Nghiên cứu quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm ở Việt Nam

Chiều 31/3, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì phiên họp Hội đồng tư vấn, đánh giá, nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035”.

Đây là đề tài thuộc Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về khoa học giáo dục giai đoạn 2016-2020, do Trường ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên chủ trì thực hiện. GS.TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc ĐH Thái Nguyên là chủ nhiệm đề tài.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì phiên họp

Được thực hiện từ cuối năm 2017, mục tiêu của đề tài “Nghiên cứu quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035” là đề xuất được mô hình quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035.

Báo cáo một số kết quả chính, GS.TS Phạm Hồng Quang cho biết: Đề tài đã trình bày cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn của vấn đề quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm ở Việt Nam. Đồng thời, tìm hiểu cơ sở lý luận của hệ thống đào tạo giáo viên ở Việt Nam và một số nước trên thế giới: Mô hình đào tạo giáo viên, chương trình đào tạo giáo viên, dự báo quy mô đào tạo và quy hoạch các trường sư phạm.

Nhóm nghiên cứu đã xây dựng bộ chuẩn các trường sư phạm và bước đầu đánh giá các cơ sở đào tạo giáo viên theo bộ chuẩn đã đề xuất. Đề xuất phương án quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm ở Việt Nam và sơ đồ cấu trúc các trường sư phạm trọng điểm, trường sư phạm chủ chốt và trường sư phạm vệ tinh. Đề xuất cơ chế, chính sách thực hiện quy hoạch và quản lý quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm ở Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu của đề tài đã được công bố qua 01 bài báo trên tạp chí trong hệ thống ISI/Scopus và 09 bài báo khoa học trong nước (vượt 05 bài so với đăng ký). Trong quá trình nghiên cứu, đề tài đã góp phần quan trọng trong việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ của đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu liên ngành. Cụ thể, đề tài đã đào tạo thành công 03 thạc sĩ, hỗ trợ đào tạo cho 01 nghiên cứu sinh chuyên ngành Quản lý giáo dục của Trường ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên và Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng.

GS.TS Phạm Hồng Quang báo cáo về kết quả nghiên cứu của đề tài 

Thông tin từ nhóm tác giả, đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam đã làm rõ các mô hình đào tạo giáo viên hiện nay, kinh nghiệm quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm trên thế giới, dự báo nhu cầu đào tạo giáo viên ở Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu đã cung cấp luận cứ khoa học cho vấn đề quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm. Từ đó, đề xuất các phương án quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, trong đó hình thành một số trường sư phạm trọng điểm, một số trường sư phạm chủ chốt và các trường sư phạm vệ tinh.

Đề tài cũng cung cấp căn cứ khoa học để các trường sư phạm đổi mới mô hình đào tạo giáo viên, tái cấu trúc trường sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng khoa học đánh giá cao nghiên cứu công phu, nghiêm túc, trách nhiệm và khoa học của nhóm nghiên cứu. Đồng thời, đưa ra nhiều phân tích sâu và một số góp ý để nhóm nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện đề tài.

GS.TS Nguyễn Hữu Đức, ĐH Quốc gia Hà Nội nhất trí cao với nhóm tác giả về quan điểm và nội dung khoa học. Chuyên gia độc lập, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng, đề tài đã đề cập khá rõ nét tổng quan, cơ sở dữ liệu cẩn thận. Đề tài đánh giá tốt thực trạng, bức tranh quy hoạch được giải quyết rõ nét, với từng khu vực, tùng mục, trả lời được các câu hỏi.

Các thành viên Hội đồng khoa học đánh giá, góp ý cho đề tài

PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền cũng đánh giá cao sản phẩm chính của đề tài là sơ đồ mạng lưới trường sư phạm được vẽ ra rõ ràng, chia thành 4 loại hình, cho hình dung rõ nét. Sản phẩm này có thể là căn cứ cho chính sách và quy hoạch mạng lưới trong thời gian tới.

Trao đổi tại phiên đánh giá, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng quan điểm quy hoạch có thể căn cứ vùng kinh tế và có thể theo khu vực, vùng miền hay sâu hơn nữa. Do việc sử dụng nhân lực sư phạm ở khắp mọi nơi nên quy hoạch cũng cần bám sát nhu cầu sử dụng lao động của địa phương, vùng miền.

Thứ trưởng lưu ý tầm quan trọng của công tác dự báo nhu cầu nhân lực sư phạm và cho rằng, ngoài công an, quân đội, lĩnh vực này có khả năng dự báo tốt nhất. Về mặt khái niệm, nên sử dụng “cơ sở đào tạo giáo viên” thay vì “trường sư phạm”, từ đó, phân loại cơ sở đào tạo giáo viên theo nhiều khía cạnh, như theo mô hình trường sư phạm truyền thống hay trường đa ngành đa lĩnh vực; theo phân loại đánh giá hạng mức chất lượng; theo vai trò, vị trí đối với quốc gia, khu vực, vùng miền; theo trình độ đào tạo;… Thực trạng, dự báo và phân loại,… là căn cứ để quy hoạch mạng lưới, trong đó cần nêu rõ liên kết giữa các cơ sở đào tạo giáo viên.

Đánh giá cao những sản phẩm nghiên cứu của nhóm tác giả, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh đến căn cứ khoa học, cơ sở dữ liệu và tính khả thi trong đề xuất quy hoạch, đồng thời yêu cầu nhóm nghiên cứu tiếp thu các ý kiến trao đổi, góp ý; tiếp tục cộng tác với các cơ quan, đơn vị của Bộ GDĐT trong việc xây dựng quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nguồn tin: Trung tâm Truyền thông Giáo dục

Bạn đang đọc bài viết Nghiên cứu quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm ở Việt Nam tại chuyên mục Tiêu điểm của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19