Mối quan hệ giữa việc sử dụng điện thoại thông minh, mục tiêu học tập và kết quả học tập ở học sinh Hàn Quốc

Hai tác giả Meehyun Yoon và Heoncheol Yun tiến hành nghiên cứu nhằm khám phá các kiểu sử dụng điện thoại thông minh và mối liên hệ giữa khả năng tự kiểm soát, mục tiêu học tập và kết quả học tập của học sinh Hàn Quốc. Trước đó, các nghiên cứu có xu hướng tập trung vào những tác động tiêu cực của điện thoại thông minh, vì vậy, nghiên cứu này lấp đi khoảng trống trong nghiên cứu bằng việc cung cấp những phát hiện mới về mối quan hệ của việc sử dụng điện thoại thông minh và mục tiêu học tập.

Các nghiên cứu trước đây cung cấp lí thuyết và thực nghiệm về những yếu tố ảnh hưởng của điện thoại thông minh khi nó trở thành thiết bị phổ biến cho thanh thiếu niên. Tuy nhiên, các nghiên cứu có xu hướng tập trung vào những tác động tiêu cực của điện thoại thông minh. Mặc dù việc sử dụng điện thoại thông minh có thể mang tới hạn chế nhưng nó cho phép học sinh tham gia vào việc học tập linh động trên thiết bị di động, tiếp cận thông tin nhanh chóng và đạt được cấc mục tiêu cá nhân. Vì vậy, để lấp đầy khoảng trống trong nghiên cứu việc sử dụng điện thoại thông minh của thanh thiếu niên, nghiên cứu của nhóm hai tác giả Meehyun Yoon và Heoncheol Yun đã khám phá các kiểu sử dụng điện thoại thông minh và mối liên hệ giữa khả năng tự kiểm soát, mục tiêu học tập và kết quả học tập của học sinh.

Dữ liệu được thu thập từ 2341 khách thể là các học sinh trung học năm thứ 2 tại Hàn Quốc. Ba kiểu sử dụng điện thoại thông minh riêng biệt (tương đương 3 nhóm) được xác định trong nghiên cứu: sử dụng vào mục đích học tập, sử dụng vào mục đích giải trí và sử dụng tối thiểu. Những học sinh có tính kiên trì cao được xếp vào nhóm sử dụng vào mục đích học tập và những người trả lời có tính kiên trì thấp hơn được chỉ định vào nhóm sử dụng vào mục đích giải trí. Mục tiêu học tập của học sinh trong nhóm sử dụng vào mục đích học tập là cao nhất và thấp nhất ở nhóm sử dụng điện thoại thông minh vào mục đích giải trí. Kết quả học tập ở cả nhóm sử dụng điện thoại vào mục đích học tập và sử dụng tối thiểu đều cao hơn nhóm sử dụng điện thoại vào mục đích giải trí. Dựa trên những phát hiện này, ý nghĩa của nghiên cứu sẽ đóng góp cho lí thuyết và thực tiễn sau này.

Kết quả nghiên cứu tiết lộ rằng các học sinh trong nhóm học tập đã sử dụng điện thoại chủ yếu cho mục đích học tập, điều này ảnh hưởng tích cực đến mục tiêu học tập và kết quả học tập của các em. Cụ thể, nghiên cứu của Lai và Zheng (2018); Vogel và cộng sự (2009) chỉ ra rằng đây là nhóm học sinh tập trung vào học tập trên thiết bị di động, ít tham gia vào các hoạt động giải trí, có kĩ năng quản lí thời gian cao và phân bổ thời gian học hiệu quả. Mặc dù, học sinh được phân loại vào nhóm học tập dành nhiều thời gian hơn cho điện thoại thông minh so với những người trong nhóm tối thiểu, nhưng thời gian học tập lại nhiều hơn đáng kể. Nghiên cứu của Cha và Seo (2018) nhận định rằng học sinh có nguy cơ nghiện điện thoại thông minh. Tuy nhiên, những phát hiện của nghiên cứu này cũng chỉ ra một nhóm học sinh có khả năng tự kiểm soát cao và bị thu hút bởi việc sử dụng các thiết bị điện thoại thông minh nhằm hỗ trợ việc học. Điều này có nghĩa là điện thoại thông minh không “xấu” và quan trọng hơn là các nhà giáo dục cần hướng dẫn học sinh sử dụng thiết bị điện tử một cách khôn ngoan. Do sự bùng phát của đại dịch Covid-19 gần đây, học trực tuyến đã được công nhận là một giải pháp thay thế đầy hứa hẹn cho các lớp học trực tiếp thông thường (Dhawan, 2020). Do vậy, cần phải chú ý nhiều hơn đến tiềm năng của các thiết bị di động như những giải pháp thay thế học tập linh hoạt. Do thị trường học tập trên thiết bị di động đang phát triển nhanh chóng nên giờ đây học sinh có thể hưởng lợi từ nhiều nguồn tài nguyên học tập trên thiết bị di động (Yin và cộng sự, 2021).

Tuy nhiên, trái ngược với học sinh thuộc nhóm học tập, đặc điểm của những học sinh được xếp vào nhóm giải trí tương tự như các nghiên cứu trước đây. Những kiểu học sinh này dễ bị nghiện điện thoại thông minh, dành quá nhiều thời gian cho điện thoại thông minh mỗi ngày và cảm thấy lo lắng khi không sử dụng điện thoại thông minh (Gökçearslan và cộng sự, 2016). Những phát hiện của nhóm tác giả nhất quán với những kết quả trước đây khi các học sinh được phân loại vào nhóm giải trí dành thời gian cho các hoạt động giải trí nhiều hơn khoảng 2 - 3 lần so với hai nhóm còn lại. Những phát hiện này chỉ ra rằng khả năng tự kiểm soát kém có liên quan đến việc sử dụng điện thoại thông minh để giải trí, mức độ đạt được mục tiêu thấp và kết quả học tập kém hơn.

Vì tuổi vị thành niên là thời điểm mà học sinh cần tập trung vào các mục tiêu tương lai của mình, các em cần được hướng dẫn cách sử dụng điện thoại thông minh một cách phù hợp. Vì vậy, nghiên cứu đã đề xuất một số phương pháp khuyến khích khả năng tự kiểm soát nhằm mang lại khả năng học tập tự điều chỉnh. Ví dụ, Yun và cộng sự (2017) đã đề xuất một ứng dụng học tập trên di động sử dụng các công nghệ theo dõi hành vi để hỗ trợ học sinh tập trung. Đồng thời, các nhà giáo dục cần quan sát học sinh nhỏ tuổi, xác định xem các em đã sẵn sàng sử dụng điện thoại thông minh một cách khôn ngoan hay chưa. Tất cả những điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giao tiếp với học sinh về khả năng kiểm soát việc sử dụng điện thoại thông minh và những đề xuất phù hợp với khả năng tự kiểm soát bản thân. Do đó, những phát hiện của nghiên cứu này có thể hỗ trợ cả các nhà nghiên cứu và các nhà giáo dục.

Huyền Đức lược dịch

Nguồn:

Yoon, M., Yun, H. Relationships between adolescent smartphone usage patterns, achievement goals, and academic achievement. Asia Pacific Educ. Rev. 24, 13-23 (2023). https://doi.org/10.1007/s12564-021-09718-5

Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19