Chuyển biến tích cực từ Chương trình GDPT 2018

Được thực hiện từ năm học 2020-2021, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã thực sự tạo nên những chuyển biến tích cho nền giáo dục và đào tạo của Việt Nam.

Chương trình GDPT 2018 đã phát huy được hiệu quả.

Chuyển biến tích cực từ công tác dạy-học

Chương trình GDPT 2018 được xây dựng theo hướng mở, lấy học sinh làm trung tâm; chuyển mục tiêu giáo dục từ chú trọng truyền thụ kiến thức sang hình thành và phát triển phẩm chất cho học sinh. Nội dung giáo dục được đổi mới theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực; giảm kiến thức hàn lâm, tăng cường thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Chương trình, sách giáo khoa hướng tới việc phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo, khả năng tự học của học trò; tăng cường tính tương tác trong dạy và học giữa thầy với trò, giữa học trò với học trò và giữa các thầy cô giáo. Phương pháp và hình thức dạy học, kiểm tra đánh giá theo đó cũng được đổi mới mạnh mẽ.

Qua hơn 4 năm học triển khai, Chương trình GDPT 2018 đã tạo nên những chuyển biến tích cực. Những tiết học giờ trở nên sôi động hơn với nhiều hoạt động giáo dục được tổ chức nhằm tạo sự hứng thú trong học tập cho học sinh. Quan trọng hơn, là học sinh được chủ động khám phá, tìm tòi và chiếm lĩnh tri thức.Từ đó, hình thành phát triển những phẩm chất và năng lực cần thiết. Đối với các giáo viên khi dạy theo chương trình mới, dù ban đầu khá vất vả do học sinh chưa có thời gian làm quen nề nếp học tập, nhưng sau một thời gian, các thầy cô cảm thấy thoải mái, vui vẻ, thích thú với chương trình này. Giáo viên được chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch giảng dạy; không bị ràng buộc bởi sách giáo khoa hay lo “cháy giáo án”. Thầy cô được tự chủ, linh hoạt, sáng tạo triển khai các phương pháp dạy học tích cực phù hợp với năng lực của bản thân và nhận thức của học sinh hay, để từ đó phát huy tính chủ động, tích cực của học trò; làm cho mỗi tiết học trở thành một giờ vui của các học sinh và chính giáo viên.

Theo bà Lê Thị Bích Thúy, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái: "Thực hiện chương trình GDPT mới, các đơn vị nhà trường trên địa bàn huyện có rất nhiều những cách làm sáng tạo để lhoạt động dạy học phù hợp, hiệu quả nhất. Các thầy cô giáo đã thể hiện tinh thần, trách nhiệm cao, nghiên cứu sách để có những đánh giá, nhận xét, ý kiến với các cơ quan chức năng nhằm lựa chọn những bộ sách phù hợp nhất. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi tin rằng với những cách làm sáng tạo ngành GDĐT huyện Trấn Yên xác định những giải pháp là đưa chương trình đến với từng địa bàn, nhà trường, giáo viên và học sinh phù hợp, hiệu quả".

Cô Nguyễn Thị Lan Phương - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ka Long (thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) cho biết: “Triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tôi nhận thấy chương trình và sách giáo khoa mới có nhiều ưu điểm vượt trội như kênh hình bắt mắt, gắn kết nội dung bài học với thực tiễn.

Cú hích để đổi thay nền giáo dục

Để đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018, các địa phương đều đặc biệt quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như tạo điều kiện cho đội ngũ giảng viên được tham gia các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn. Tại thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), từ năm 2021 đến 2023, thành phố đã chi ngân sách gần 69 tỷ đồng để xây dựng các trường học mới và sửa chữa nhiều hạng mục trường lớp, đáp ứng việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. 100% cán bộ quản lý, giáo viên được tập huấn trước khi thực hiện dạy chương trình mới. Cùng với đó, cơ sở giáo dục đào tạo đều chủ động trong việc tự rà soát, đánh giá các tiêu chí của trường đạt chuẩn quốc gia, trên cơ sở đó nhận thức được các tiêu chí chưa đạt để khắc phục, phấn đấu hoàn thành. Nói cách khác, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã tạo “cú hích” để mỗi địa phương, mỗi nhà trường, mỗi thầy cô cũng như mỗi học sinh cùng nỗ lực đổi mới. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đặt ra mục tiêu giáo dục theo hướng tiếp cận phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, điều này đòi hỏi giáo viên phải được tập huấn kỹ lưỡng về phương pháp, trong quá trình giảng dạy cũng cần vận dụng linh hoạt kiến thức vào thực tế. Đây cũng là nỗi trăn trở của các cấp quản lý và đội ngũ giáo viên, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ka Long chia sẻ: “Đối với các thầy cô giáo trong nhà trường việc thực hiện chương trình mới lúc đầu còn có nhiều khó khăn bỡ ngỡ, một số giáo viên dạy học theo cách truyền thống nhiều năm nên ngại thay đổi.”

Tuy nhiên sau một thời gian thực hiện cùng với các lớp tập huấn, các chuyên đề cấp trường, cấp tổ, cấp thành phố và đặc biệt qua thực tế giảng dạy các thầy cô đều nhận thấy chương trình mới đã giao quyền tự chủ cho mỗi giáo viên. Giáo viên được chủ động, linh hoạt, không áp lực trong việc lựa chọn phương pháp và hình thức tổ chức dạy học phù hợp với đặc điểm tình hình học sinh. Đặc biệt, những tiết học với tính ứng dụng thực tế cao khiến học sinh hứng thú tiếp nhận kiến thức, phát huy được năng lực của học sinh. Khi tiết học trở nên sôi nổi hơn, công tác giảng dạy cũng không còn nhàm chán. Năng lực, sự tiến bộ của học sinh cũng bộc lộ rõ nét giúp tạo nên tâm thế phấn khởi cho người dạy.

Đối với các môn học xã hội, nếu như trước đây, giáo viên là người nói, giải thích nhiều hơn, còn học sinh ghi chép và lắng nghe. Thì nay, ở Chương trình GDPT 2018, học sinh là người tiếp cận kiến thức và giáo viên là người định hướng. Điều này cho thấy vai trò của giáo viên và học sinh trong tiết học đã có sự khác biệt hoàn toàn giữa Chương trình GDPT 2018 và chương trình trước đây. Ví dụ đối với môn Ngữ văn, nếu như trước đây, học sinh học tác phẩm nào biết tác phẩm đó, không có sự so sánh và mở rộng. Đến nay, giáo viên khi dạy một chủ đề về một thể loại văn học, học sinh không chỉ cần nắm bắt được đặc trưng của thể loại, biết cách phân tích tác phẩm trong sách giáo khoa mà còn mở rộng tìm hiểu, tiếp cận tác phẩm trong cùng thể loại khác. Việc kiểm tra, đánh giá đối với môn Ngữ văn cũng có sự đổi mới, bài thi có thêm phần thi trắc nghiệm và tác phẩm trong bài thi sẽ không nằm trong sách giáo khoa. Điều này giúp học sinh có sự thích thú và năng động hơn, tư duy học tập khác với chương trình cũ. Khi làm bài kiểm tra môn Ngữ văn, ngay cả các học sinh có thiên hướng về các môn tự nhiên vẫn có cơ hội để giành được điểm cao.

Về phía học sinh, nhiều học sinh chia sẻ cảm thấy hào hứng và bớt áp lực hơn khi học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Mỗi tiết học giờ đây không chỉ có kiến thức khô khan mà còn có nhiều hoạt động khác như thực hành, trải nghiệm, thực hiện các dự án theo nhóm. Chỉ tính riêng với cấp học Tiểu học, nếu trước đây, học sinh phải làm bài tập về nhà một cách khiêm cưỡng thì theo Chương trình GDPT 2018, các em làm bài tập về nhà không còn nặng nề như trước, thay vào đó các em có cơ hội được cùng các bạn hoàn thành các dự án học tập theo ý tưởng riêng, dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Chia sẻ về cảm nhận của bản thân khi học theo Chương trình GPT 2018, Hà Linh, học sinh lớp 7, Trường THCS Lê Quý Đôn cho biết: “ Những tiết học theo chương trình mới rất sinh động, thu hút và giúp các em tập trung hơn để tiếp thu kiến thức. Cùng với đó, các chương trình giáo dục trải nghiệm cũng giúp em thu được nhiều kiến thức thực tiễn bổ ích”.

Có thể thấy, sau gần 5 năm học, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 không chỉ mang lại những chuyển biến tích cực trong dạy và học, mà còn tạo động lực thúc đẩy sự đổi mới trong toàn ngành giáo dục. Những đổi mới từ chương trình đã khơi dậy sự sáng tạo, linh hoạt trong cách dạy của giáo viên và khích lệ học sinh chủ động hơn trong việc tiếp cận tri thức. Dù còn nhiều khó khăn trong quá trình triển khai, nhưng với sự nỗ lực của các cấp quản lý, nhà trường, giáo viên và học sinh, Chương trình GDPT 2018 đang dần hiện thực hóa mục tiêu phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực cho thế hệ trẻ. Đây chính là nền tảng vững chắc để nền giáo dục Việt Nam vươn tầm, đáp ứng yêu cầu của thời đại và hội nhập quốc tế.

Hiền Kim

Bạn đang đọc bài viết Chuyển biến tích cực từ Chương trình GDPT 2018 tại chuyên mục Thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19