Một số biện pháp giáo dục về phòng, chống ma túy cho học sinh trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

Theo thống kê của Bộ Công an, năm 2020, Việt Nam đã đấu tranh, phát hiện và bắt giữ 24.842 vụ, 40.461 đối tượng phạm tội về ma túy; thu giữ trên 580 kg heroin, gần 3,2 tấn và gần 1,7 triệu viên ma túy tổng hợp. Số vụ vi phạm pháp luật về ma túy, số đối tượng bị phát hiện bắt giữ tăng 9,46% số vụ so với cùng kì năm 2019. Những số liệu này cho thấy, tội phạm về ma túy vẫn diễn biến phức tạp; hoạt động của tội phạm ma túy xuyên quốc gia, yếu tố nước ngoài giảm, song ma túy tổng hợp từ Lào, Campuchia được vận chuyển vào Việt Nam tiếp tục có xu hướng gia tăng. Tình trạng thanh niên, thiếu niên sử dụng ma túy tổng hợp vẫn còn diễn ra nhiều. Tỉ lệ người sử dụng ma túy tổng hợp tiếp tục có xu hướng gia tăng. Toàn quốc hiện có 234.620 người nghiện có hồ sơ quản lí và phần lớn đang sinh sống tại cộng đồng.

Có thể nói, ma tuý đã và đang là những cơn ác mộng, đang hàng ngày, hàng giờ xâm nhập vào từng gia đình, cộng đồng, xã hội, lan rộng trên tất cả các quốc gia trên thế giới. Ma tuý đã làm băng hoại đạo đức xã hội, phá huỷ thuần phong, mĩ tục, khi đã bị lệ thuộc vào ma tuý con người luôn làm mọi việc để thoả mãn cơn nghiện, thậm chí làm những việc dẫn đến vi phạm pháp luật. Phòng, chống ma tuý không chỉ là vấn đề của một gia đình, một tổ chức xã hội hay một quốc gia mà nó là vấn đề của toàn cầu, của toàn nhân loại trên thế giới.

Trước tình hình trên, ngày 15/3/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Kế hoạch số 75/KH-UBND về việc thực hiện các giải pháp giữ vững xã không có ma túy và kéo giảm xã, phường, thị trấn có ma túy năm 2021, trên cơ sở thực hiện Kế hoạch số 172-KH/TU ngày 10/10/2019 của Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị khóa XII về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy.

Mục tiêu của bản kế hoạch này là: Giữ vững, không để phát sinh ma túy tại 9 xã không có ma túy được công nhận năm 2020; phấn đấu đến cuối năm 2021, mỗi huyện, thành phố chuyển hóa ít nhất 01 xã từ có ma túy thành không có ma túy.

Để thực hiện được mục tiêu trên, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu cần phải huy động hệ thống chính trị và toàn xã hội, tích cực tham gia công tác xây dựng xã không có ma túy; phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở trong phòng, chống ma túy; tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng bảo vệ an ninh, trật tự trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống ma túy tại địa bàn cơ sở.

Bản kế hoạch cũng nêu rõ trách nhiệm của Sở GD-ĐT, các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp trong công tác phòng, chống ma túy đó là:

- Chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền tác hại của ma túy cho học sinh (HS), sinh viên, giáo viên, cán bộ nhà trường, để nâng cao ý thức phòng ngừa; tổ chức các hoạt động phòng, chống ma túy trong trường học, kịp thời thông tin cho lực lượng Công an các trường hợp nghi vấn HS, sinh viên sử dụng trái phép chất ma túy, các đối tượng có biểu hiện dụ dỗ, lôi kéo HS, sinh viên sử dụng trái phép chất ma túy.

- Phối hợp với lực lượng Công an và các ngành liên quan quản lí chặt chẽ số HS thường xuyên bỏ học, vi phạm nội quy, quy định của nhà trường, không để số HS này bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo tham gia hoạt động phạm tội và tệ nạn xã hội; kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường, các loại tội phạm, tệ nạn xã hội bên ngoài xâm nhập vào trường học.

Để góp phần nâng cao hiệu quả của công tác chống ma túy cho HS trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, cần thực hiện tốt một số biện pháp giáo dục sau đây.

Một là, các nhà trường, cơ sở giáo dục cần tổ chức thực hiện chương trình giáo dục về phòng, chống ma túy, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chng ma túy cho HS.

- Giáo dục cho HS kĩ năng nhận biết ma túy và tác hại của ma túy: Hoạt động này nhằm giáo dục cho HS những kiến thức cơ bản và kiến thức nâng cao để nhận biết về ma túy, tác hại của ma túy và các cách phòng, chống ma túy. Cụ thể như: Định nghĩa về ma túy; nghiện ma túy; phòng, chống ma túy; cơ chế tác động của ma túy; Phân loại ma túy; một số thông tin về các chất, loại ma túy điển hình, thường gặp: cần sa, thuốc phiện, heroin, ma tuý tổng hợp…; dấu hiện nhận biết người sử dụng ma túy; những phương pháp khoa học xác định người nghiện ma túy; nguyên nhân và hậu quả khi HS sử dụng ma túy; các thủ đoạn lôi kéo, cưỡng bức sử dụng ma túy; tác hại của ma tuý đối với: bản thân người nghiện, gia đình, xã hội, nền kinh tế và văn hóa xã hội,...; các phương pháp cai nghiện ma túy hiện nay…

- Phổ biến cho HS các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống ma tuý, xử lí các hành vi có liên quan đến ma tuý, quan điểm chỉ đạo và pháp luật về công tác phòng, chống ma túy của Đảng và Nhà nước ta và các quy định khác có liên quan. Đó là: Luật phòng, chống ma túy (Luật số 73/2021/QH14 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, ban hành ngày 30/3/2021); Chương XX (Các tội phạm về ma túy) Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015, gồm: Điều 247 về tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy; Điều 248 về tội sản xuất trái phép chất ma túy; Điều 249 về tội tàng trữ trái phép chất ma túy; Điều 250 về tội vận chuyển trái phép chất ma túy; Điều 251 về tội mua bán trái phép chất ma túy; Điều 253 về tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy; Điều 254 về tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy; Điều 255 về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; Điều 256 về tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy; Điều 257 về tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy; Điều 258 về tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy…

- Giáo dục cho HS kĩ năng phòng chống ma túy, kĩ năng nhận biết các tình huống nguy cơ liên quan đến ma túy, bao gồm:

+ Kĩ năng xử lí khi gặp tình huống nguy cơ: cần bình tĩnh, không la hét hoặc khóc lóc; Từ chối và bỏ đi một cách khéo léo và dứt khoát, thông báo và chờ người thân, người lớn tới; di chuyển đến nơi đông người, an toàn; liên lạc ngay tới các số điện thoại 111, 113, 115 để được hỗ trợ.

+ Kĩ năng tìm kiếm và huy động sự hỗ trợ: Gồm: nhóm người thân trong gia đình và những người mà HS giao tiếp hàng ngày, nhóm những người đảm nhận chức trách quản lí an ninh trật tự nơi sinh sống; nhóm những nguồn hỗ trợ gián tiếp như website và hotline của các tổ chức phòng, chống ma túy hiện hành).

+ Kĩ năng xử lí khi có bạn bè, người thân sử dụng/nghiện ma túy: Cần giữ bình tĩnh để phân tích tình hình và lựa chọn giải pháp phù hợp; tiếp tục giữ mối quan hệ vốn có; chia sẻ với người lớn, thầy cô, chuyên gia để nhận được sự tư vấn hợp lí; tìm kiếm thông tin về ma túy, cai nghiện ma túy để nâng cao nhận thức cho bản thân và tìm cơ hội hỗ trợ, giúp đỡ bạn, người thân; chia sẻ thông tin nhận thức để động viên, khuyến khích bạn bè, người thân đi cai nghiện ma túy.

+ Kĩ năng tố giác tội phạm liên quan đến ma túy: Cần hướng dẫn để các em giữ bình tĩnh, đảm bảo an toàn, nhẹ nhàng rút lui khỏi nơi phát hiện ra sự việc và thông báo cho các cá nhân, cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.

- Tổ chức các hoạt động phòng chống ma túy một cách đa dạng, lồng ghép vào các môn học, tổ chức dưới dạng các hoạt động/trò chơi, các cuộc thi: tìm kiếm tư liệu, video, vẽ tranh, tuyên truyền, cổ động… Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, thi sân khấu hóa về phòng, chống ma túy: Bên cạnh công tác tuyên truyền thì các nhà trường và các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh thường xuyên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về công tác phòng, chống tệ ma tuý trong học đường. HS được tham gia vào các sân chơi, các hội thi tiểu phẩm văn nghệ phòng chống ma túy trong HS. Các cá nhân, các đội thi xây dựng kịch bản, các tiết mục văn nghệ nhằm tuyên truyền, tẩy chay và tiến tới đẩy lùi các tệ nạn này ra khỏi học đường làm cho môi trường giáo dục trở nên an toàn và lành mạnh hơn. Thông qua các tiểu phẩm, HS đã truyền tải được các mặt trái của ma túy bằng hình thức sân khấu hóa sinh động để giáo dục, răn đe, lên án, tẩy chay các tệ nạn ma túy, tệ nạn xã hội thâm nhập vào học đường.

Hai là, quản lí chặt chẽ, ngăn chặn HS vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy.

Giáo viên và cán bộ quản lí là những người có vai trò quan trọng trong công tác phòng chống ma túy cho HS. Họ có nhiệm vụ giáo dục và đào tạo kiến thức, kĩ năng về phòng chống ma túy cho HS, xây dựng và thiết kế nội dung, chương trình đào tạo kiến thức, kĩ năng phòng chống ma túy cho HS, hỗ trợ HS và cha mẹ HS trong hoạt động phòng chống ma túy đồng thời giáo viên và cán bộ quản lí là những người quản lí, ngăn chặn HS vi phạm về phòng, chống ma túy.

Thực tế cho thấy, hiện nay tình trạng HS sử dụng, nghiện ma túy ngày một gia tăng bởi các em đang ở độ tuổi hình thành nhân cách, dễ bị kích động, lôi kéo, rủ rê nên tội phạm ma túy đã tìm đủ cách đưa ma túy vào học đường thông qua những điểm, tụ điểm xung quanh nhà trường và từ chính HS. Trong đó nổi lên gần đây là việc mua bán ma túy qua mạng và đa cấp, lợi dụng các HS nghiện ma túy. Hình thức đa cấp nguy hiểm ở chỗ phát tán nhanh, người bán ma túy là HS, do đó sự rủ rê, lôi kéo và đưa bạn của mình vào con đường ma túy rất nhanh.

Trước tình trạng đó, nhà trường, cụ thể là giáo viên và cán bộ quản lí phải là những người đi đầu trong trong tác ngăn chặn ma túy học đường. Để làm được điều này, giáo viên và cán bộ quản lí phải nhận thức đúng, đầy đủ về ma túy để quản lí, ngăn chặn HS vi phạm pháp luật về phòng chống ma túy, thường xuyên quản lí, kiểm tra, rà soát, giáo dục HS để  các em nhận diện đúng, đủ và tự có sức đề kháng, không bị cám dỗ về ma túy.

Mỗi nhà trường, mỗi cơ sở giáo dục cần tổ chức kí cam kết không vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy và tích cực phòng, chống ma túy trong học đường cho HS. Việc kí cam kết không vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy và tích cực phòng chống ma túy trong học đường thường được thực hiện thông qua các tổ chức Đoàn, Hội trong nhà trường. Các đoàn viên, đội viên được hướng dẫn, tuyên truyền về công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, từ đó tự nguyện kí cam kết và tham gia tích cực vào công tác phòng chống ma túy trong học đường. Hoạt động này có ý nghĩa quan trọng, góp phần đẩy lùi tệ nạn ma túy trong học đường .

Ba là, phối hợp với gia đình, cơ quan, tổ chức và chính quyền địa phương để quản lí, giáo dục HS về phòng, chống ma túy

Để công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy trong học đường đạt hiệu quả, cần phải có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong công tác quản lí và giáo dục HS. Điều đó có nghĩa là, công tác phòng, chống ma túy phải được thực hiện đồng bộ ở gia đình, nhà trường và xã hội.

Các nhà trường và các cơ sở giáo dục tích cực phối hợp với gia đình của HS thông qua đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, bí thư đoàn trường… để nắm bắt kịp thời diễn biến tư tưởng, tinh thần thái độ học tập, rèn luyện của HS; phối hợp với Ban đại diện cha mẹ HS, trao đổi thông tin, hỗ trợ cha mẹ HS về kiến thức, phương pháp giáo dục con em; kịp thời báo cáo tình hình HS với hiệu trưởng nhà trường để kịp thời chỉ đạo, phối hợp giải quyết.

Tăng thời lượng tuyên truyền phòng, chống ma túy trên hệ thống truyền thông ở xã, phường để giúp người dân và HS hiểu rõ tác hại của ma túy, cách nhận biết triệu chứng của người nghiện ma túy, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy và trách nhiệm của công dân, của HS trong phòng, chống ma túy.

Phát huy vai trò của người có uy tín trong dòng họ, chức sắc tôn giáo, người tiêu biểu tại khóm, ấp trong tuyên truyền, vận động người dân không tham gia tệ nạn ma túy và cảm hóa, giáo dục người nghiện ma túy tại cộng đồng dân cư.

Tuyên truyền trực quan (Bản tin, panô…) tại các địa điểm đông người, trung tâm cấp xã, qua mạng Internet.

Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kĩ năng, nâng cao năng lực chuyên môn cho lực lượng tuyên truyền viên nòng cốt ở cơ sở (thành viên hội đồng bảo vệ an ninh, trật tự, trưởng các khóm, ấp, tổ trưởng tổ nhân dân tự quản).

Thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu thể dục - thể thao, văn hóa - văn nghệ, để thu hút HS, thanh thiếu niên và người nghiện ma túy tham gia, góp phần nâng cao sức khỏe, hạn chế bị lôi kéo sử dụng ma túy hoặc quyết tâm cai nghiện ma túy.

Phát huy vai trò của Tổ Nhân dân tự quản trong công tác quản lí, giáo dục, giúp đỡ con em trong tổ nghiện ma túy.

 Bên cạnh đó còn một số biện pháp như: Nhà trường, các cơ sở giáo dục cần phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tổ chức xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể khi cần thiết để phát hiện HS sử dụng trái phép chất ma túy; Nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung các tài liệu, học liệu về tuyên truyền, giáo dục tội phạm, vi phạm pháp luật, phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS, tệ nạn ma túy trong trường học. Tăng cường xây dựng và thực hiện hiệu quả các chương trình, hình thức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kiến thức, kĩ năng phòng, chống và cai nghiện ma túy, đặc biệt là tập huấn chuyên sâu cho đội ngũ phụ trách công tác phòng, chống ma túy trong trường học. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, đánh giá việc triển khai thực hiện công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội nói chung và phòng chống, cai nghiện ma túy nói riêng tại các cơ sở giáo dục, các trường học.

Có thể nói, các biện pháp giáo dục nêu trên có ý nghĩa vô cùng thiết thực và quan trọng trong công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống ma túy cho HS, góp phần ngăn chặn tội phạm về ma túy và các tệ nạn xã hội trong môi trường học đường nói chung và môi trường học đường ở Tỉnh Đồng Tháp nói riêng.

Nguồn: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp

Biên tập viên: Trương Văn Thạo

Bạn đang đọc bài viết Một số biện pháp giáo dục về phòng, chống ma túy cho học sinh trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp tại chuyên mục Thông tin tuyên truyền của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn