Tích hợp công nghệ trong giáo dục tiểu học: rào cản nhận thức, nhu cầu của giáo viên và cách giải quyết

Để thúc đẩy thành công việc tích hợp công nghệ trong giáo dục, thiết lập các tiêu chuẩn chương trình giảng dạy tổng thể, hỗ trợ nâng cao chuyên môn cho giáo viên, nghiên cứu của nhóm tác giả Christina Ioanna Pappa, Despoina Georgiou & Daniel Pittich tiến hành tìm hiểu thực trạng tích hợp công nghệ trong giáo dục tiểu học, xác định những thách thức cũng như nhu cầu hỗ trợ tích hợp công nghệ.

Mặc dù tác động của công nghệ trong mọi lĩnh vực của xã hội ngày một lớn, nhưng chủ đề công nghệ trong giáo dục phổ thông thường không được quan tâm hoặc nhấn mạnh đầy đủ so với các môn học STEM khác (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học), chẳng hạn như toán học và khoa học (Bozick et al., 2017; de Vries, 2019; Mammes et al., 2019). Trong suy nghĩ của mọi người, công nghệ thường chỉ liên quan đến khoa học máy tính và các khía cạnh trong tích hợp công nghệ vào môi trường trực tuyến hoặc sử dụng các công cụ trực tuyến (Davies, 2011; Firat, 2017; Wender, 2004). Việc tích hợp STEM có liên quan chặt chẽ đến năng lực nhận thức của giáo viên, cũng như đánh giá và mức độ sẵn sàng dạy STEM của họ (Margot & Kettler, 2019). Những giáo viên không tự tin về kiến thức STEM của mình có thể gặp khó khăn khi tích hợp các chủ đề liên quan đến STEM và công nghệ (Margot & Kettler, 2019; McMullin & Reeve, 2014). Tích hợp các chủ đề liên quan đến công nghệ trong lớp học thường được coi là phức tạp hơn so với khoa học và toán học.

Do đó, Christina Ioanna Pappa, Despoina Georgiou & Daniel Pittich thực hiện nghiên cứu tìm hiểu thực trạng tích hợp công nghệ, nhận thức của giáo viên tiểu học về những giá trị của việc tích hợp công nghệ trong dạy học; đồng thời xác định những thách thức và nhu cầu hỗ trợ để đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy và nâng cao giảng dạy và thực hành công nghệ dạy học.

Nghiên cứu sử dụng phương pháp định tính để điều tra quan điểm của giáo viên tiểu học về việc tích hợp các môn học liên quan đến công nghệ, một lĩnh vực chưa được khám phá đầy đủ trong các nghiên cứu trước đây. Các cuộc phỏng vấn bán cấu trúc cũng được áp dụng nhằm hỗ trợ phương pháp nghiên cứu.

Kết quả nghiên cứu phát hiện ra giáo viên tiểu học coi trọng việc tích hợp các môn học liên quan đến công nghệ trong quá trình giảng dạy. Hầu hết những giáo viên phỏng vấn đều cho rằng “sử dụng hằng ngày” và “nhu cầu sử dụng công nghệ trong tương lai” là những lý do quan trọng để tích hợp công nghệ. Một phát hiện quan trọng khác, tuy giáo viên nhận định rằng “tích hợp công nghệ là cần thiết” nhưng mức độ tích hợp lại tương đối thấp. Nguyên nhân do thiếu khung chương trình chuẩn và rõ ràng, cũng như thách thức về thời lượng giảng dạy dẫn đến việc ít tích hợp công nghệ trong giảng dạy (Koch et al., 2019; Mammes et al., 2016; Rasinen et al., 2009). Bên cạnh đó, giáo viên không đủ năng lực để tích hợp các chủ đề liên quan đến công nghệ vào bài giảng vì họ thiếu kiến thức nội dung cần thiết và không cảm thấy đủ tự tin với khả năng của mình. Rõ ràng việc thiếu kiến thức, sự rõ ràng và đào tạo có thể ảnh hưởng đến năng lực và sự tự tin của giáo viên trong việc tích hợp công nghệ (Mammes et al., 2012; Möller et al., 1996; Rohaan, 2009; Thibaut et al., 2019; Yoon et al., 2018). Nhóm tác giả nhận định động lực nâng cao chuyên môn của giáo viên, cùng với quá trình đào tạo là những yếu tố chính liên quan đến trình độ chuyên môn trong tích hợp công nghệ dạy học. Như các nghiên cứu khác đề xuất, giáo viên cần nhận được sự hỗ trợ từ nhà trường, chính sách và nỗ lực đào tạo để có động lực phát triển hơn nữa các kỹ năng chuyên môn liên quan đến công nghệ (Georgiou et al., 2020).

Ngoài những phát hiện trên, nghiên cứu cũng đề cập tới một số rào cản đối với việc tích hợp công nghệ trong giáo dục. Cụ thể, hầu hết giáo viên đều đề cập đến việc thiếu tài nguyên - tài liệu và thiết bị giảng dạy; thiếu kiến thức về nội dung, hạn chế về thời gian,... Giáo viên cũng bày tỏ một số rào cản như lo lắng đến sự an toàn của học sinh khi làm việc với các thiết bị điện tử và điện, quy mô lớp học, chương trình giảng dạy và những hạn chế của giáo viên với công nghệ.

Phát hiện của nghiên cứu nhấn mạnh các yếu tố quyết định thiết yếu đối với việc tích hợp công nghệ - cụ thể là kiến thức về nội dung công nghệ của giáo viên, sự tự tin, nhu cầu đào tạo và nhu cầu về sự rõ ràng trong các tiêu chuẩn chương trình giảng dạy. Nghiên cứu này xây dựng cơ sở kiến thức cần thiết để thúc đẩy những nỗ lực trong tương lai nhằm chuẩn hóa thành công khung chương trình giảng dạy cũng như phát triển và triển khai các chương trình nâng cao chuyên môn định hướng công nghệ cho giáo viên tiểu học.

Huyền Đức lược dịch

Nguồn:

Pappa, C. I., Georgiou, D., & Pittich, D. (2023). Technology education in primary schools: addressing teachers’ perceptions, perceived barriers, and needs. International Journal of Technology and Design Education, 1-19. https://doi.org/10.1007/s10798-023-09828-8

Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Tích hợp công nghệ trong giáo dục tiểu học: rào cản nhận thức, nhu cầu của giáo viên và cách giải quyết tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19