Bạn đang đọc bài viết Tạo sân chơi, khơi nguồn sáng tạo cho học sinh. tại chuyên mục Thông tin tuyên truyền của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19