Một số khuyến nghị về chính sách tài chính nhằm phát triển giáo dục đại học Việt Nam (Phần 2)

Các chính sách sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính đại học bao gồm (i) Thực hiện phân tầng và xếp hạng đại học, (ii) Mở rộng quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình đối với cơ sở GDĐH được xem xét như là những điều kiện chính sách cần thiết, hỗ trợ cho quá trình áp dụng các chính sách tăng cường nguồn lực tài chính cho các cơ sở GDĐH.

Xu hướng đại chúng hóa và phổ cập hóa giáo dục đại học và sự ra đời của phân tầng và xếp hạng đại học

Một trong những xu hướng quan trọng nhất của GDĐH trong khoảng 40 năm vừa qua đó là xu hướng đại chúng hóa và phổ cập hóa GDĐH. Đại chúng hóa GDĐH ở đây được hiểu là sự gia tăng quy mô GDĐH, chuyển từ mô hình “tinh hoa” sang mô hình “đại chúng”, và tiếp theo là “phổ cập”. Theo Trow (1973), GDĐH tinh hoa là nền GDĐH mà tại đó tỷ lệ người ở độ tuổi đi học ĐH (18-22) hay còn gọi là GER (Gross Enrollment Ratio) dưới 15%; GDĐH đại chúng là nền GDĐH mà tại đó GER từ 15 đến 50%; còn GDĐH phổ cập là nền GDĐH mà tại GER lớn hơn 50%. Các quốc gia đang phát triển đã đi đầu trong xu thế chuyển đổi mô hình đại học “tinh hoa” sang “phổ cập”. GDĐH đại chúng và phổ cập có những đặc điểm khác biệt so với GDĐH tinh hoa; mà trong đó đặc điểm quan trọng nhất là GDĐH đại chúng và phổ cập là dành cho số đông, có nhiều thành phần người học khác nhau, đội ngũ nhân sự trong cơ sở GDĐH cũng đa dạng hơn. Về mặt đào tạo, GDĐH đại chúng và phổ cập cung cấp nguồn nhân lực cho cả nền kinh tế với nhiều thành phần khác nhau. Những điều này rất khác với GDĐH tinh hoa, chỉ dành cho số nhỏ, đầu vào cao và đầu ra cũng cao. GDĐH đại chúng và phổ cập cũng có những cách thức vận hành khác GĐĐH tinh hoa. Nếu như trong GDĐH tinh hoa, số lượng thầy và trò đều ít và đều tinh hoa (chất lượng cao), GDĐH đại chúng và phổ cập có nhiều thành phần hơn, vì vậy, phát sinh một nhu cầu, đó là đánh giá, phân loại, xếp hạng các cơ sở GDĐH. Nhu cầu đó lại phát sinh thêm một nhu cầu khác, đó là nhu cầu xuất hiện các tổ chức, đơn vị có nhiệm vụ đánh giá, phân loại và xếp hạng các cơ sở GDĐH, hay còn gọi là các đơn vị làm nhiệm vụ “phân tầng” và “xếp hạng” ĐH. Do đó, các mô hình phân tầng và xếp hạng đại học được giới thiệu rộng rãi trên thế giới.

Phân tầng đại học

Theo McCormick & Borden (2017), việc phân tầng có một số mục đích chính như: là chỉ dấu để hiểu về các thuộc tính tương ứng của các cơ sở GDĐH, gắn với các chính sách của Nhà nước (chính sách tài chính), giúp các sinh viên và cán bô/giảng viên biết và nhận diện cơ sở GDĐH mà mình dự định/đang theo học hoặc làm việc có sứ mệnh chính là như thế nào, thu thập thông tin và phân tích dữ liệu.

Mỗi nước khác nhau lại có một cách thức phân tầng GD ĐH khác nhau. Ví dụ, tại Đức, các cơ sở GD ĐH được chia làm 4 loại: (i) đại học tổng hợp; (ii) đại học ứng dụng; (iii) cao đẳng kỹ thuật; và (iv) trường nghệ thuật và âm nhạc. Tại Đài Loan, các cơ sở GD ĐH được chia làm 2 loại: (i) đại học tổng hợp; (ii) đại học khoa học và công nghệ (định hướng ứng dụng). Một số nước chọn một nhóm cơ sở GD ĐH tinh hoa (trong một nền GD ĐH đại chúng hoặc phổ cập) để đầu tư trọng điểm (hoặc để phân biệt với các cơ sở GD ĐH đại trà khác): ví dụ Nhóm Russell (tại Vương Quốc Anh), nhóm G8 (tại Australia), hay nhóm C9 (tại Trung Quốc). Về tiêu chí đánh giá, có rất nhiều tiêu chí khác nhau, nhưng tựu chung đều xoay quanh các sứ mạng chủ yếu của cơ sở GD ĐH, bao gồm giảng dạy, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng.

Xếp hạng đại học

XH ĐH bắt nguồn từ Hoa Kỳ với việc bảng XH US News & World Reports công bố bảng xếp hạng đầu tiên trên thế giới vào năm 1983 (Hazelkorn, 2012). Cho đến năm 2013, hầu hết các Bảng XH ĐH trên thế giới đều là Bảng XH cấp quốc gia. Và vì vậy, ảnh hưởng của XH ĐH cũng còn khá hạn chế trong giai đoạn này. Năm 2003, Bảng XH Đại học Giao Thông Thượng Hải ra đời đánh dấu sự ra đời của BXH đại học thế giới đầu tiên. Các bảng XH ĐH toàn cầu tiếp tục được ra đời vào những năm sau đó như Bảng xếp hạng đại học QS (2004), bảng xếp hạng các trường đại học THE (2010), bảng xếp hạng đại học toàn cầu của vào 2007. Mặc dù hiện nay, các bảng XH ĐH toàn cầu đã trở nên quá phổ biến và khi nói về XH ĐH thì người ta thường nói về XH ĐH toàn cầu, mặc dù vậy vẫn có một số Bảng XH ĐH cấp quốc gia vẫn tồn tại và có giá trị sử dụng trong nội bộ quốc gia.

Về tiêu chí đánh giá, các Bảng XH quốc gia thường dùng nhiều chỉ số hơn các Bảng XH toàn cầu (Çakır et al., 2015). Trong đó các tiêu chí được các BXH quốc gia sử dụng, bên cạnh những tiêu chí liên quan đến NCKH, các BXH quốc gia cũng tập trung vào hoạt động giảng dạy và đào tạo với những tiêu chí phổ biến như : tỷ lệ ngân sách đầu tư cho hoạt động giảng dạy và cơ sở vật chất hàng năm, số lượng sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp, điều kiện tuyển sinh … nhằm cung cấp những thông tin cần thiết đáp ứng nhu cầu của bên liên quan

Phân tầng, xếp hạng trong chính sách phát triển giáo dục đại học

Kết quả phân tầng và xếp hạng các trường đại học đã trở thành một cơ sở quan trọng để chính phủ các nước phân bổ nguồn quỹ tài trợ cho các trường đại học. Phương pháp này được sử dụng rộng rãi không chỉ tại những quốc gia mới nổi như Trung Quốc mà còn được sử dụng tại những quốc gia có nền khoa học phát triển như Úc, New Zealand, Thụy Sĩ, Anh v.v. Có thể thấy, có hai phương pháp phân bổ ngân sách chính gắn liền với phân tầng, xếp hạng đại học đang được các quốc gia trên thế giới sử dụng. Phương pháp đầu tiên sử dụng kết quả xếp hạng của các trường đại học trong nước trên các BXH quốc tế làm cơ sở cho việc phân bổ ngân sách. Những trường đại học có thứ hạng cao được ưu tiên phân bổ nhiều hơn từ nguồn ngân sách đầu tư cho NCKH của các quốc gia. Những quốc gia sử dụng phương án này đều là những quốc gia có nền khoa học mới nổi và đang phát triển như Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia… Một số quốc gia khác lại xây dựng một hệ thống đánh giá riêng giúp phân tầng, xếp hạng đại học làm cơ sở để phân bổ ngân sách. Hệ thống đánh giá này không chỉ xem xét chủ yếu kết quả NCKH của các trường đại học mà còn là kết quả đào tạo sau đại học và các nguồn thu từ khoa học bên cạnh nguồn đầu tư của chính phủ (Anh, New Zealand). Dễ dàng nhận thấy, những quốc gia này là những quốc gia có nền khoa học phát triển và đã xây dựng hệ thống phân tầng, xếp hạng đại học trước khi có sự ra đời của các bảng xếp hạng đại học quốc tế.

Một số giải pháp về phân tầng, xếp hạng đại học trong phát triển giáo dục đại học

Nâng cao hiệu quả đầu tư NSNN cho GD ĐH là nhiệm vụ quan trọng đối với các nhà quản lý và hoạch định chính sách. Trong bối cảnh GD ĐH đại chúng hóa mạnh mẽ, số lượng các trường ĐH và quy mô sinh viên mở rộng, Chính phủ Việt Nam cũng như Chính phủ nhiều nước trên thế giới không thể đầu tư dàn trải và toàn bộ cho hệ thống GD ĐH công lập như trước đây (khi quy mô GD ĐH vẫn ở mức tinh hoa). Các nhà quản lý và hoạch định chính sách ở Việt Nam phải đối diện trước những câu hỏi khó liên quan đến đầu tư GD ĐH như: (i) “đầu tư cho đối tượng nào?” (ii) “đầu tư theo cơ chế nào?” nhằm đảm bảo hiệu quả của đầu tư, để từ đó giúp phát triển GD ĐH ở Việt Nam.

Tại Việt Nam, phân tầng và xếp hạng đại học đã được thể chế hóa tại Nghị định 73/2015/NĐ-CP. Mặc dù vậy, dường như việc triển khai Nghị định này đã gặp nhiều khó khăn, dẫn đến việc cho đến nay, vẫn chưa có 1 hệ thống phân tầng và xếp hạng đại học chính thức nào được áp dụng tại Việt Nam. Ngược lại, việc tham gia vào phân tầng và xếp hạng đại học chủ yếu dựa nào các nỗ lực đơn lẻ của các cơ sở GD ĐH tại các cơ chế phân tầng và xếp hạng ĐH quốc tế như THE, QS, QS star, U-Multirank …. Trong thời gian tới, các nhà hoạch định chính sách tại Việt Nam có thể sử dụng phân tầng và xếp hạng ĐH làm căn cứ để phân bổ nguồn lực, đầu tư tài chính cho cơ sở GD ĐH. Chúng ta có thể sử dụng luôn các hệ thống phân tầng và xếp hạng ĐH quốc tế hoặc tự xây dựng một hệ thống phân tầng và xếp hạng ĐH của riêng mình. Nếu chọn theo cách thứ nhất, sẽ có ưu điểm là không tốn nguồn lực và có thể sử dụng kết quả tin cậy của các hệ thống phân tầng và xếp hạng quốc tế, nhưng nhược điểm lại có thể là các hệ thống này không thực sự phù hợp với thực tiễn GD ĐH ở nước ta. Nếu chọn theo cách thứ 2 thì sẽ khắc phục được nhược điểm của cách thứ nhất, nhưng lại có một thách thức về tính tin cậy và tính độc lập của hệ thống phân tầng và xếp hạng ĐH do Việt Nam tự thành lập. Không có một lựa chọn chính sách nào hoàn hảo, chỉ có điều khác biệt là chúng ta ý thức được hết các ưu, nhược điểm của lựa chọn chính sách của mình hay không mà thôi.

Phạm Hiệp, Phạm Oanh

Tài liệu tham khảo

Çakır, M. P., Acartürk, C., Alaşehir, O., & Çilingir, C. (2015). A comparative analysis of global and national university ranking systems. Scientometrics, 103(3), 813–848.

McCormick, A. C., & Borden, V. M. H. (2017). Higher Education Institutions, Types and Classifications of. In P. Teixeira & J. C. Shin (Eds.), Encyclopedia of International Higher Education Systems and Institutions (pp. 1–9). Springer Netherlands. https://doi.org/10.1007/978-94-017-9553-1_22-1

Trow, M. (1973). Problems in the transition from elite to mass higher education.

Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Một số khuyến nghị về chính sách tài chính nhằm phát triển giáo dục đại học Việt Nam (Phần 2) tại chuyên mục Khoa học giáo dục và xã hội của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn