Để văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội

(TG) - Văn hóa là những giá trị sống do sự sáng tạo của con người, được kết tinh, hội tụ, lan tỏa trong đời sống xã hội, là nhựa sống cho quốc gia, dân tộc và nhân loại.
Lễ hội Đền Hùng. (Ảnh: Báo Phú Thọ)

NHẬN DIỆN BẢN SẮC VÀ GIÁ TRỊ VĂN HÓA VIỆT NAM

Văn hóa Việt Nam được hình thành và bồi đắp qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước gắn liền với giữ nước, đó là một nền văn hóa được hình thành trên nền tảng kinh tế nông nghiệp, vừa có tính phổ quát, vừa có tính cá biệt, kết nối và giao thoa giữa các nền văn minh gắn với đồng bằng, sông biển, núi rừng, sa mạc. Văn hóa Việt Nam không bị các nền văn hóa ngoại bang áp đặt, nô dịch, mà có tính tự chủ, đa dạng, phong phú do cộng đồng các dân tộc sinh tồn trên lãnh thổ Việt Nam, sự tiếp thu văn hóa bên ngoài thường được bản địa hóa. Cội rễ của Văn hóa Việt Nam là ý chí, nghị lực phi thường, dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào cũng "chung lưng đấu cật" chống thiên tai địch họa, cần cù trong sản xuất làm ra của cải vật chất, hồn nhiên và tài hoa trong sáng tạo đời sống tinh thần. Với một lãnh thổ đa dạng, phức tạp, giàu tiềm năng và cũng không ít khó khăn, thách thức, Việt Nam là một quốc gia hỗn dung nhiều yếu tố tự nhiên, gắn kết nhiều tộc người, mỗi miền, mỗi tộc người đều tự tôn, tự tạo, bảo tồn và phát triển một số giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, góp phần làm nên diện mạo văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng, phản ánh sự gắn kết cộng đồng xã hội như cây một cội, đùm bọc lẫn nhau, yêu nước, thương nòi, làm nên khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đủ sức chế ngự thiên nhiên, đủ sức đánh bại quân xâm lăng. Phương thức sản xuất đánh bắt, hái lượm, trồng trọt, chăn nuôi cùng với sự chế biến lương thực, thực phẩm giúp cho con người Việt Nam sáng tạo văn hóa ẩm thực hết sức phong phú. Tín ngưỡng, tôn giáo làm giàu trí tưởng tượng để con người Việt Nam sáng tạo và làm giàu kho báu văn hóa vật thể và phi vật thể. Địa hình, môi trường tự nhiên đòi hỏi con người sáng tạo nhà ở, tư trang. Mối giao hòa giữa con người với cộng đồng dần hình thành các hình thức sinh hoạt lễ hội hồn nhiên, tươi vui. Dân tộc Việt Nam là nơi có nhiều giá trị văn hóa truyền thống đạt tinh hoa nhân loại, đây chính là nguồn lực tinh thần vô giá, nội sinh dân tộc, vừa là niềm kiêu hãnh của con người Việt Nam nói chung, của từng tộc người trên mọi miền đất nước, đồng thời là sức hút du khách thập phương.

SỨ MỆNH CỦA VĂN HÓA TRONG THỜI ĐẠI TOÀN CẦU HÓA

Trong bối cảnh hội nhập, văn hóa là chìa khóa mở ra những vách ngăn, khai quang rào chắn để con người với con người sống với nhau có nghĩa có tình, để các quốc gia, dân tộc thông hiểu về nhau, chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm cùng giải quyết những vấn đề có tính toàn cầu, chung tay xây dựng và bảo vệ mái nhà chung vì hòa bình cho nhân loại. Sự tiến hóa của nhân loại như một dòng chảy mang theo phù sa văn hóa, nuôi dưỡng những mầm sống tương lai cho tiến bộ, văn minh. Trong dòng chảy lịch sử nhân loại, mỗi dân tộc đều có những bước thăng trầm và góp vào lịch sử những giá trị cao đẹp, làm nên những giá trị sống có tính phổ quát, dần hình thành và định vị bản sắc văn hóa riêng có cho từng cộng đồng, dân tộc.

Văn hóa có chức năng định hướng nhân cách, lối sống; giúp cho con người biết sống hướng thiện, biết làm cho các mối quan hệ giữa người với người và giữa người với thiên nhiên trở nên hài hòa. Tiến trình lịch sử nhân loại và của từng quốc gia, dân tộc thực chất và sâu xa là lịch sử biến thiên của các dòng chảy văn hóa. Các cuộc chiến tranh xâm lược bao giờ cũng mang theo sự nô dịch, áp đặt văn hóa của kẻ thống trị. Các cuộc chiến tranh chống xâm lược bao giờ cũng nhằm bảo vệ nền tự chủ và bản sắc văn hóa dân tộc. Trong chiến tranh, vũ khí hiện đại và binh lính với số đông có thể giành chiến thắng nhất thời, song sức sống của văn hóa, sức mạnh của tinh thần chắc chắn là thứ vũ khí vô hình bất diệt.

Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhiều khi con người tiếp cận một cách thái quá sức mạnh vật chất, coi sức mạnh vật chất là vạn năng, nên dẫn đến chạy đua vũ trang, chạy đua kinh tế, sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt để “răn đe” các nước không theo quĩ đạo của mình, sử dụng kinh tế làm ngón đòn “trừng phạt”, gây mất ổn định xã hội, can thiệp thay đổi thể chế chính trị. Nhiều giá trị văn hóa bị vỡ tan bởi các cuộc chiến dưới chiêu bài chống khủng bố. Các cuộc xung đột sắc tộc được ngụy trang dưới chiêu bài dân chủ. Xung đột tư tưởng bị khoác lên màu tôn giáo, tín ngưỡng, nhân quyền. Thế giới từng phải chịu cảnh chiến tranh hủy diệt và điêu tàn nhiều giá trị văn hóa tinh thần, nhất là sự hận thù giai cấp, dân tộc, sự kỳ thị sắc tộc, tôn giáo. Mặt trái của cơ chế thị trường đã và đang gây nhiều “tế bào ung thư” cho văn hóa đối nhân xử thế. 

Trước tình hình như vậy, đòi hỏi văn hóa phải giữ vững thiên chức khuyến thiện, diệt ác, bảo vệ các giá trị chuẩn mực đạo đức, lối sống cao đẹp, đẩy lùi các biểu hiện hẹp hòi, ích kỷ, dân tộc cực đoan, dân chủ giả hiệu. Sự giao thoa văn hóa là sự kết nối các giá trị sống trên phạm vi toàn cầu, không đem văn hóa làm thứ vũ khí vô hình để dọn đường áp đặt thể chế chính trị, nô dịch dân tộc. Văn hóa thực sự là môi trường sinh tồn bình đẳng, tương hỗ giữa cá nhân, cộng đồng, quốc gia, dân tộc vì hòa bình, thịnh vượng chung. Đại dịch Covid - 19 là dịp để con người “sống chậm lại”, có thêm cơ hội suy ngẫm “cài đặt” lại các mối quan hệ và phương thức sản xuất cùng với lối sống, theo đó, có một thông điệp văn hóa làm mẫu số chung cho nhân loại là: muốn sinh tồn và phát triển, chắc chắn phải hợp sức cùng nhau.

MỘT SỐ GIÁ TRỊ VĂN HÓA LÀM TRỤ ĐỠ CHO VIỆT NAM PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Văn hóa kinh tế: Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định mục tiêu từ nay đến giữa thế kỷ XXI, Việt Nam từng bước vươn lên thành nước công nghiệp hiện đại, thu nhập khá. Đây là mục tiêu chiến lược mang tầm nhìn thời đại, sát hợp với bối cảnh hội nhập, nâng cao thực lực kinh tế là nhiệm vụ trung tâm của đất nước. Theo đó, văn hóa phải khai mở được tinh thần tự lực, tự cường, khởi nghiệp, tạo ra tinh thần mới, tư duy phát triển kinh tế bằng sức mạnh trí tuệ và bản lĩnh vượt khó, sáng tạo của người Việt Nam. Văn hóa phải lên án lề lối làm ăn, kinh doanh thiếu lành mạnh, phải đấu tranh với biểu hiện vì lợi ích kinh tế mà phá hủy môi trường sống, để lại hậu họa cho con cháu, làm hoen ố hình ảnh đất nước.

* Văn hóa chính trị: Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước là tinh hoa trí tuệ của cả hệ thống chính trị và nhân dân, làm khung khổ cho đất nước phát triển. Văn hóa chính trị phải làm cho Đảng thực sự là đạo đức, là văn minh, xứng đáng là đại diện cho lợi ích tối cao dân tộc. Muốn vậy, văn hóa phải là người lính xung kích đấu tranh, ngăn chặn sự xuống cấp đạo đức, sự thoái hóa bản chất cách mạng trong cán bộ, đảng viên; phải làm cho tổ chức cơ sở đảng và hệ thống chính trị có được lòng tin của Nhân dân; đồng thời phải lan tỏa các giá trị đạo đức cách mạng mà Hồ Chí Minh đã đúc kết, chỉ dạy, nêu gương. Văn hóa vừa soi rọi, vừa kiểm duyệt các hành vi văn hóa xã hội, giữ vững các giềng mối điều tiết các mối quan hệ xã hội. Văn hóa còn thanh lọc “khí độc” trong du nhập các làn sóng văn hóa ngoại lai hoặc phát sinh mới.

Thực tế cho thấy, một số quốc gia có chỉ số hạnh phúc lại chưa phải là nước có kinh tế mạnh. Mục tiêu chiến lược của nước ta là “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, như vậy kinh tế chỉ là một thành tố được đặt lên đầu trong các thành tố đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Nên, văn hóa còn phải định hướng, mở đường cho những giá trị ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa từng bước ra đời, định hình, mang đậm bản chất tốt đẹp của tính người, tình người nhân hậu, bao dung, bình đẳng, bác ái, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu” để con người thụ hưởng hạnh phúc, kinh tế chỉ là điều kiện vật chất nâng cao đời sống tinh thần Nhân dân. Văn hóa phải khai sáng tư tưởng tiến bộ, bồi đắp niềm tin vào Đảng, Nhà nước, chế độ.

* Văn hóa đạo đức:
 Đạo đức chính là giá trị đặc biệt của văn hóa, song nói văn hóa đạo đức là để dựa vào đó mà nói sâu hơn về chức năng văn hóa đối với hình thành nhân cách. Văn hóa Việt Nam có được sức mạnh cảm hóa lòng người chính là dựa vào sự lay động lòng người, thức tỉnh lương tri. Đạo đức con người Việt Nam là biết hy sinh cho quê hương, đất nước, luôn hướng về cội nguồn dân tộc, tri ân tiên tổ, tôn vinh anh hùng dân tộc, đặt con người vào trung tâm phát triển. Đó chính là những triết lý sống của con người Việt Nam.

Văn hóa cần phải tiếp tục làm tỏa rạng những giá trị đạo đức thánh thiện như vậy. Văn hóa còn là vũ khí sâu cay, thâm thúy, đủ sức lên án, bài xích, tẩy chay lối sống bất nhân, bất nghĩa, vô ơn. Từng lĩnh vực ngành nghề đều có những chuẩn mực văn hóa đạo đức phù hợp, nhưng dù như thế nào thì hết thảy cũng đều là thành trì bảo vệ vững chắc lối sống đẹp, gìn giữ thuần phong mỹ tục của cộng đồng, dân tộc.

Những thành tố nêu trên chính là tòa sen đón ánh dương, soi rọi con người Việt Nam phấn đấu cho khát vọng dân tộc, sớm trở thành chủ nhân của một đất nước phồn vinh, hạnh phúc, văn minh và trường tồn./.

PGS.TS. Trần Viết Lưu

Bạn đang đọc bài viết Để văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19