Đảm bảo khách quan, công bằng, bình đẳng, thuận tiện
Bắt đầu từ năm 2015, tuyển sinh đại học đã thực hiện đổi mới ở 8 vấn đề, bao gồm: đổi mới tổ chức thi để xét tuyển, phương thức xét tuyển; đổi mới đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển; đổi mới ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng; đổi mới trong quy định về ngưỡng đảm bảo chất lượng; đổi mới trong quy trình xét tuyển và lọc ảo; đổi mới về cơ sở dữ liệu; đổi mới về chỉ tiêu tuyển sinh và một số điểm đổi mới khác như đề án tuyển sinh, xác nhận nhập học, nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến, xác nhận nhập học trực tuyến…
Nếu như năm 2015, số thí sinh nhập học đại học chính quy là 400.163 thí sinh thì năm 2023, con số này là 546.686. Có 3 năm 2016, 2017, 2018 số thí sinh nhập học chính quy dưới 400 nghìn; có 3 năm trên 500 nghìn là các năm 2021, 2022, 2023.
Đánh giá kết quả tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2023, theo báo cáo của Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT: Năm 2023, số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT là 1.022.063 thí sinh; tổng chỉ tiêu đại học, cao đẳng ngành giáo dục mâm non là 663.063; số thí sinh trúng tuyển đã nhập học là 546.686; tỉ lệ nhập học/chỉ tiêu là 82,45%; tỉ lệ nhập học/số dự thi tốt nghiệp THPT là 53,12%.
Nếu tính theo 6 vùng kinh tế, tỉ lệ nhập học đại hoc, cao đẳng/số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT như sau: Vùng Trung du và miền núi phía Bắc 40,28%; vùng Đồng bằng sông Hồng 64,44%; vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung 52,65%; Tây Nguyên 48,56%; Đông Nam Bộ 64,24%; Đồng bằng sông Cửu Long 52,45%.
Báo cáo tuyển sinh năm 2023 cũng thống kê 10 tỉnh/thành phố có tỉ lệ nhập học đại học chính quy cao nhất và 10 tỉnh thấp nhất. Trong đó đứng đầu trong 10 địa phương cao nhất là Bình Dương với tỉ lệ nhập học đại học năm 2023 là 80,61%, đứng cuối trong 10 địa phương thấp nhất là Sơn La với tỉ lệ 25,79%.
Tỉ lệ nhập học so với chỉ tiêu của ngành sư phạm là 89,14%. Trong đó, cao đẳng là 89,78%, đại học là 88,97%. Mặc dù tuyển sinh sư phạm đã có khởi sắc song vẫn còn nhiều địa phương không đặt hàng đào tạo, một số ngành khó tuyển.
Công tác tuyển sinh năm 2023 đảm bảo an toàn, minh bạch, đúng quy chế, tiếp tục cho thấy đột phá trong chuyển đổi số. Đối với thí sinh công tác tuyển sinh tạo sự công bằng, thuận tiện. Đối với cơ sở đào tạo là sự bình đẳng, minh bạch, giảm mạnh tỉ lệ ảo. Bộ GDĐT cũng đã có hệ thống dữ liệu cập nhật toàn vẹn, tin cậy, tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước.
Về thực trạng sử dụng quá nhiều phương thức xét tuyển, bà Nguyễn Thu Thuỷ đánh giá: Thực trạng này gây nhiễu thông tin. Nhiều phương thức xét tuyển không có hoặc rất ít thí sinh đăng ký dẫn tới kém hiệu quả. Chưa đảm bảo công bằng giữa các phương thức xét tuyển. Nhiều cơ sở đào tạo chưa phân tích tương quan, đánh giá đối sánh kết quả học tập của sinh viên theo các phương thức.
Năm 2023, xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT chiếm cao nhất 49,45%. Tiếp theo là phương thức xét kết quả học tập bậc THPT 30,24%. Thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy 2,57%. Các phương thức khác (bao gồm 12 phương thức) 14,10%. Đối với vấn đề xét tuyển sớm, năm 2023, số cơ sở đào tạo xét tuyển sớm 214/322. Số thí sinh trúng tuyển tuyển sớm 375.517. Số nguyện vọng trúng tuyển sớm 1.268.232. Số thí sinh có trúng tuyển sớm sau lọc ảo 301.849. Về vấn đề này, Bộ GDĐT khuyến cáo các cơ sở đào tạo cần tăng cường truyền thông, hướng dẫn thí sinh. Cơ sở đào tạo cũng cần rà soát, đánh giá hiệu quả của phương thức xét tuyển sớm. Về phía Bộ GDĐT tiếp tục nâng cấp hệ thống đăng ký và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.
Công tác tuyển sinh năm 2024 cơ bản ổn định như những năm trước. Một số lưu ý với công tác tuyển sinh năm 2024 là tăng cường truyền thông và tăng cường hỗ trợ thí sinh; tiếp tục đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin hỗ trợ công tác tuyển sinh, thực hiện đợn giản hoá việc đăng ký xét tuyển. Năm 2024, số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT trên cả nước là 1.071.393. Hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GDĐT ghi nhận tổng số hơn 733.000 thí sinh đã nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển, tương đương 68,5% so với số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Tỷ lệ tuyển sinh đại học chính quy đạt 82,9%, tỷ lệ tuyển sinh thạc sĩ đạt 56,89%, tỷ lệ tuyển sinh tiến sĩ đạt 47,16%.
Công tác tuyển sinh ngày càng thuận lợi, minh bạch, công bằng, tạo cơ hội cao nhất người học. (Ảnh: MOET)
Duy trì sự ổn định trong công tác tuyển sinh
Công tác tuyển sinh ngày càng đảm bảo khách quan, công bằng, bình đẳng, thuận tiện hơn cho cả cơ sở đào tạo và thí sinh, giúp tiết kiệm nguồn lực xã hội, đồng thời góp phần đánh giá đúng năng lực của thí sinh vào các ngành đào tạo, ngày càng minh bạch hơn về nguồn tuyển và chất lượng nguồn tuyển.
Việc thực hiện chuyển đổi số trong toàn hệ thống và ở tất cả các khâu trong tuyển sinh là một điểm sáng, mang lại lợi ích lớn cho người học, thí sinh và người dân, đồng thời giảm chi phí cho toàn xã hội. Quy trình tuyển sinh được cải tiến liên tục, đảm bảo tính khoa học và hiệu quả, từ việc áp dụng công nghệ thông tin đến việc nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ thí sinh.
Phát biểu tổng kết Hội nghị về công tác tuyển sinh, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh: Nhìn lại 9 năm đổi mới từ 2015 đến nay, có thể thấy cách thức tuyển sinh ngày càng đi vào ổn định và ngày càng tốt hơn, cho thấy sự tăng trưởng bền vững. “Muốn đánh giá tuyển sinh cần nhìn vào số lượng tuyển được, tỉ lệ tuyển được. Qua 9 năm đổi mới tuyển sinh, một số năm đầu số lượng đi xuống nhưng rõ ràng cả quá trình vừa qua cho thấy sự tăng trưởng bền vững. Cả hệ thống giáo dục đại học cố gắng cùng nâng cao chất lượng. Niềm tin của xã hội vào chất lượng giáo dục đại học, vào nhân lực trình độ cao nâng lên”, Thứ trưởng nói.
Theo Thứ trưởng, nhìn về thuận lợi và hiệu quả, mỗi năm công tác tuyển sinh có điều chỉnh lớn và nhỏ nhưng đều theo hướng ngày càng thuận lợi cho thí sinh, cơ sở đào tạo, công tác quản lý nhà nước. Việc thí sinh ở bất cứ nơi đâu, chỗ nào cũng có thể tiến hành đăng ký xét tuyển tạo sự thuận tiện, hiệu quả với các trường. Việc tuyển sinh ngày càng công khai và minh bạch. Mọi dữ liệu tuyển sinh, từ đề án, phương thức của nhà trường đều phải công khai, minh bạch với xã hội, người học qua các hệ thống, phần mềm… Công tác tuyển sinh cũng cho thấy tinh thần hợp tác. Đó là sự hợp tác của các trường trong các khâu tuyển sinh như lọc ảo, xét tuyển chung… Ngoài sự hợp tác còn là sự cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở đào tạo. Các trường tuyển sinh mạnh, thu hút được nhiều người học. Trong khi đó, các trường tuyển sinh kém sẽ phải điều chỉnh, cải tiến để tốt hơn.
Bên cạnh những mặt làm được, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng chỉ ra những hạn chế trong công tác tuyển sinh giai đoạn từ 2015 đến nay. Theo đó, dù ngày càng có nhiều cơ hội xét tuyển vào đại học nhưng thí sinh hiện nay cũng đối diện với những khó khăn trong việc chọn ngành, chọn trường, ghi nhớ các phương thức tuyển sinh, thời hạn đăng ký xét tuyển. Do đó, Thứ trưởng lưu ý, việc đa dạng trong phương thức tuyển sinh là tốt nhưng cần thống nhất để tạo thuận lợi cho thí sinh. Mặc dù công khai, minh bạch tuyển sinh, song hiện tại chưa có có minh chứng thuyết phục về sự công bằng giữa các phương thức tuyển sinh. Vì vậy, các trường cần phân tích, đối sánh kỹ lưỡng giữa kết quả tuyển sinh giữa các phương thức và kết quả học tập của sinh viên để có sự điều chỉnh phù hợp. Trong việc này, cần sử dụng nhiều công cụ, phương pháp so sánh. Bên cạnh đó, vẫn còn một số trường hợp chưa nghiêm túc trong thực hiện quy chế tuyển sinh, phổ biến nhất là tuyển vượt chỉ tiêu. Nếu tiếp tục xảy ra hiện tượng này, các trường không thể giữ được niềm tin, sự tin tưởng của xã hội và người học. Vì vậy, nhìn nhận từ những kết quả trong công tác tuyển sinh thời gian qua, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn mong muốn tiếp tục duy trì ổn định, phát huy kết quả đạt dược để làm đúng hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn.
Để làm được điều đó, các Kế hoạch triển khai công tác tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non hàng năm cần được hoàn thiện và ban hành sớm. Các cơ sở giáo dục đại học cũng phải chủ động xây dựng kế hoạch tuyển sinh. Đồng thời cần hoàn thiện phần mềm, cơ sở dữ liệu tuyển sinh, nhất là kết quả từ các kỳ thi đánh giá năng lực, kết quả học tập THPT hoặc kết quả thi những năm trước. Công tác truyền thông, tư vấn cho thí sinh cũng cần được tăng cường để giúp các em chọn đúng ngành, nghề, phù hợp với năng lực và đáp ứng nhu cầu xã hội. Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra cũng cần được tăng cường.
Minh Phong