Một số khuyến nghị về chính sách tài chính nhằm phát triển giáo dục đại học Việt Nam – bối cảnh và yêu cầu đổi mới

Hệ thống giáo dục đại học Việt Nam những năm qua đã tăng cả về số lượng, quy mô đào tạo, đa dạng hóa hình thức đào tạo và sở hữu qua đó mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho xã hội và tạo ra động lực cạnh tranh cho các cơ sở giáo dục đại học.

Từ 2006 đến 2018, cả nước đã có 80 cơ sở GDĐH được thành lập mới và nâng cấp, nâng tổng số cơ sở đào tạo đại học (gọi chung là trường) trong hệ thống hiện tại lên 235 cơ sở GDĐH bao gồm 170 trường công lập, 60 trường ngoài công lập và dân lập và 05 trường 100% vốn nước ngoài, trong đó có 61 cơ sở GDĐH sư phạm và trường đa ngành có đào tạo giáo viên. Quy mô đào tạo cũng tăng từ 1.4 triệu sinh viên trong năm học 2006-2007 lên 1.7 triệu sinh viên vào năm học 2017-2018. Tính đến ngày 31/10/2018, cả nước đã có 122 cơ sở GDĐH đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục, trong đó 117 cơ sở GDĐH được kiểm định bởi tổ chức KĐCLGD trong nước và và 06 cơ sở GDĐH đạt kiểm định bởi các tổ chức kiểm định của nước ngoài, chiếm khoảng 50% tổng số các cơ sở GDĐH trong cả nước. Các cơ sở giáo dục đại học cũng bắt đầu có chỗ đứng trên các bảng xếp hạng giáo dục đại học uy tính quốc tế như QS hoặc THE (“Impact Rankings 2021 | Times Higher Education (THE),” n.d.; “QS World University Rankings 2022,” n.d.). Các cơ sở giáo dục đại học đã bắt đầu chú trọng và coi hoạt động nghiên cứu khoa học là một phần không thể thiếu trong hoạt động của họ. Trên thực tế, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, giáo dục đại học Việt Nam đã và đang gặp phải những thách thức trong quá trình phát triển. Giáo dục đại học Việt Nam không chỉ đối mặt với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, thiếu hụt đầu tư mà còn đến từ những vấn đề nội tại của hệ thống giáo dục đại học như trình độ quản trị, chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng đào tạo còn hạn chế, mức độ bao phủ thấp và bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đại học (World Bank, 2020).

Cũng như nhiều nước trên thế giới, 30 năm qua tại Việt Nam chứng kiến sự gia tăng sức ép ngày càng lớn từ phía người dân về cơ hội đi học đại học. Để giải quyết vấn đề này, chúng ta dường như đã lưỡng lự lựa chọn giữa việc (i) cho phép mở rộng đại học tư một  cách ồ ạt; đại học công chỉ còn chiếm số nhỏ và đào tạo một lượng nhỏ sinh viên với chiến lược (ii) cho phép mở rộng đại học tư một cách vừa phải; đại học công vẫn chiếm số đông và đào tạo phần đông sinh viên. Các đại học công bao gồm cả đại học nghiên cứu (nhiều trường hợp được nhà nước đầu tư trọng điểm) và đại học ứng dụng (tập trung vào đáp ứng nhu cầu thị trường); đại học tư chủ yếu đáp ứng nhu cầu thị trường. Sự lưỡng lự trong chính sách phát triển đã có ảnh hưởng nhất định đến phát triển hệ thống giáo dục đại học quốc dân (Nguyễn Thùy Linh, 2020). Điều này dẫn đến một hệ quả tất yếu là nhà nước không còn đủ khả năng bao cấp hoàn toàn giáo dục đại học như trước kia nữa.

Bảng 1. Quy mô sinh viên và số lượng cơ sở GDĐH ở Việt Nam giai đoạn 1987-2017

Năm

Số lượng sinh viên đại học công lập

Số lượng sinh viên đại học ngoài công lập

Số lượng cơ sở GDĐH công lập

Số lượng cơ sở GDĐH ngoài công lập

1987

133.000

0

63

0

2017

1.523.904

243.975

170

65

Nguồn: (Bộ Giáo dục và Đào tạo, n.d.)

Chính sách tài chính được kì vọng sẽ tạo tiền đề để các cơ sở GDĐH có thể huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính nhằm phát triển GDĐH trong giai đoạn tiếp theo. Chính Phủ đã chủ trương và thực thi xuyên suốt các chính sách tài chính hỗ trợ tăng cường nguồn lực cho các cơ sở GDĐH, đặc biệt là các cơ sở GDĐH công lập. Các chính sách tài chính tăng cường nguồn lực tài chính cho các cơ sở GDĐH được ban hành và phát triển dựa trên hai xu thế chính là đa dạng hóa nguồn thu và sử dụng nguồn lực tài chính hiệu quả. Tuy nhiên, các chính sách huy động tài chính đầu tư cho các cơ sở GDĐH đang gặp khó khăn do cơ chế quản lý chồng chéo của các Bộ, Ban ngành và các đơn vị liên quan trong quá trình cấp NSNN cho các cơ sở GDĐH, cơ chế cấp NSNN theo dữ liệu lịch sử chưa tối ưu và bất bình đẳng trong quá trình cấp NSNN. Các chính sách huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển GDĐH chủ yếu tập trung vào chính sách học phí. Tuy nhiên các quy định liên quan đến mức trần học phí, học bổng và tín dụng sinh viên còn nhiều bất cập khiến mức học phí hiện tại của các cơ sở GDĐH chưa đảm bảo được mức chi phí đầu tư và cũng nới rộng bất bình đẳng trong tiếp cận GDĐH của các đối tượng trong xã hội. Các chính sách liên quan đến thu hút nguồn tài chính cho GDĐH thông qua các nguồn khác như hiến tặng hoặc vay mượn vẫn đang ở giai đoạn đầu và chưa hoàn thiện. Do đó, đổi mới chính sách tài chính đại học là tiền đề để hệ thống giáo dục đại học có thể phát triển bền vững trong tương lai.

Phạm Hiệp, Phạm Oanh

Tài liệu tham khảo

Bộ Giáo dục và Đào tạo. (n.d.). Thống kê Giáo dục đại học. Retrieved March 4, 2023, from https://moet.gov.vn/thong-ke/Pages/thong-ko-giao-duc-dai-hoc.aspx

Impact Rankings 2021 | Times Higher Education (THE). (n.d.). Retrieved January 25, 2022, from https://www.timeshighereducation.com/impactrankings#!/page/0/length/25/sort_by/rank/sort_order/asc/cols/undefined

Nguyễn Thùy Linh. (2020). LATS Tăng cường các nguồn lực tài chính cho phát triển các trường đại học công lập ở Việt Nam. Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

QS World University Rankings 2022. (n.d.). Retrieved March 7, 2022, from Top Universities website: https://www.topuniversities.com/university-rankings/world-university-rankings/2022

World Bank. (2020). Improving the Performance of Higher Education in Vietnam: Strategic Priorities and Policy Options

Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19