Kỳ thi tốt nghiệp THPT là một trong những hoạt động giáo dục có tính xã hội cao, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Đảm bảo an toàn, công bằng, khách quan cho kỳ thi này luôn là nhiệm vụ được ngành giáo dục đặt lên hàng đầu.
Năm 2025, kỳ thi diễn ra trong bối cảnh có nhiều thay đổi về bộ máy. Điều này đặt ra thách thức lớn đối với công tác kiểm tra, giám sát kỳ thi, tránh “khoảng trống” trong thanh tra, kiểm tra.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Tăng cường kiểm tra, không bỏ lọt nhiệm vụ
Tại Hội nghị tổng kết công tác thi và thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024, cùng với đánh giá kết quả đạt được của công tác thanh tra, kiểm tra thi, Thanh tra Bộ GDĐT đã tổ chức lấy ý kiến cho phương án thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 với tinh thần phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế trong công tác thanh tra, kiểm tra thi từ những năm trước.
Để đảm bảo công tác giám sát kỳ thi, theo kế hoạch số 403/KH-BGDĐT của Bộ GDĐT về tổ chức thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, từ ngày 10/6 đến ngày 23/6, Bộ sẽ thành lập 15 đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại 30 Sở GDĐT theo 3 miền Bắc, Trung, Nam. Với những thay đổi của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Bộ GDĐT cũng đề nghị sở GDĐT tham mưu ban chỉ đạo cấp tỉnh thực hiện kiểm tra công tác chuẩn bị, tổ chức coi thi, chấm thi, phúc khảo và xét công nhận tốt nghiệp THPT tại địa phương đảm bảo theo quy định của Quy chế thi.
Tại buổi làm việc với các đơn vị thuộc Bộ GDĐT về công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, đại diện Cục Quản lý chất lượng cho biết, đã chuẩn bị tổ chức tập huấn theo Kế hoạch số 515/KH-BGDĐT ngày 07/5/2025. Đồng thời, tham mưu trình Bộ trưởng thành lập 03 đoàn công tác của lãnh đạo Bộ và Ban Chỉ đạo quốc gia đi làm việc, kiểm tra tại các địa phương trong kỳ thi. Dự kiến Bộ GDĐT sẽ thành lập 10 đoàn kiểm tra đến làm việc tại 20 Sở GDĐT.
Đánh giá cao sự chủ động, tích cực của các đơn vị, Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng cũng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ cần tập trung cao độ, chuẩn bị từ sớm, tăng cường lực lượng, bởi đây là nhiệm vụ trọng tâm, có sức lan tỏa và tác động lớn đến xã hội. Dù trong bối cảnh mới, nhưng công tác thanh tra, kiểm tra vẫn được Bộ GDĐT thực hiện hiệu quả, nghiêm túc, không buông lỏng. Đặc biệt, Thứ trưởng yêu cầu: “Tăng cường vai trò của địa phương, không để “điểm trống” trong thanh tra, kiểm tra. Các tỉnh cần chủ động giải quyết vấn đề tại chỗ, tổng hợp kịp thời, công bố nghiêm túc, đúng người, đúng việc”.
Các địa phương chủ động chuẩn bị kỹ lưỡng
Như vậy, chỉ còn hơn một tháng nữa, hơn 1 triệu thí sinh trên cả nước sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. Trong những ngày này, nhà trường, giáo viên, học sinh, các địa phương đang bước vào thời điểm quan trọng nhất để chuẩn bị kỹ lưỡng cho kỳ thi.
Thực hiện theo chỉ đạo của Bộ GDĐT, Sở GDĐT Hà Nội đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra các điểm thi đên địa bàn. Trọng tâm kiểm tra là đảm bảo thiết bị giám sát tại khu vực in, sao, vận chuyển, bảo quản đề thi; tình hình phòng cháy chữa cháy; đồng thời phối hợp với công an, y tế đảm bảo phương án ứng phó sự cố bất thường. Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí minh cũng chỉ đạo Sở GDĐT Thành phố Hồ Chí Minh đảm bảo tổ chức các kỳ thi đúng quy định, thực hiện nghiêm túc quy chế thi và các văn bản hướng dẫn của Bộ GDĐT; hoàn thiện các phương án dự phòng cho mọi tình huống, đặc biệt trong các khâu ra đề, in sao, vận chuyển đề thi, bài thi, coi thi và chấm thi. Song song đó, cần tăng cường công tác giám sát và hỗ trợ kỹ thuật, thành lập tổ phản ứng nhanh, đảm bảo an toàn hệ thống công nghệ thông tin phục vụ tuyển sinh và thi cử; tăng cường kiểm tra, giám sát tất cả các khâu của kỳ thi, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Trên tinh thần không để “điểm trống” trong thanh tra, kiểm tra, các địa phương đang thực hiện tốt vai trò của mình, phát huy tối đa năng lực quản lý, tự giám sát, tự chịu trách nhiệm. Việc Bộ GDĐT chủ động chỉ đạo, dự liệu các phương án thanh tra, kiểm tra trước kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 là bước đi kịp thời và cần thiết. Trong bối cảnh bộ máy thay đổi, nếu không có sự chủ động từ sớm, có thể sẽ xuất hiện những khoảng trống, làm tăng nguy cơ xảy ra tiêu cực.
Nếu công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện tốt, chủ động từ các địa phương, kỳ thi sẽ đảm bảo kết quả trung thực, khách quan, công bằng, đánh dấu sự chuyển mình của hệ thống quản lý giáo dục để thích ứng với bối cảnh mới.
Hà Giang