Tạo động lực cho sinh viên tham gia giáo dục trực tuyến

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, khi các trường học buộc phải đóng cửa, giáo dục trực tuyến đã trở thành giải pháp tối ưu để duy trì hoạt động học tập. Duy trì động lực, sự tham gia của sinh viên và giải pháp là những vấn đề quan trọng trong phương thức trực tuyến này.

Giáo dục trực tuyến đã nổi lên như một giải pháp tối ưu trong bối cảnh đại dịch Covid-19, khi các cơ sở giáo dục trên toàn cầu phải đóng cửa nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng. Giáo dục trực tuyến mang lại nhiều lợi ích rõ rệt, từ khả năng tiếp cận rộng rãi, tiết kiệm chi phí đến tính linh hoạt về thời gian và không gian học tập. Tuy nhiên, sự chuyển đổi này cũng đặt ra không ít thách thức, đặc biệt trong việc duy trì động lực và sự tham gia của sinh viên. Đại học Quốc tế Miền Đông (EIU) là một trong những đơn vị nhanh chóng chuyển đổi sang mô hình học trực tuyến, tận dụng các nền tảng công nghệ như Google Meet, Google Sites và các công cụ hỗ trợ khác để duy trì hoạt động giảng dạy. Thông qua các khảo sát và nghiên cứu tại EIU, bài báo đã chỉ ra những vấn đề lớn mà sinh viên gặp phải trong môi trường học trực tuyến, đồng thời đề xuất các giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

Một trong những thách thức lớn nhất của giáo dục trực tuyến là vấn đề kết nối Internet không ổn định, đặc biệt ở các khu vực nông thôn hoặc vùng sâu vùng xa, nơi mà nhiều sinh viên của EIU sinh sống. Sự gián đoạn kết nối không chỉ ảnh hưởng đến trải nghiệm học tập mà còn làm giảm sự tập trung và hứng thú của sinh viên trong lớp học. Bên cạnh đó, môi trường học tập tại nhà cũng không hoàn toàn lý tưởng. Tiếng ồn từ gia đình, sự hiện diện của bạn bè hoặc các yếu tố gây xao nhãng khác dễ khiến sinh viên mất tập trung. Thêm vào đó, việc thiếu tương tác trực tiếp giữa giảng viên và sinh viên, cũng như giữa các sinh viên với nhau, làm giảm đi hiệu quả truyền đạt kiến thức và sự gắn kết trong lớp học. Đặc biệt, nhiều sinh viên, do thiếu kinh nghiệm học trực tuyến hoặc không có thói quen tự học, thường gặp khó khăn trong việc duy trì động lực và hoàn thành bài tập đúng hạn. Đây là những rào cản lớn đối với việc triển khai giáo dục trực tuyến, đòi hỏi các giảng viên và nhà quản lý giáo dục phải nỗ lực tìm kiếm các giải pháp khắc phục.

Trước những thách thức này, bài báo đề xuất những giải pháp thiết thực nhằm tăng cường động lực và sự tham gia của sinh viên. Đầu tiên, các giảng viên cần sử dụng các ví dụ thân thuộc và gần gũi như liên quan đến đời sống hàng ngày của sinh viên trong bài giảng giúp sinh viên dễ dàng tiếp cận và ghi nhớ kiến thức hơn so với những ví dụ quốc tế không quen thuộc. Ngoài ra, việc áp dụng các công nghệ hỗ trợ giảng dạy như Kahoot, một nền tảng trò chơi học tập, hay Miro, bảng trắng trực tuyến, cũng là một cách hiệu quả để tăng tính tương tác và tạo hứng thú cho sinh viên. Các công cụ này cho phép giảng viên tổ chức các hoạt động nhóm, kiểm tra kiến thức nhanh hoặc kích thích sự sáng tạo thông qua các bài tập thảo luận trực tuyến.

Nguồn: Pixabay.com

Phương pháp đánh giá cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục trực tuyến. Các nhà nghiên cứu khuyến nghị rằng các giảng viên nên giảm bớt việc sử dụng các bài kiểm tra truyền thống và thay thế bằng các bài tập đánh giá dựa trên dự án. Phương pháp này không chỉ khuyến khích sinh viên chủ động học tập mà còn giúp phát triển các kỹ năng cần thiết như làm việc nhóm, giải quyết vấn đề và tư duy phản biện. Các dự án nên được thiết kế phù hợp với văn hóa và bối cảnh địa phương để sinh viên có thể dễ dàng liên hệ và ứng dụng kiến thức vào thực tiễn. Hơn nữa, các giảng viên cần linh hoạt trong cách đánh giá, chú trọng vào kỹ năng tư duy hơn là khả năng ghi nhớ máy móc.

Ngoài ra, nghiên cứu này đề xuất áp dụng bảy nguyên tắc giảng dạy tốt trong giáo dục đại học để hỗ trợ sinh viên trong môi trường trực tuyến. Các nguyên tắc này bao gồm khuyến khích giao tiếp giữa sinh viên và giảng viên, thúc đẩy hợp tác học tập, tạo điều kiện cho sinh viên tham gia tích cực, cung cấp phản hồi kịp thời, nhấn mạnh tầm quan trọng của quản lý thời gian, thiết lập kỳ vọng cao và tôn trọng sự đa dạng trong phong cách học tập. Đồng thời, giảng viên cần chủ động tạo động lực cho sinh viên bằng cách khen thưởng hoặc công nhận sự cố gắng của họ trong từng bài học.

Như vậy, nghiên cứu này không chỉ cung cấp cái nhìn toàn diện về những vấn đề mà giáo dục trực tuyến đang đối mặt mà còn đưa ra các giải pháp mang tính thực tiễn cao, giúp nâng cao chất lượng giảng dạy và khơi dậy động lực học tập cho sinh viên. Đây không chỉ là giải pháp tạm thời trong thời kỳ đại dịch mà còn là bước tiến quan trọng trong việc định hình tương lai của nền giáo dục hiện đại, nơi mà công nghệ và sự sáng tạo trở thành những yếu tố cốt lõi để thành công.

Hoàng Dũng lược dịch

Nguồn:

Dinh, M. P. T., Le, P. T., & Tran, A. T. P. (2022). How to Create, Maintain, and Reinforce Students’ Motivation and Engagement in Online Education: A Discussion. Vietnam Journal of Education6(1), 53-61. https://doi.org/10.52296/vje.2022.133

Bạn đang đọc bài viết Tạo động lực cho sinh viên tham gia giáo dục trực tuyến tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn