Như Stiegler và Hiebert (1999) đã kết luận, dạy học là một hệ thống phức hợp bắt nguồn từ một kịch bản văn hóa của một xã hội nhất định. Để mô tả dạy học mà không bỏ qua một số đặc điểm mà người trong cuộc dường như tự nhận thấy rõ, cần phải bước ra khỏi khung văn hóa này. Vì vậy, Goran Trupčević và Anđa Valent thực hiện nghiên cứu về việc giảng dạy kĩ năng thực hiện phép nhân bằng cách so sánh sách giáo khoa toán học của Croatia với sách giáo khoa của Singapore, Nhật Bản và Anh.
Kết quả nghiên cứu cung cấp minh chứng chỉ có những khác biệt nhỏ về cách dạy phép nhân trong các sách giáo khoa Croatia khác nhau và đồng thời tất cả sách giáo khoa Croatia đều khác biệt đáng kể so với sách giáo khoa Anh, Nhật Bản và Singapore quan sát được. Việc học ban đầu về phép nhân ở Croatia tập trung vào thực hành và tự động hóa. Phần lớn nội dung là toán học nội bộ, không liên quan đến thực tế hay các vấn đề xác thực, đồng thời học sinh không được thúc đẩy sử dụng các thao tác để giúp các em mô hình hóa các vấn đề thực tế hoặc biểu diễn các vấn đề toán học trừu tượng. Ý nghĩa của phép nhân thường không rõ ràng và cũng không được thể hiện trực quan. Người ta mong đợi học sinh giải bài tập, nhưng các em không được khuyến khích sử dụng các chiến lược và cách tiếp cận khác nhau. Nghiên cứu cũng chỉ ra một số đặc điểm chung của việc dạy và học toán ở Croatia. Không giống như sách giáo khoa các nước khác, sách giáo khoa Croatia không thúc đẩy sự phát triển của các chiến lược và kỹ năng siêu nhận thức. Học sinh không được động viên, cổ vũ tìm ra các giải pháp khác nhau và tạo mối liên hệ giữa các phép toán, thảo luận về các giải pháp hoặc đặt ra vấn đề. Những phát hiện này cho thấy rằng thực tiễn giảng dạy cần cố gắng bù đắp cho những thiếu sót này. Điều này giúp học sinh hiểu về phép nhân bằng cách đặt các bài toán trong bối cảnh quen thuộc, cho học sinh cơ hội khám phá phép nhân bằng cách sử dụng hình ảnh và thao tác, đồng thời cho các em cơ hội phát triển các cách khác nhau để tính toán.
Tuy nhiên, chỉ tập trung vào sách giáo khoa là một hạn chế của nghiên cứu này. Để có được một bức tranh toàn cảnh hơn, cần xem xét thực tế những gì đang diễn ra bên trong các lớp học. Vì vậy, sẽ rất thú vị nếu nhóm tác giả tiến hành một nghiên cứu tiếp theo trong tương lai và xem những thay đổi được thực hiện trong chương trình giảng dạy sẽ ở mức độ nào phản ánh trong sách giáo khoa và thực tế giảng dạy
Huyền Đức lược dịch
Nguồn:
Goran Trupčević, Anđa Valent (2022). The Teaching of Initial Multiplication Concepts and Skills in Croatian Textbooks. CEPS Journal 12 (2), 119-141. https://doi.org/10.26529/cepsj.1303
Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tạp chí Giáo dục.