Là giáo viên bám bản vùng sâu, vùng xa, cô giáo Quàng Thị Xuân cho biết: Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Mường Lạn, nằm tại một vùng sâu, vùng xa của huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La, hiện tại trường có 54 lớp phân bố tại 8 điểm trường cách xa nhau về khoảng cách địa lý, học sinh dân tộc thiểu số chiếm đến 98,1%. Cô Xuân chia sẻ, đối với nhiều em học sinh nơi đây, việc đến trường, được học con chữ, được biết thêm những điều mới mẻ về thế giới bên ngoài không chỉ là một ước mơ mà còn là hành trình đầy gian nan, vất vả bởi điều kiện vật chất, kinh tế, gia đình thiếu thốn đủ đường. “Nhưng có lẽ đó cũng là lý do thôi thúc tôi và các đồng nghiệp luôn cố gắng vượt qua những khó khăn, vất vả, không ngừng đổi mới, sáng tạo trong việc dạy học để các em học sinh được tiếp cận với nền giáo dục tốt nhất”, cô Xuân bày tỏ. Con đường mang tri thức đến vùng khó chưa bao giờ là dễ dàng, hành trình đó không chỉ là tình yêu nghề nghiệp đơn thuần mà bao gồm cả sự quyết tâm, hi sinh cao cả. “Tôi cảm nhận sâu sắc rằng, bên cạnh tình yêu nghề và lòng nhiệt huyết, chúng tôi còn cần một tinh thần đổi mới, một sự hợp tác bền bỉ để cùng nhau vượt qua những thử thách, khó khăn của ngành giáo dục”, cô Xuân tâm sự.
Ảnh minh hoạ: Vũ Phương
Thầy giáo Đặng Văn Bửu là một nhà giáo có 31 năm đứng trên bục giảng, cống hiến cho ngành giáo dục ở một xã đảo đặc biệt khó khăn tại huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Đảm nhận nhiều vị trí như giáo viên bộ môn Lịch sử và Địa lí, tổ trưởng chuyên môn, Tổng phụ trách Đội… tại Trường THCS Hưng Phong, thầy Bửu cho rằng, là giáo viên ở những vùng thiếu thuận lợi, ngoài việc giỏi chuyên môn, làm tốt công việc của bản thân mình cần quan tâm học sinh, phụ huynh và đặc biệt là những đồng nghiệp. Đặng Văn Bửu trăn trở: “Ở những điểm trường xa xôi, thiếu thốn, vất vả, đồng nghiệp chúng tôi luôn bảo ban, động viên nhau cố gắng vượt lên hoàn cảnh để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó. Đó vừa là tình thương trong xã hội, là tình yêu nghề và là trách nhiệm của bản thân những người làm nghề giáo”.
Khác với cô Xuân, thầy Bửu bởi khó khăn của hoàn cảnh, của điều kiện môi trường làm việc, công việc của cô giáo Bùi Thị Thuý là giáo dục và chăm sóc trẻ khuyết tật tại Trường Trẻ em khuyết tật huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định. Chia sẻ về công việc của mình cô Thúy cho biết, một giáo viên dạy học sinh bình thường đã khó đối với các em học sinh khuyết tật còn khó hơn nhiều. Nhưng với tấm lòng yêu nghề, mến trẻ, coi học sinh như những người thân yêu của mình thì việc dạy các em tiếp thu kiến thức, kỹ năng xã hội, kỹ năng giao tiếp sẽ dễ dàng hơn. Trong lớp cô Thúy phụ trách hiện nay học sinh ở nhiều độ tuổi, dạng tật khác nhau. Giáo viên phải phân loại từng dạng tật để điều chỉnh nội dung, phương pháp, hình thức giảng dạy sao cho phù hợp với các em. Ngoài ra đối với học sinh khuyết tật, các thầy cô giáo còn giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng phòng tránh xâm hại, giáo dục về giới tính ngoài giờ lên lớp cho các em. Với những phương pháp giảng dạy các em rất tiến bộ và hòa nhập với xã hội, sau khi học xong chương trình tiểu học dành cho học sinh khuyết tật nhiều em đã chuyển sang học hòa nhập với học sinh bình thường, một số em làm công nhân may, công nhân giày da, thợ cắt tóc, thợ đánh máy văn bản, một số em học tiếp chương trình THCS tại trường Cao đẳng sư phạm TW… “Đối với chúng tôi, sự tiến bộ hàng ngày của các em, dù nhỏ thôi nhưng là điều khiến chúng tôi vui và tự hào. Đó không chỉ là ghi nhận to lớn nhất cho những gì người làm thầy làm cô như chúng tôi cố gắng mà đó là sự vượt lên chính mình của những học sinh đặc biệt. Đó là niềm hạnh phúc thật sự và quý giá”.
Sự nghiệp giáo dục hiện nay trên dải đất hình chữ S còn nhiều vất vả và nhiệm vụ giáo dục ở những vùng sâu, vùng xa, những nơi khó khăn, những môi trường chuyên biệt, đặc biệt lại thêm nhiều phần vất vả và thử thách. Những nhà giáo như cô Xuân, thầy Bửu, cô Thúy là đại diện điển hình cho hơn một triệu nhà giáo đang ngày đêm cống hiến, hi sinh vì sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp trồng người trên toàn quốc. Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng yêu cầu thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Trước hết, để thực hiện, hoàn thành mục tiêu lớn lao đó, những người thầy “đặc biệt” vẫn hàng ngày, hàng giờ thắp sáng ước mơ của hàng ngàn học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu vùng xa bằng sự hy sinh, nhiệt huyết, đam mê và cống hiến.
Phát biểu tại buổi gặp mặt các nhà giáo tiêu biểu cấp trung ương lần thứ IV, năm 2024, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi nhấn mạnh, nghề giáo là nghề cao quý, đồng thời khẳng định “Và ở những môi trường, điều kiện khó khăn như vậy, ngành Giáo dục, xã hội cần vô cùng những nhà giáo tiên phong nhận nhiệm vụ. Tri thức, lòng yêu nghề, nhiệt huyết tuổi trẻ chính là hành trang để các thầy cô giáo có thể vượt qua những khó khăn, hy sinh cá nhân để đến với vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đến với những học sinh vất vả, chuyên biệt. Đó chính là sức mạnh của tuổi trẻ và truyền thống tốt đẹp của nghề giáo chúng ta. Đó là những cống hiến hết sức cao quý, đáng tự hào và đáng trân trọng”. Bày tỏ lòng tri ân với các nhà giáo, Thứ trưởng tin chắc rằng, những tấm gương nhà giáo tiêu biểu được tuyên dương sẽ lan tỏa mạnh mẽ đến hàng ngàn, hàng vạn nhà giáo tiêu biểu ở khắp mọi miền của tổ quốc. Những biểu dương của ngành giáo dục dành cho những nhà giáo tiêu biểu cũng là dịp để toàn xã hội có góc nhìn chia sẻ, hướng tới tri ân những đóng góp thầm lặng của đội ngũ nhà giáo. “Qua đó sẽ có những cơ chế, chính sách sẻ chia với với đội ngũ nhà giáo, với ngành Giáo dục. Chia sẻ vừa là ghi nhận, đồng cảm nhưng cũng vừa là trách nhiệm của xã hội đối với nghề giáo, với đội ngũ nhà giáo” Thứ trưởng nhấn mạnh.
Minh Anh