Tích hợp công nghệ giáo dục trong đại dịch Covid-19: Phân tích từ góc độ tiếp nhận của giáo viên và học sinh

Nghiên cứu của hai tác giả Athanasios Christopoulos và Pieter Sprangers phân tích việc tích hợp nền tảng công nghệ giáo dục và lý giải những khó khăn nảy sinh trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Cụ thể, nhóm nghiên cứu tìm cách xác định những rào cản chính mà các nhà quản lý giáo dục và giáo viên gặp phải khi xem xét việc áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) trong hoạt động giảng dạy.

Sự phát triển ngày càng nhanh chóng của Công nghệ Thông tin và Truyền thông (ICT) trong giáo dục đã thúc đẩy các nghiên cứu đo lường tác động của công nghệ đối với các yếu tố động lực, hiệu suất và sự tham gia của người học. Các nhà nghiên cứu thường chỉ ra rằng những hạn chế trong việc triển khai công nghệ giáo dục — cả ở môi trường trong và ngoài lớp học — có thể xuất phát từ một trong những yếu tố: thiếu chương trình đào tạo giáo viên trong việc xây dựng kiến thức và kĩ năng chuyên môn liên quan đến công nghệ thông tin, thiếu kinh phí và nguồn lực, thiếu định hướng liên quan đến thiết kế và phân phối các nền tảng giáo dục điện tử, chưa có đủ các chính sách khuyến khích, tạo động lực cho người học ứng dụng công nghệ.

Đại dịch Covid-19 đã góp phần làm nảy sinh những mối quan tâm và bộc lộ các hạn chế của những phương pháp giảng dạy thông thường, chẳng hạn:

(i) Động lực học tập của học sinh: Giáo viên cố gắng khích lệ học sinh học tập qua màn hình máy tính, song quá trình này không dễ dàng.

(ii) Ảnh hưởng đến chuyên môn và gây khó khăn cho giáo viên: Không có phương tiện giảng dạy quen thuộc, ý thức về năng lực bản thân và bản sắc nghề nghiệp của giáo viên bị ảnh hưởng.

(iii) Bất bình đẳng trầm trọng hơn: Cảm nhận về sự mất mát ngày càng sâu sắc khi giáo viên chứng kiến sự gia tăng của bất bình đẳng xã hội đang định hình cuộc sống của học sinh.

Từ góc độ học sinh, năm yếu tố động lực trong chuỗi các hành động liên tục nhằm khẳng định sự tự quyết tâm của bản thân đã được xác định: sự điều chỉnh từ bên ngoài (external regulation), sự điều chỉnh nội nhập (introjected regulation), sự điều chỉnh được xác định (identified regulation), sự điều chỉnh tích hợp (integrated regulation) và sự điều chỉnh nội tại (intrinsic regulation). Những vị trí này ảnh hưởng đến sự nỗ lực hết mình và tham gia của người học vào quá trình học tập. Tuy nhiên, trong thời gian giãn cách xã hội, học sinh thường không thể tự điều chỉnh hoạt động học tập của mình do thiếu sự hỗ trợ từ bên ngoài, sự hướng dẫn của giáo viên và sự hỗ trợ từ bạn bè. Do đó, quá trình học tập của các em chủ yếu bị ảnh hưởng bởi sở thích học tập cá nhân, quyết tâm tiến bộ của chính bản thân các em, giá trị mà học sinh gán cho các hoạt động học tập trên nền tảng kĩ thuật số và sự thích thú hoặc hài lòng mà việc học tập trên nền tảng công nghệ có thể mang lại.

Trên cơ sở đó, nghiên cứu này khám phá các yếu tố liên quan đến việc thích ứng với công nghệ chủ yếu từ quan điểm của giáo viên và quan điểm của học sinh, bởi học sinh khó có khả năng đưa ra các quyết định sáng suốt và/hoặc không có điều kiện dễ dàng để đưa ra các quyết định liên quan đến hoạt động giáo dục và cơ hội nghề nghiệp sau này. Cụ thể, câu hỏi nghiên cứu là: Những yếu tố nào ảnh hưởng đến thái độ của giáo viên và học sinh tiểu học và trung học cơ sở đối với việc áp dụng công nghệ cho giáo dục toán học trong các bối cảnh và hoàn cảnh khác nhau (trường học so với ở nhà) (tiếp xúc so với dạy học từ xa)?

Kết quả nghiên cứu cho thấy, bất chấp sự chênh lệch về tuổi tác và kinh nghiệm giảng dạy của các giáo viên tham gia khảo sát, họ đều cho thấy bản thân đã có nỗ lực rõ ràng nhằm điều chỉnh các hoạt động giảng dạy của mình phù hợp với hệ thống giáo dục hiện đại (ví dụ: ủng hộ phương pháp giáo khoa lấy học sinh làm trung tâm, tích hợp các giải pháp công nghệ giáo dục). Tuy nhiên, các giáo viên người Bỉ có xu hướng thường sử dụng các công cụ giảng dạy kĩ thuật số thương mại cho các nhiệm vụ đơn giản (ví dụ: phổ biến nội dung học tập, đánh giá kiến thức của học sinh). Kết quả này có thể một phần là do năng lực kỹ thuật số của giáo viên còn hạn chế, nhưng cũng một phần đến từ hạn chế của hạ tầng, trang thiết bị.

Phân tích quan điểm của học sinh về việc áp dụng các hệ thống học tập kỹ thuật số cho thấy rằng ngay cả các công cụ có khả năng tùy biến cao cũng có thể không phù hợp hoặc không đủ để áp dụng rộng rãi (chẳng hạn trên quy mô một quốc gia). Tuy nhiên, học sinh ở cả hai cấp học (tiểu học và trung học cơ sở) đã đề cập đến nhiều công cụ học tập kỹ thuật số được sử dụng để đáp ứng các nhu cầu giảng dạy khác nhau của nhiều môn học khác nhau.

Về nền tảng tích hợp, học sinh thừa nhận tiềm năng của các công nghệ này trong việc cung cấp trải nghiệm học tập tương tác và hấp dẫn. Tuy nhiên, tác động cá nhân của nền tảng khác nhau, khi học sinh hiểu và ứng dụng các tính năng tích hợp đó theo các cách khác nhau. Các yếu tố này một phần chịu ảnh hưởng nhóm tuổi của học sinh và đồng nghĩa với đó là trình độ học vấn. Cụ thể, học sinh tiểu học có xu hướng tương tác với công cụ được hệ thống tự động đề xuất nhiều hơn so với học sinh trung học – vốn có tư duy trưởng thành hơn.

Đối với những hạn chế của hệ thống giảng dạy và học tập thử nghiệm, học sinh đã chỉ ra khoảng cách giữa nội dung giáo dục được cung cấp và chương trình giảng dạy của từng khu vực, cùng với đó là phần mô tả bài tập bằng tiếng Anh gây khó khăn. Mặc dù các nhà phát triển đã nỗ lực nhằm sắp xếp các lộ trình học tập được lập sẵn cho phù hợp với chương trình giảng dạy của từng địa phương, những khác biệt (dù lớn hay nhỏ) đã khiến một bộ phận học sinh không hài lòng. Tương tự như vậy, ngôn ngữ tiếng Anh được sử dụng chủ yếu trong các phần chức năng trên giao diện người dùng của phần mềm khiến một số học sinh khó làm việc với công cụ tích hợp. Do đó, những nỗ lực trong tương lai nên được tiến hành với sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa nhà cung cấp công nghệ giáo dục và giáo viên địa phương. Tương tự như vậy, việc dịch thuật giao diện người dùng nên được coi là một bước thiết yếu để tăng động lực của người học và đi kèm với nó là sự hài lòng. Hơn nữa, việc nhiều các bài tập được “trò chơi” hoá ở cấp trung học cơ sở dường như không cần thiết. Do đó, cũng cần đặc biệt chú ý đến mức độ ứng dụng phương pháp “trò chơi hoá”  hay nói cách khác là tần suất các bài tập ứng dụng phương pháp. Cuối cùng, trục trặc kỹ thuật của hệ thống cũng được nhấn mạnh là một trong những yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến trải nghiệm người dùng.

Vân An lược dịch

Nguồn:

Christopoulos, A., & Sprangers, P. (2021). Integration of educational technology during the Covid-19 pandemic: An analysis of teacher and student receptions. Cogent Education, 8(1). https://doi.org/10.1080/2331186x.2021.1964690

Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Tích hợp công nghệ giáo dục trong đại dịch Covid-19: Phân tích từ góc độ tiếp nhận của giáo viên và học sinh tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19