Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn trao đổi về chính sách đối với trường đại học ngoài công lập

Tại buổi lễ Công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chuyển Trường đại học Duy Tân (Đà Nẵng) thành Đại học Duy Tân vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã có bài phát biểu quan trọng, trong đó nhấn mạnh về cơ chế và chính sách bình đẳng giữa khối trường đại học công lập và khối ngoài công lập

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Đại học Duy Tân (Đà Nẵng)

Bộ trưởng nêu rõ: Đảng và Nhà nước ta coi việc phát triển khối các cơ sở giáo dục đại học công lập và khối các cơ sở giáo dục đại họcngoài công lập là bình đẳng. Chính sách và cơ chế quản lý hai khối này đang theo hướng tới tập trung vào quản lý chất lượng kết hợp với kiểm tra, giám sát, gia tăng tự chủ, tự giải trình và tự chịu trách nhiệm xã hội. Đối với khối các cơ sở giáo dục đại học công lập, cần ưu tiên tăng cường hỗ trợ nguồn lực đầu tư phát triển, trong khi đối với khối các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập, cần ưu tiên tăng cường các chính sách tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện, khuyến khích phát triển và hội nhập với các đại học tiên tiến trên thế giới. Kỳ vọng vào khối các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ngày càng có vai trò lớn hơn trong nền giáo dục và phát huy những lợi thế để phát triển nhanh chóng, trở thành đại học thuộc nhóm các đại học hàng đầu khu vực Châu Á, từng bước đạt được vị thế cao trên thế giới. Hiện nay, trong số các đại học hàng đầu thế giới, một tỷ lệ rất lớn là các đại học tư.  

Về sự phát triển quy mô và chất lượng đào tạo của một trường đại học, tiến tới một đại học đa ngành, đa lĩnh vực với gần 80 ngành đào tạo như trường hợp Đại học Duy Tân, Bộ trưởng nhấn mạnh: Từ Trường đại học trở thành Đại học là một sự lựa chọn mô hình tổ chức và quản trị, cũng là một mô hình phát triển chứng tỏ độ chínvà nhu cầu phát triển mới từ bên trong. Tôi mong rằng, sự thay đổi này không phải là thay đổi một cái tên mà sự thay đổi này hướng tới chiều sâu, hướng tới giải phóng sức sáng tạo, hướng quản trị hiện đại, thông minh. Một Đại học sẽ được vận hành với bộ máy quản trị đại học khoa học hơn, tiên tiến hơn, quy mô lớn hơn, sứ mệnh cao hơn, tầm nhìn xa, rộng hơn, hướng tới sự phát triển bền vững. Sự thay đổi từ mô hình tổ chức của một trường đại học sang mô hình tổ chức của Đại học cần tạo ra những động lực mới và những sung lực mới, giải phóng được sức sáng tạo và tạo ra những năng lượng mới tạo sự phát triển Đại học nhanh và mạnh mẽ hơntrong tương lai.

Như vậy, nhà trường cần rà soát về triết lý và chiến lược phát triển, sứ mệnh, tầm nhìn; rà soát lại cách thức quản trị đại học, phương pháp dạy và học, nghiên cứu khoa học và công bố khoa học, thu hút và phát triển nhân lực thời gian qua… Cái gì hay và hợp lý thì tiếp tục phát huy, cái gì chưa hợp lý, không đem lại uy tín và giá trị thì cần thay đổi. Cần củng cố và làm vững chắc thêm niềm tin của xã hội bằng sự đầu tư cho chất lượng trong tất cả các hoạt động của đại học. Lấy chất lượng đặt lên hàng đầu, lấy uy tín làm ý nghĩa sống còn, gia tăng sự thuyết phục và sự tin tưởng từ xã hội, hướng tới đảm bảo sự phát triển bền vững. Suy cho cùng, khát vọng lớn cho cộng đồng không có công có tư, những điều thiện lương tốt lành cũng không có công có tư, chỉ có tầm nhìn và sự dấn thân với các mức độ khác nhau mà thôi. Với trường công, có những việc là đương nhiên bởi đó là trách nhiệm trong hệ thống công, nhưng với trường tư, sự tự nhiệm, sự gánh vác với việc phát triển con người, phát triển  đất nước phụ thuộc vào sự lựa chọn và cái tâm của những người chủ sở hữu và của tập thể lãnh đạo nhà trường.

Cơ sở giáo dục đại học cần quan tâm nhiều hơn tới các lĩnh vực khoa học và công nghệ mới, công nghệ mũi nhọn, những ngành mà đất nước rất cần cả trước mắt và lâu dài, với cả những ngành phải đầu tư nhiều nhưng lâu thu được kết quả. Trong số các nhân tố mà nhà trường phấn đấu và phát triển trong thời gian tới, cần chú ý tới việc phát triển đội ngũ các giảng viên, các nhà khoa học, vừa giỏi chuyên môn, trách nhiệm xã hội, trong sáng, liêm chính trong học thuật và là hình mẫu con người thời đại mới. Những trí thức chân chính thì bất kỳ trong môi trường nào, công hay tư cũng đều là những con người mẫu mực và tiên phong của thời đại và gánh vác trách nhiệm trước dân tộc.

Nguyễn Minh

Bạn đang đọc bài viết Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn trao đổi về chính sách đối với trường đại học ngoài công lập tại chuyên mục Tin tức, sự kiện của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19