Trẻ em ở các khu vực thu nhập thấp tại Úc cải thiện kết quả học tập trong thời kì đại dịch Covid-19 như thế nào?

Học sinh tại một số trường ở các khu vực dân cư có thu nhập thấp tại Úc không những không gặp tình trạng “thiếu hụt kiến thức” đáng kể trong các năm cao điểm của đại dịch Covid-19 (2020-2021), mà thậm chí còn cải thiện kết quả học tập ở một số lĩnh vực nhất định.

Đây là một trong những phát hiện chính trong nghiên cứu của nhóm tác giả Andrew Miller, Jenny Gore và Leanne Fray (Đại học Newcastle), xuất bản mới đây trên tạp chí The Australian Educational Researcher.

Trên thực tế, nhóm nghiên cứu nhận thấy những học sinh được coi là có nguy cơ “thiếu hụt trải nghiệm học tập” nhất trong thời kỳ đại dịch đã thực sự đạt được tiến bộ lớn trong môn toán và cải thiện năng lực môn Đọc hiểu ở mức tương đương khi so sánh với dữ liệu của một nhóm học sinh tương tự từ năm 2019.

Kết quả này cho thấy một điểm sáng trong ba năm đầy thử thách vừa qua và nhấn mạnh những kết quả có thể đạt được khi các chương trình hỗ trợ nhằm giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhất được triển khai tốt. Tuy nhiên, vẫn còn một chặng đường dài phía trước để loại bỏ hoàn toàn tình trạng bất bình đẳng về cấu trúc trong hệ thống trường học của Úc, đồng thời thu hẹp khoảng cách thành tích giữa các nhóm học sinh với các đặc điểm nhân khẩu khác nhau.

Các kết quả chính

Nghiên cứu sử dụng dữ liệu về kết quả học tập của học sinh lớp 3 và lớp 4, được thu thập trong quá trình thực nghiệm đối chứng ngẫu nhiên với 125 trường công lập ở bang New South Wales.

Từ dữ liệu này, các nhà khoa học đã thực hiện hai nghiên cứu – một nghiên cứu so sánh kết quả của học sinh năm 2020 với 2019, nghiên cứu thứ hai so sánh năm 2021 với 2019. Nói cách khác, một nghiên cứu so sánh kết quả của học sinh từ năm đầu tiên xảy ra đại dịch với năm liền trước đại dịch. Nghiên cứu còn lại so sánh kết quả học tập của những học sinh trong năm trước đại dịch với những học sinh đã trải qua một vài năm liên tiếp học tập trong điều kiện dịch bệnh (bao gồm cả việc học từ xa).

Khi so sánh các nhóm thuần tập của năm 2020 và 2019, nhóm nghiên cứu không tìm thấy sự khác biệt đáng kể nào về tổng thể thành tích môn toán hoặc môn đọc.

Tuy nhiên, việc phân tích những dữ liệu này theo các tiêu chí Chỉ số lợi thế giáo dục xã hội (một thước đo về lợi thế của các trường, trong đó tính toán các yếu tố vị trí trường học, trình độ học vấn của phụ huynh và tỷ lệ học sinh bản địa) cho thấy sự bất bình đẳng đáng lo ngại.

Trong nghiên cứu so sánh năm 2019 và 2020 (so sánh học sinh trước đại dịch với học sinh sau năm đầu tiên của đại dịch), các nhà nghiên cứu nhận thấy học sinh ở các trường tại các khu vực có điều kiện khó khăn hơn đạt kết quả thấp hơn về môn toán. Những học sinh học tập tại các trường tầm trung có thành tích cao hơn một chút.

Khi so sánh thành tích học tập của trẻ em trước đại dịch (năm 2019) với những trẻ đã trải qua hai năm dịch bệnh (năm 2021), điều đáng ngạc nhiên là kết quả khảo sát cho thấy học sinh từ các trường có điều kiện khó khăn đã đạt được tiến bộ tương đương ba tháng học đối với môn toán và mức tiến bộ tương đương ở môn đọc hiểu so với các bạn cùng lứa tuổi trước đại dịch năm 2019.

Trong khi đó, học sinh ở các trường ở khu vực có điều kiện trung bình và cao đạt kết quả học tập ngang bằng so với trước đại dịch.

Nỗi lo “mất học”

Thời kì đầu đại dịch, nhiều giáo viên, phụ huynh, nhà nghiên cứu, chính phủ và giới truyền thông đã bày tỏ sự lo lắng và suy đoán rằng kết quả học tập của học sinh sẽ giảm sút.

Tuy nhiên, nghiên cứu này cho thấy, những lo ngại lớn về thành tích học tập giảm sút trên diện rộng đã không thành hiện thực. Ngay cả với những học sinh không đạt được kết quả tương đương như những năm trước đại dịch, nhìn chung các em vẫn theo được chương trình.

Nhìn nhận lại, viễn cảnh “thiếu hụt kiến thực” hay việc học sinh bị “thụt lùi” có thể là nguồn gốc gây ra những lo lắng không cần thiết cho các gia đình.

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu ở một số nước khác đã cho thấy dường như Úc là một trường hợp ngoại lệ. Phân tích của Ngân hàng Thế giới về 35 nghiên cứu thực nghiệm về tác động của COVID-19 đối với việc học tập của học sinh đã kết luận rằng học sinh trên toàn thế giới đã bị tụt lại “khoảng nửa năm về giá trị học tập”.

Các nghiên cứu ở nước ngoài cũng cho thấy học sinh đến từ các vùng có điều kiện khó khăn có nguy cơ chịu ảnh hưởng tiêu cực cao hơn. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Harvard nhận thấy việc học tập từ xa và học tập kết hợp trong thời kỳ đại dịch đã góp phần nới rộng đáng kể khoảng cách thành tích đối với những học sinh có điều kiện khó khăn.

Ý nghĩa thực tiễn

Khi đại dịch COVID-19 buộc các chính quyền phải áp dụng giãn cách xã hội và gây ra những bấn ổn, chính phủ và các sở giáo dục trên khắp nước Úc đã huy động hàng trăm triệu đô-la để hỗ trợ các học sinh không chịu ảnh hưởng tiêu cực đến việc học tập.

Cơ chế dạy kèm của Cơ quan Giáo dục bang New South Wales, được triển khai vào năm 2021, có thể đã góp phần mang lại kết quả học tập tích cực được phản ánh qua nghiên cứu này. Cụ thể, chương trình hỗ trợ học tập chuyên sâu trong đại dịch COVID-19 đã tài trợ cho các trường tuyển dụng thêm giáo viên để phụ đạo thêm môn đọc hiểu và toán theo từng nhóm nhỏ cho những học sinh cần nhất. Chương trình đã được gia hạn đến tháng 6 năm 2023, nhưng đã vấp phải một số chỉ trích vì không nhắm mục tiêu đúng đến những học sinh thực sự cần.

Tình trạng thiếu giáo viên xảy ra ở nhiều nơi cũng là một yếu tố. Các trường ở các vùng có điều kiện khó khăn gặp khó trong tuyển dụng, chẳng hạn như nông thôn và vùng sâu vùng xa, nơi được cho là có nhiều học sinh cần mô hình dạy kèm này nhất, cho biết họ đang gặp khó khăn trong việc thuê giáo viên đứng lớp chính khoá chứ chưa nói đến giáo viên bổ sung cho chương trình dạy kèm.

Một trong những nguyên nhân lý giải kết quả nghiên cứu trên có thể là do các trường đã tập trung nghiêm ngặt vào môn đọc hiểu và toán khi học sinh trở lại sau thời gian học tập từ xa. Tuy nhiên, việc chú trọng vào các môn học chính này, và giảm bớt các hoạt động thể thao, hội họp, tham quan và các hoạt động ngoại khóa khác gây ảnh hưởng đến chuyên môn, cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của học sinh và giáo viên.

Vân An lược dịch

Nguồn:

Miller, A., Gore, J. & Fray, L. (2023). A pandemic silver lining: how kids in some disadvantaged schools improved their results during COVID. The Conversation. https://theconversation.com/a-pandemic-silver-lining-how-kids-in-some-disadvantaged-schools-improved-their-results-during-covid-203047

Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19