Ảnh minh họa (nguồn: sưu tầm)
Theo điều tra năm 2019 của WHO, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh từ 15 - 17 tuổi tại Việt Nam là 2,6%. Cũng theo điều tra tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh năm 2022, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử độ tuổi 13 -15 đã là 3,5%. Như vậy, chỉ sau 3 năm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh đã gia tăng đáng kể và đang gây ảnh hưởng xấu tới hành vi, lối sống, sức khỏe của các em học sinh.
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh kiêm Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết, ngăn ngừa hút thuốc lá trong giới trẻ là một trong những ưu tiên và cũng là nội dung quan trọng mà Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá đã hỗ trợ các tỉnh, thành phố nhằm xây dựng trường học không khói thuốc lá trong thời gian qua.
Về phía ngành giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp tích cực và chặt chẽ với Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá triển khai hiệu quả nhiều hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt thuốc lá mới trong học sinh, sinh viên.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản chỉ đạo, xây dựng tài liệu truyền thông, giáo dục, tổ chức tập huấn, truyền thông trực tiếp về tác hại thuốc lá và thuốc lá điện tử cho các cơ sở giáo dục.
Để ngăn ngừa việc sử dụng thuốc lá nói chung và các sản phẩm thuốc lá mới, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp và tăng cường tuyên truyền, phổ biến tác hại của việc sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha, tới toàn thể học sinh, sinh viên, học viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục.
Bên cạnh đẩy mạnh hoạt động xây dựng môi trường không khói thuốc tại các cơ sở giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện nghiêm quy định cấm bán thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá mới phía ngoài cổng các trường học theo quy định tại Khoản 2, Điều 25 Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá. Bộ Y tế cũng đề nghị các cơ sở giáo dục tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha tại các cơ sở giáo dục…
Mong rằng, với những giải pháp của ngành y tế, ngành giáo dục, sự tăng cường phối hợp liên ngành nhằm ngăn chặn thuốc lá điện tử trong học đường, cùng với những hướng dẫn để xây dựng các khuôn viên trường học không có nicotin và thuốc lá trong 2 ấn phẩm mới của WHO, Việt Nam nói riêng và các quốc gia trên thế giới nói chung sẽ có thể kiểm soát và đẩy lùi tình trạng hút thuốc lá trong lứa tuổi học đường.
Nguyễn Huy Hồng - Tạp chí Giáo dục